Vì sao đặc khu kinh tế Vân Phong được kỳ vọng rất lớn nhưng gặp khó?
Vì sao Khu kinh tế Vân Phong được kỳ vọng rất lớn nhưng gặp khó?
Thành An
Thứ năm, ngày 21/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho rằng, Khu kinh tế Vân Phong nhận được kỳ vọng rất lớn, nhưng thiết kế chính sách rất khó, nên chưa có chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết: Trên thực tế, hạ tầng Khu kinh tế Vân Phong còn rất hạn chế. Do đó, cần huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án lớn bằng các chính sách ưu đãi thiết thực. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với các ngành nghề thu hút đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khả năng bổ sung một số chính sách như: Áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Hai là phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Quy định ưu đãi nhà đầu tư chiến lược như đề xuất còn hẹp quá, chưa có chính sách mới và đột phá. Do vậy, nên mở rộng như quan điểm của cơ quan thẩm tra. Cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là phương pháp rất phổ biến trên thế giới.
Với phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin: "Thủ tướng có trao đổi với tôi ý này, tôi ủng hộ".
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, những ưu đãi cho Vân Phong chưa chạm tới mong muốn của nhà đầu tư với 4 vấn đề: Sở hữu đất đai, miễn thị thực, giảm thuế, thủ tục hành chính.
Theo ông Vân Phong có hai đặc điểm nổi trội là du lịch và cảng biển, cơ chế đặc thù cho Vân Phong đã nghiên cứu rất nhiều, nhưng vấn đề pháp lý rất khó nên rất khó tạo được đột phá cho Vân Phong.
Phát biểu ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh cho rằng, Khu kinh tế Vân Phong nhận được kỳ vọng rất lớn, nhưng thiết kế chính sách rất khó, nên chưa có chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Ninh khẳng định, nếu được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì cũng chỉ áp dụng giới hạn với nhà đầu tư chiến lược.
Cuối phiên họp, 100% các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.