Để lại tâm đức cho con cháu
Vụ án đã xảy ra được hơn 5 tháng, nhưng với vợ chồng anh Khuất Văn Hiền (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), dường như nó vừa mới xảy ra. Nỗi đau càng lớn hơn khi anh chị Hiền phải chứng kiến con mình - cháu Khuất Thị H (SN 2004) - thỉnh thoảng lại có tâm lý bất thường. “Sau nhiều nỗ lực điều trị về sức khỏe và tinh thần, đến nay cơ bản cháu đã ổn định. Cháu đã đi học bình thường, nhưng thỉnh thoảng vẫn tỏ ra sợ hãi, cáu gắt vô cớ” – anh Hiền xót xa kể.
|
Vợ chồng anh Hiền đau đớn tại phiên tòa sơ thẩm. |
Anh cho biết thêm, nhớ lại ngày đến tòa dự xét phiên sơ thẩm, trông thấy Đặng Trần Hoài, mọi người trong gia đình anh ai cũng bức xúc. Căm phẫn trước tội ác mà Hoài gây ra một phần, nhưng căm phẫn hơn khi thấy Hoài không tỏ ra ăn năn hối hận, lại khóc lóc vật vã làm “trò” trước tòa. “Nghĩ đến tội ác của Hoài gây ra thì không bao giờ nguôi được.
Tuy nhiên gia đình chúng tôi vẫn quyết định làm đơn xin giảm án cho Hoài vì nghĩ đến cha mẹ già, vợ trẻ con thơ của Hoài. Gia đình họ vốn tử tế, khi sự việc xảy ra đã đến xin lỗi, thăm hỏi chúng tôi. Mình cũng cần có cái tình để đáp lại cái tình của người ta”.
Còn chị Khuất Thị Thủy - vợ anh Hiền tâm sự, ban đầu khi mọi người trong nhà nói xin giảm án cho bị cáo Hoài, chị đã phản đối ngay. Nỗi đau của người mẹ mất con luôn khiến chị day dứt, không thể nguôi ngoai: “Ông bà nội và bố cháu đã động viên tôi, bảo rằng gia đình mình không may gặp đại họa rồi. Dù sao mọi việc đã qua, mình nên cởi bỏ thù hận, để lại tâm đức cho con cháu. Nghe vậy nên tôi mới đồng ý xin giảm án cho bị cáo”.
Trong vụ án này còn có một bị hại khác là anh Khuất Duy Phương (anh trai anh Hiền). Khi anh Phương xông vào cứu cháu mình, đã bị Hoài dùng dao chém trọng thương. Được hỏi tại sao anh từ chối giám định thương tật, anh Phương nói: “Bị cáo đã phạm nhiều tội ác rồi, khó có thể thoát được bản án nghiêm khắc nhất. Tôi có đề nghị truy tố thêm tội cố ý gây thương tích để đòi tiền bồi thường, có lẽ chỉ thêm gánh nặng cho gia đình bị cáo”.
Khó thoát án tử hình
Trao đổi với PV NTNN, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, người được tòa chỉ định bảo vệ cho bị cáo Hoài) cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm tới, luật sư sẽ đề nghị Hội đồng xét xử của TAND Tối cao xem xét lại trạng thái tâm lý của bị cáo khi phạm tội.
Ngày 25.10.2012, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đặng Trần Hoài tử hình về tội giết người; tử hình về tội hiếp dâm trẻ em; 5 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp mức hình phạt chung là tử hình. Sau đó bị cáo Hoài có đơn kháng án cho rằng bản án là quá nặng. Dự kiến đến ngày 17.1, TAND Tối cao sẽ xử phúc thẩm vụ án trên.
Bên cạnh đó, luật sư cũng xin xem xét lại việc áp dụng bản án tử hình về tội hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Nhật Diệu – kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP. Hà Nội – theo khoản 4, Điều 112 Bộ luật Hình sự, mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em, khung hình phạt cao nhất là tử hình. Ở đây hành vi của bị cáo Hoài là hiếp dâm cháu bé 8 tuổi, gây tổn thương 53% sức khỏe nên việc áp dụng mức tử hình là xác đáng.
Còn theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc gia đình bị hại có đơn xin giảm án chỉ là tình tiết để xem xét khi lượng hình chứ không làm thay đổi hành vi phạm tội của bị cáo. Chỉ riêng tội giết người với 4 tình tiết tăng nặng, lại thêm tội hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản thì dù tòa cấp phúc thẩm có xem xét giảm nhẹ tới đâu thì bị cáo vẫn khó thoát khỏi án tử hình, mức án tòa sơ thẩm đã tuyên.
Lương Kết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.