Vì sao giá thịt lợn siêu thị neo cao dù nhà sản xuất nguy cơ lỗ?
Vì sao giá thịt lợn siêu thị neo cao dù nhà sản xuất chịu nguy cơ lỗ?
Vũ Khoa
Thứ ba, ngày 05/12/2023 06:22 AM (GMT+7)
Từ tháng 9/2023 đến nay, giá lợn hơi rơi mạnh từ mức trên 65 nghìn đồng/kg xuống dưới 50 nghìn đồng/kg. Có thời điểm, thậm chí còn thấp hơn và vẫn trong đà trượt dốc.
Thực trạng này khiến người chăn nuôi đang phải chịu thua lỗ. Thế nhưng giá bán lẻ vẫn neo ở mức cao, đặc biệt ở các siêu thị, khiến người tiêu dùng e dè.
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định vấn đề này không phải mới diễn ra gần đây, mà đã trải qua suốt nhiều năm. Khác biệt trong từng thời điểm chỉ là mức độ chênh lệch cao hay thấp.
"Nói ngay tại thời điểm này, riêng so sánh giá bán lẻ giữa chợ dân sinh và siêu thị, thịt cùng loại đã vênh đến 60 - 70 nghìn đồng/kg. Ví dụ như giá nạc vai, phổ biến ở chợ là 130 nghìn đồng/kg, nhưng ở siêu thị đang ở mức trên 190 nghìn đồng/kg. Hay thịt 3 rọi, ở chợ là 160 nghìn đồng/kg, trong khi siêu thị bán 215 nghìn đồng/kg. Trừ 10% VAT, chi phí bảo quản 5% nữa thì giá thịt lợn bán ở một số siêu thị vẫn cao hơn chợ dân sinh từ 35 – 45 nghìn đồng/kg", chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích và cho rằng điều này rất vô lý.
Thực tế, đây là câu chuyện quen thuộc ở hoạt động bán lẻ trong nước. Nguyên nhân bởi sản phẩm đi từ chuồng trại của người nông dân đến tay người tiêu dùng bị cắt quá nhiều trong chuỗi cung ứng. "Bán buôn, bán lẻ, thương lái, đầu nậu.. Mỗi nơi, chi phí sản phẩm tăng từ 10 - 15%", ông Phú nêu nhận định.
Mặt khác, mức chiết khấu tại các siêu thị đang bị thả nổi. Trung bình 20%, thậm chí có nơi đến 30%, mức này theo ông Phú là quá cao, khiến giá thành sản phẩm tăng theo. Điều này dẫn đến tình trạng người chăn nuôi bị "đè" giá, nhưng ưu đãi tốt lại không tới được tay người tiêu dùng.
Nguyên nhân được Chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ ra là hiện tượng độc quyền trên các kênh bán lẻ. Có trường hợp người sản xuất bị gây khó khăn khi gửi hàng, nên chấp nhận chịu chiết khấu cao. Trong chuỗi cung ứng bán lẻ, đa phần các siêu thị sẽ nắm đằng chuôi nên vừa chiếm dụng vốn (nhận gửi hàng và thanh toán sau), vừa có chiết khấu cao nên giá sản phẩm bị đẩy lên.
Dù là cơ chế thị trường nhưng cần có sự quản lý của cơ quan nhà nước, không thả nổi đặt giá vô tội vạ vì sẽ gây hỗn loạn thị trường, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, vai trò kiểm soát giá của lực lượng Quản lý thị trường, Ủy ban cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng được nhấn mạnh. Cùng đó là Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng..
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng thể chế, tránh tình trạng lỏng lẻo, chưa có quy định về khung giá sản phẩm, khung chiết khấu như hiện nay. Đồng thời, ông Phú cho rằng khi nhận thấy giá bán hàng hóa cao vô lý, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp khai báo giá.
Tạo thêm "sân chơi" cho đầu ra sản phẩm
Theo chia sẻ của chuyên gia Vũ Vinh Phú, 70% mâm cơm của người Việt đều có thịt lợn. Do đó, ngay cả khi buộc phải thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng vẫn phải móc hầu bao cho các mặt hàng thiết yếu dù giá có cao hơn nữa. Chính vì vậy cần sớm có những giải pháp để thị trường bình ổn.
Trong đó có thể lấy ví dụ tại Hàn Quốc, các nhà phân phối khắc phục bằng cách thiết lập chuỗi cung ứng ngắn, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Bán hàng các kênh qua thương mại điện tử, livestream.. để cắt trung gian, như cả người tiêu dùng được lợi và nông dân trực tiếp sản xuất đều được. Ở Việt Nam, cách làm này đã dần xuất hiện. Tuy nhiên vẫn mang tính manh nha, cục bộ nên cần được hệ thống hóa.
Bên cạnh đó, có thể xây dựng các chợ đầu mối vùng, vừa quản lý chất lượng hàng hóa, vừa mua bán công khai, minh bạch. Để nhà bán lẻ phải tới tận nơi thu mua, tránh tình trạng ngồi "chiếu trên" và đưa ra chiết khấu cao vô lý.
Theo đó, nhà sản xuất cung cấp công khai chất lượng, giá thành của mẫu sản phẩm để các kênh phân phối có thông tin đánh giá một cách rộng rãi. Thay vì để người nông dân buộc phải cầu cạnh để đưa hàng vào một vài siêu thị độc quyền thương hiệu như hiện nay.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú ví von, "Thiếu sàn giao dịch, siêu thị như 1 cô gái đẹp, trong khi có đến 6 chàng rể bán thịt lợn. Mức độ cạnh tranh quá lớn khiến họ phải chịu chiết khâu cao chỉ để hàng được vào siêu thị".
"Còn thế độc quyền, không có cạnh tranh, không công khai minh bạch thì người sản xuất và người tiêu dùng còn chịu bất lợi. 5 năm, 10 năm nữa mà không có luật thì tình trạng vẫn vậy, hoặc nghiêm trọng hơn", Chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định.
Cùng bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng cần có quy định mức chiết khấu của siêu thị. Cũng như quy định trần cho các mặt hàng thiết yếu để người bán không thể tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, nên thay đổi cách quản lý, dự báo nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng trong ngành chăn nuôi. Tránh thống kê thiếu thực tế khiến người dân đổ xô đầu tư con giống, chuồng trại nhưng cung vượt quá cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.