![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-11-07/maxresdefault-1573137688-width800height545.jpg)
Cuộc chinh phạt đế chế Inca của Francisco Pizarro là một trong những thành tựu phi thường nhất trong lịch sử quân sự. Chỉ trong một ngày của năm 1532, với chưa đến hai trăm người, Pizarro đã đánh bại một đội quân hùng mạnh hàng ngàn người và bắt sống Hoàng đế Atahualpa, nhà cai trị hiếu chiến của Đế chế Inca hùng mạnh mới ngay trước đó đã nghiền nát rất nhiều nước láng giềng. Mùa thu năm sau, Pizarro và người của mình kiểm soát hoàn toàn Đế chế Inca.
Ở xa hậu phương và bị đối phương áp đảo hoàn toàn về số lượng, làm thế nào mà Pizarro và nhóm lính của ông đạt được kỳ tích phi thường này?
Sự sụp đổ của người Inca một phần do họ vốn đang trên đà suy thoái hơn một thập kỷ. Nội chiến liên miên đã làm suy yếu khả năng chiến đấu của họ.
Trong năm năm, Atahualpa nổi loạn chống lại người anh Huascar hòng chiếm quyền kiểm soát đế chế Inca. Sau cái chết năm 1527 của người cha là Hoàng đế Huayna Capac, hai người nỗ lực để giành quyền thừa kế ngai vàng, với Atahualpa kiểm soát phía bắc, còn Huascar có nhiều quyền lực hơn ở phía nam.
Chiến sự chính thức bùng nổ năm 1529 và chấm dứt vào năm 1532. Những năm tháng chiến tranh liên miên khiến quân đội Inca bị chia rẽ và suy yếu. Họ không có thời gian để phục hồi trước khi phải đối mặt với những người châu Âu. Các con đường đèo quan trọng không được bảo vệ, không có ai ở đó để quan sát nhóm người Tây Ban Nha tiến tới.
Một yếu tố khác đã làm suy yếu Đế chế Inca là những mầm bệnh mà người châu Âu đem theo. Trong nhiều thế kỷ, châu Âu là nơi phát sinh của hàng loạt các căn bệnh chết người, một số bắt nguồn từ vật nuôi, một số bắt nguồn từ châu Á và châu Phi. Những căn bệnh này, mà đáng sợ nhất trong số đó là những bệnh bắt nguồn từ động vật, đã phát triển mạnh ở các thành phố đông đúc và chật chội. Mặc dù nhiều người đã chết vì chúng, những người sống sót đã phát triển khả năng miễn dịch, nhờ vậy người châu Âu có thể chống chịu những bệnh như đậu mùa tốt hơn. Người dân châu Mỹ không có khả năng miễn dịch như vậy, họ chưa từng mắc các bệnh tương tự như người châu Âu. Họ cũng có rất ít vật nuôi, do vậy cũng chưa từng đối mặt với các đại dịch lây từ động vật sang người.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-11-07/xvm0a1e93f6-f49f-11e4-8948-7bd2a5a8f385-1573137721-width1024height664.jpg)
Pizarro và nhóm người đổ bộ lên Nam Mỹ
Khi người châu Âu đến Tân lục địa, những mầm bệnh của họ lan sang dân cư địa phương với tốc độ khủng khiếp. Từ đó, dịch bệnh lan ra toàn lục địa. Trước khi người Inca gặp người châu Âu, họ cũng đã hứng chịu dịch bệnh và do đó dân số suy giảm. Có khả năng chính bệnh đậu mùa đã giết chết Huayna Capac.
Đối với những kẻ chinh phạt mới tới, họ là một sự bất ngờ lớn với dân bản địa. Người Inca chưa từng thấy những người như vậy bao giờ. Ngôn ngữ, công nghệ và cách cư xử của họ hoàn toàn xa lạ với dân Inca. Ngay cả ước muốn của họ cũng không thể hiểu được – họ thèm khát vàng, nhưng lại không có khái niệm về việc vàng là một biểu tượng tôn giáo như người Inca.
Yếu tố bất ngờ này khiến Hoàng đế Atahualpa và những cận thần không thể dự đoán được người Tây Ban Nha có khả năng gì hoặc họ sẽ cư xử như thế nào. Điều này được thể hiện trong cách Atahualpa đối mặt với nhóm người của Pizarro, cũng như những nỗ lực của nhà vua sau đó hòng thỏa thuận với quân Tây Ban Nha bằng vàng, và vô tình việc này lại càng thúc đẩy lòng tham của những kẻ chinh phạt.
Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đó. Một điều bất ngờ khác người châu Âu mang đến là ngựa.
Người Inca chưa bao giờ thấy những sinh vật như thế. Họ chỉ biết rằng người Tây Ban Nha cưỡi những con quái vật bốn chân đáng sợ, và tất cả những người nhìn thấy những con ngựa đều cảm thấy vừa sợ hãi vừa tò mò.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa đại diện của người Inca và đại diện của Pizarro – Hernando de Soto, ông này đã cho người Inca thấy con ngựa của mình khiến người bản địa sợ hãi. Chạy vào phía lính gác của Atahualpa, anh ta khiến họ sợ hãi việc bị con ngựa giẫm đạp, và khiến Atahualpa bất đắc dĩ phải xuất hiện. Và con ngựa này sau đó cũng tham gia cuộc tấn công và bắt giữ Atahualpa.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-11-07/de_soto_by_telfer__sartain-540x640-1573137819-width540height640.jpg)
Hernando de Soto, tranh của John Sartain
Người châu Âu được trang bị vũ khí và áo giáp làm bằng thép, vượt trội hơn nhiều so với người Inca. Khi họ bắt giữ hoàng đế Inca tại Cajamarca, họ hạ gục hàng loạt những người bảo vệ xung quanh nhà vua trong khi hầu như không bị trầy xước. Kiếm, giáo, và áo giáp – tất cả đều vượt trội về chất liệu so với vũ khí của Inca.
Thuốc súng cũng đã là một phần quen thuộc của chiến tranh ở châu Âu trong hai thế kỷ trước đó. Pháo được sử dụng để bắn phá các pháo đài và gắn trên tàu chiến. Mặc dù đôi khi chúng quá cồng kềnh để sử dụng hiệu quả trên chiến trường mở, nhưng cùng với những tiến bộ công nghệ, những khẩu pháo linh hoạt và hiệu quả hơn ra đời.
Súng cầm tay cũng trở thành một phần của chiến tranh. Ở châu Âu, lợi thế của súng cầm tay là có thể dễ dàng huấn luyện binh lính sử dụng chúng.
Trong cuộc tấn công và bắt giữ vua Atahualpa, người Pizarro có chín khẩu súng hỏa mai. Ở Tân lục địa, khi mà những người bản xứ còn chưa phát triển được nỏ và trường cung, súng hỏa mai là vũ khí xạ kích cầm tay có sức mạnh chưa từng thấy.
Tất cả những vũ khí này đã được sử dụng hiệu quả trong việc đánh bại người Inca. Tiếng ồn và sự phá hủy của những khẩu súng, cùng với những cuộc xung phong chớp nhoáng của kỵ binh khiến những chiến binh Inca kinh hoàng và chạy trốn.
Khi nhìn tổng thể các yếu tố về công nghệ, xã hội và dịch tễ học, người ta có thể quên mất tầm quan trọng của các cá nhân trong cuộc đối đầu này. Những vũ khí tốt nhất trên thế giới lúc đó không thể giúp người Tây Ban Nha chiến thắng nếu chúng không được sử dụng và điều phối hiệu quả. Chính nhờ có sự chỉ huy của Francisco Pizarro mà quân Tây Ban Nha đã chiến đấu rất tốt.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-11-07/francisco-pizarro-gonzalez-1573137948-width480height320.jpg)
Francisco Pizarro
Đối mặt lực lượng hùng hậu của Atahualpa, Pizarro đã chuẩn bị chiến trường hợp lý. Ông giấu kỹ lính và ngựa của mình để tối ưu hóa yếu tố bất ngờ. Ông cũng lợi dụng sự tự tin của Hoàng đế và dụ được đối phương vào một cuộc phục kích. Pizarro sử dụng hiệu quả các công cụ có sẵn trong tay mình, đánh đuổi lính Inca, và bắt giữ Atahualpa trước khi một trận đánh đúng nghĩa có thể bắt đầu.
Vì rất nhiều nguyên nhân mà Đế chế Inca sụp đổ. Tài năng của những kẻ chinh phạt chỉ là một phần câu chuyện, Đế chế Inca đã sụp đổ vì chính người Inca cũng đang suy yếu vì chiến tranh liên miên, cùng với sự lạc hậu trước công nghệ của người châu Âu và những căn bệnh mà họ đem theo.
Huy Đức (Theo War History Online)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.