Vì sao có thể nói, trong cả nước, không đâu có nhiều kinh đô như đất Thanh Hóa?

Thứ tư, ngày 21/06/2023 18:07 PM (GMT+7)
Thanh Hoá là một vùng không gian địa linh đặc biệt. Có lẽ vì thế mà nhiều triều đại phong kiến đã mượn xứ Thanh làm nơi dựng đế đô. Có thể nói trong cả nước không đâu nhiều kinh đô như Thanh Hoá.
Bình luận 0

Triều Hồ - kinh đô nước Đại Ngu đặt tại An Tôn (tức thành Tây Đô; thời Lê Trung hưng, kinh đô nhà Lê dời về Vạn Lại (hành cung Vạn Lại). 

Trước đó nhiều thế kỷ khi nhà nước phong kiến chưa được xác lập, thủ phủ của tiết độ sứ Dương Đình Nghệ cũng đặt ở Tư Phố (Dương Xá - Làng Giàng) ngày nay. 

Thanh Hoá còn một kinh đô nữa là Lam Kinh - thực chất là khu Thái miếu, lăng tẩm của nhà Lê. Tất nhiên những kinh đô này so với Thăng Long hay Huế thì không hoành tráng bằng, song so với Hoa Lư (nhà Đinh và Tiền Lê) và Cao Bằng (nhà Mạc) thì cũng không kém phần bề thế.

Vì sao có thể nói, trong cả nước, không đâu có nhiều kinh đô như đất Thanh Hóa? - Ảnh 1.

Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly cho xây dựng nay thuộc địa bàn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 45km, cách Hà Nội 140km.

Đã là nơi đế đô thì nơi ấy sẽ hội tụ nhiều giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của cả nước. Không gian văn hoá xứ Thanh trải qua nhiều triều đại nên vừa tiếp nhận, bảo lưu lại vừa chuyển hoá, phát triển nhiều tầng, nhiều giá trị văn hoá. 

Bởi vậy để tìm hiểu những đặc sắc văn hoá của không gian kinh đô này phải kết hợp cả phương pháp đồng đại lẫn lịch đại, để có thể đưa ra một vài nhận xét khái quát. Trước hết, xin được nói rõ hơn về các kinh đô ở xứ Thanh.

1. Thành An Tôn - kinh đô nước Đại Ngu thời nhà Hồ

Theo truyền thuyết, họ Hồ thuộc dòng dõi Ngu Thuấn nên Hồ Quý Ly đổi tên nước là Đại Ngu. Thành An Tôn còn gọi là thành Tây Giai (thành đá phía Tây) hoặc thành nhà Hồ là kinh đô mới do Hồ Quý Ly cho xây, nay thuộc xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến thuộc huyện Vĩnh Lộc. Thời Trần, động An Tôn là một vùng rộng lớn được sông Mã sông Bưởi và hàng loạt núi đồi hiểm trở bao quanh.

Đây cũng là một vùng thắng địa với nhiều cảnh đẹp như chùa Du Anh, núi Đốn Sơn, núi Mông Cù và ông Tiến sĩ, động Hồ Công, đền Đồng Cổ... Giao thông đường thuỷ từ sông Mã xuôi theo hệ thống sông đào thời tiền Lê vào Nam hoặc theo cửa Lạch Trường ngược Bắc. Lại có đường thượng đạo mở lên phía Bắc và phía Tây. Thế đất An Tôn hiểm trở nhưng không phải đường cùng, ngõ cụt.

Thành An Tôn chu vi 3.200m, hai mặt Nam Bắc dài hơn 900m, Đông Tây hơn 700m, cao 6m được ốp bốn mặt bằng đá khối theo kích thước phổ biến là 1,4m x 0,7m x 1,0m; nhưng cũng có khối đá dài đến 5,1m, cao 1m, dày 1,2m nặng ước 16 - 17 tấn. Tính ra có đến 20.000m khối đá và 80.000m khối đất được dùng đắp thành.

Thành có 4 cửa, Đông Tây Nam Bắc đều xây vòm cuốn; quy mô nhất là cửa Tiền (phía Nam) rộng 38m, cao hơn 10m, nhô ra ngoài tường thành 4m, có cổng vòm rộng gần 6m, cao 7,5m và 8,5m, bên trên còn có lầu và nền lát đá. Cửa thành bằng gỗ nặng, chắc chắn, bên ngoài có hào (thành âm) và ngoài cùng còn được rào chông tre. Thành An Tôn vừa là kinh đô, vừa là pháo đài có khả năng công, thủ.

Xét về kiến trúc, nó được xem là “một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc An Nam” (Lịch sử Thanh Hoá tập III trang 163 - NXB KHXH H.1994). Kinh đô này được hoàn thiện năm 1399 có đầy đủ các kiến trúc cần thiết của một vương triều.

