Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã xảy ra 121 vụ tai nạn khiến 113 người chết, 58 người bị thương. So với cùng kỳ 6 tháng năm 2022 đã tăng 9%, số người chết tăng hơn 27% và số người bị thương cũng tăng hơn 20%.
Riêng tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra 116 vụ khiến 109 người chết. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ chính, có mật độ phương tiện giao thông cao và khu vực đông dân cư.
Trong đó, trên tuyến quốc lộ các tuyến đường tỉnh, huyện, xã chiếm đến hơn 45% số vụ. Các tuyến nội ô thị trấn, thành phố có số vụ tai nạn chiếm khoảng 6,14% và 2,63% số vụ tai nạn còn lại xảy ra trên đường các khu công nghiệp.
Ngày 20/7, tại Hội nghị sơ kết tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 6 tháng đơn vị đã bố trí gần 14.000 tổ tuần tra kiểm soát với hơn 104.000 cán bộ chiến sĩ tham gia.
Đồng thời, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh thực hiện các kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm, chủ yếu tập trung các vi phạm như xe vận chuyển khách, xe đưa rước học sinh quá hạn đăng kiểm, tải trọng phương tiện, tốc độ, nồng độ cồn, lập chốt kiểm tra ma tuý đối với tài xế lái xe khách, xe tải...
Qua đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản đối với hơn 62.000 trường hợp, ra quyết định xử phạt hơn 54.000 trường hợp vi phạm (tăng hơn 33.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Số tiền thu nộp kho bạc nhà nước là hơn 93.000 tỷ đồng (tăng hơn 38 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022). Từ đó tước hơn 8.500 giấy phép lái xe và tạm giữ hơn 14.800 phương tiện (trong đó có 568 ô tô, 14.285 xe mô tô, xe máy và 40 phương tiện khác).
Địa bàn, tuyến đường "nóng" tăng cả 3 tiêu chí và có số người chết tăng là huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch và tuyến Quốc lộ 1.
Nhiều bất cập về hạ tầng giao thông là nguyên nhân
Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, các nguyên nhân khiến gia tăng số vụ cũng như số người chết vì tai nạn gia thông trên địa bàn chủ yếu do việc khắc phục các bất cập về hệ thống hạ tầng giao thông, xử lý tình trạng ngập nước của một số đơn vị quản lý tuyến quốc lộ dù có triển khai thực hiện nhưng lại chưa đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt là tuyến Quốc lộ 51 đã dừng thực hiện và không chịu trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng như các công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì công trình đối với tất cả các hạng mục thuộc dự án từ đầu năm 2023. Vì vậy hiện các hư hỏng và bất cập về hạ tầng giao thông, an toàn giao thông trên tuyến đường này đều do Khu Quản lý đường bộ IV thực hiện.
Tuy nhiên, đại diện Khu Quản lý đường bộ IV lại cho biết do nguồn kinh phí có hạn nên việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng trên mặt đường cùng các bất cập về hạ tầng giao thông cũng như các vị trí mất an toàn giao thông chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Từ đó dẫn đến việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến đường này.
Song song đó là tình trạng xe đưa rước học sinh chưa đảm bảo theo quy định vẫn còn tồn tại trên địa bàn. Điển hình là vào tháng 2/2023, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 5 trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hoà đã phát hiện nhiều phương tiện đã hết hạn.
Trong khi đó, đối với hoạt động xe ô tô đưa rước công nhân cũng phát hiện nhiều trường hợp xe có phù hiệu hết thời hạn, xe không có hù hiệu, thậm chí là xe hết thời hạn đăng kiểm.
Một nguyên nhân khác cũng khiến số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng đó là tại một số nút giao thông trọng yếu trên các tuyến quốc lộ vẫn còn tình trạng ùn tắc và có chiều hướng ngày càng phức tạp do lưu lượng phương tiện ngày càng tăng. Trong khi đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông của nhiều lái xe còn kém.
Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển phương tiện tại nhiều địa phương cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình thành nhiều điểm đen về tai nạn giao thông. Tại các nút giao thông của tốc Phan Thiết – Dầu Giây giao với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 56 cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người mà nguyên nhân được xác định là do các bất cập về hạ tầng và việc không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công tại các nút giao đi qua địa bàn.
Trước tình trạng nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương phối hợp cùng Sở GTVT triển khai hiệu quả kế hoạch tăng cường đảm bảo an toàn giao thông và nhanh chóng đề ra các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, cũng như bất cập về hạ tầng giao thông trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Các đơn vị quản lý tuyến phải khẩn trương thực hiện hoàn thành trong quý III cà quý IV năm năm 2023, nếu chậm thực hiện mà tiếp tục để xảy ra tai nạn giao thông gây thương vong về người thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.