Cùng thời kỳ này Hồ Quý Ly còn cho xây cung Bảo Thanh ở Đại Lại (còn gọi là Ly cung) để an trí vua Trần Thuận Tông và đổi tên phủ Thanh Hoá thành trấn Thanh Đô (1397). Thanh Hoá trở thành trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước dưới thời Hồ với thủ đô ở động An Tôn, thành An Tôn.

Ngay từ ngày đầu lên ngôi (1400), Hồ Quý Ly đã quan tâm mở mang xây dựng các cơ sở vật chất, tinh thần cần thiết của một vùng đất kinh kỳ. 

Vương triều Hồ chưa có thời gian triển khai công cuộc xây dựng đất nước nhưng với những việc làm mang tinh thần cải cách tiến bộ của Hồ Quý Ly đã tạo cho Thanh Hoá có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, đặc biệt mối quan hệ giữa tầng lớp trí thức, hào trưởng, phụ đạo... địa phương với những dòng họ lớn như họ Phí (Bùi) - Phí Mộc Đạc - Bùi Quốc Hưng; họ Lưu - Lưu Nhân Trung; họ Nguyễn - Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi... đó có thể là tiền đề để sau Lê Lợi, phụ đạo sách Khả Lam, tập hợp lực lượng cho khởi nghĩa Lam Sơn.

2. Hành cung Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô kháng chiến thời Lê Trung hưng

Từ năm 1546 đến 1619, vùng đất thuộc sách Vạn Lại (nay là xã Xuân Châu, Thọ Lập, tức Yên Trường, Thọ Minh huyện Thọ Xuân) thực sự được xem là kinh đô của nhà Lê Trung hưng. Vạn Lại - Yên Trường là kinh đô kháng chiến. Ban đầu nó là căn cứ để chống Bắc triều (nhà Mạc), sau đó là nơi lánh nạn của các vua Lê mỗi khi ngai vàng bị uy hiếp (như những năm 1600 và 1619).

Tại đây những người có tâm huyết với nhà Lê đã tụ hội trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Duy Liêu, Lương Hữu Khánh, Hoàng Đình Ái... Yên Trường được xây dựng như một căn cứ phòng thủ song vẫn thiết lập triều nghi. Ở đây cũng có chợ búa, trường thi, đàn Nam Giao để vua tế cáo trời đất...

Ngày nay các di vật không còn được bảo tồn vì những năm quân Tây Sơn ra Bắc đã đốt phá hết cả. Tuy nhiên sử sách vẫn ghi nhận lại Vạn Lại - Yên Trường là đất căn bản để nhà Lê khôi phục vương triều, là kinh đô kháng chiến của nhà Lê.

Cuối thời Lê sơ, triều đình phong kiến thoái hoá, mục ruỗng, nội chiến Nam Bắc triều kéo dài 70 năm cộng với thiên tai dịch bệnh đói kém tràn lan khiến đời sống nhân dân xứ Thanh vô cùng bi thảm.

Năm 1581, dinh Yên Trường còn bị hoả hoạn, cháy cả phủ dinh, phố xá đến vài nghìn nóc nhà, tiếp đó lại bị lốc trong vòng 5 dặm. Xã hội náo loạn như vậy khiến chính quyền vừa phải lo tổ chức chống giặc vừa tìm biện pháp cải thiện kinh tể, ổn định xã hội.

Nếu có thể nói đến đóng góp văn hoá thì phải dành để nói về hai dòng họ lớn Trịnh và Nguyễn của xứ Thanh. 

Thanh Hoá là quê hương của các chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Nhiều ông chúa họ Trịnh đều thể hiện tài đức hơn người như Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương... Họ là những người có công đánh giặc, phò Lê, hoàn thành sự nghiệp trung hưng, giữ gìn được kỷ cương, phép nước, cải tiến bộ máy hành chính, các chế độ thi cử, giáo dục, ngoại giao.

Đặc biệt các chúa Trịnh còn xây dựng được một chính quyền kép có thể vững vàng, cung vua phủ chúa cùng tồn tại cạnh tranh nhau ở trung ương mà không thôn tính nhau về danh nghĩa.

Còn với họ Nguyễn, khởi đầu là Nguyễn Hoàng, đất Thanh Hoá đã đóng góp cho dân tộc một dòng họ có công khai phá, mở mang bờ cõi để đến nay đất nước ta kéo dài tận mũi Cà Mau. Cả những đảo như Phú Quốc, Thổ Chu, Hoàng Sa, Trường Sa cũng đã được các chúa Nguyễn quản lý từ ngày đầu “mang gươm đi mở cõi” ấy đề định hình vĩnh viễn cho Tổ quốc trên bản đồ thế giới hôm nay.

Dưới thời Lê Trung hưng và đặc biệt sau chiến tranh Nam Bắc triều, Thanh Hoá có nhiều nho sỹ nổi tiếng như Lương Hữu Khánh, Đào Duy Từ, Lưu Đình Chất, Nguyễn Quán Nho, Lê Hy, Nguyễn Quỳnh, Hà Tông Huân... 

Những trước tác của họ như "Quán sử" của Lương Hữu Khánh, "Hổ trướng khu cơ", Tư dung vãn của Đào Duy Từ, thơ của các chúa Trịnh như Trịnh Căn, Trịnh Sâm... đều là những tác phẩm có giá trị. Đây cũng là thời kỳ Thanh Hoá có nhiều dòng họ đỗ đạt cao như Lương Đắc Bằng, Nguyễn Sư Lộ...

Về văn hoá dân gian thời này, Thanh Hoá cũng phát triển rầm rộ, nhiều đình chùa được xây cất, trùng tu, nhiều lễ  hội, trò diễn dân gian được phục dựng, mở rộng như Trò Xuân Phả, Trò chạy chữ, Trò Ngô, các vũ khúc như "Bình Ngô phá trận", "Chư hầu lai triều", các hình thức văn nghệ chèo chải, múa đèn... Đặc biệt nghệ thuật hát tuồng đã trở thành một sinh hoạt phổ biến trong dân gian. "Truyện Trạng Quỳnh" là một tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng cả nước.

3. Thành điện Lam Kinh (Tây Kinh)

Kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, năm Mậu Thân (1428), mùa xuân tháng giêng, ngày 15, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long) đồng thời chủ trương cho xây dựng ở quê hương, đất tổ Lam Sơn một kinh thành thứ hai gọi là Lam Kinh - còn có tên gọi là Tây Kinh.

Thành được xây dựng trên một khu gò đồi hình chữ Vương (chữ Hán) dài 314m, rộng 254m, phía bắc phình ra theo hình cánh cung, bán kính 164m, dày hơn 1m, bao gồm Hoàng thành, cung điện (ngọ môn, sân rồng, chính điện, Thái miếu). Trong Hoàng thành còn có cư xá của quân, quan và bếp núc khu hậu cần. Bên cạnh Hoàng thành có cổng, tường và một con sông nhỏ bao quanh.

Kế bên là khu sơn lăng gồm 7 lăng và 6 bia đá từ Thái tổ đến Túc tông và Thái hậu Ngọc Dao.

Như đã nói, Lam Kinh cũng là một thứ kinh đô song là kinh đô của người chết. Xét từ giác độ văn hoá, kinh đô này là nơi bảo tồn khá nhiều giá trị. Đó là nơi các vua Lê hàng năm về thắp hương cho tiên tổ, là nơi tổ chức những kỳ tế cúng, những lễ hội những sinh hoạt văn hoá nhằm ghi nhớ, đề cao những công ích của tiên tổ, cũng là nơi thể hiện những khát vọng của người bình dân, nơi lưu giữ những truyền thuyết, cổ tích ngợi ca những con người và những việc làm đáng trân trọng.

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định các điệu múa "Rí ren", "Bình Ngô phá trận", "Chư hầu lai triều" đã được tổ chức nơi đây. Rồi những lăng tẩm, bia tượng, cả những phế tích đều có thể là những gợi ý để tìm hiểu về mỹ thuật, về kiến trúc, về quan niệm tâm linh của một giai đoạn lịch sử.

***

Quả thật kinh đô là không gian hội tụ nhiều nhất, đầy đủ nhất những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của một triều đại, một quốc gia, một dân tộc. Các kinh đô lớn như Thăng Long, Huế hay nhỏ hơn như Tây Đô, Hoa Lư... đều là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị này. 

Người ta sẽ phát hiện những dấu tích văn hoá vật chất như các kiến trúc đình chùa, lăng tẩm miếu mạo, thành trì, những vật dụng từ nan tre, gốm sứ, đến đồng thiếc, bạc vàng, những đồ thờ tự, tế khí kho sách cổ, tranh tượng và các đồ mỹ nghệ...

Các giá trị tinh thần như lễ tục, tế cúng, cách thức thờ tự, các trò diễn xướng từ dân gian tới cung đình, tìm hiểu về người đẹp, người tài và nhiều giá trị tiềm ẩn khác... Tóm lại, các  vùng đất kinh kỳ vừa là những vùng không gian địa linh, vừa là vùng đất lịch sử, vừa là vùng văn hoá. 

Việc tìm hiểu về những không gian văn hoá linh thiêng này, việc mở rộng những giao lưu văn hoá trong thời đại này chính là một cách bảo tồn và phát huy tối đa những giá trị văn hoá của dân tộc. Nó góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, biết ơn tổ tiên và quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước, từ đó góp phần phát triển kinh tế, làm cho bộ mặt đất nước rạng rỡ hơn, nhân văn hơn, thân thiện hơn.

Tuy nhiên, với mỗi một không gian địa linh, mỗi một vùng kinh đô lại có những đặc sắc văn hoá của nó, và đó là điều đáng để khám phá. 

Chẳng hạn, ở vùng Thăng Long hay Huế, rất nhiều giá trị văn hoá đặc sắc lưu giữ ở kiến trúc nhà cửa, cung điện, lăng tẩm hoặc các làng nghề. Không đâu như Thăng Long có 36 phố phường, có Thăng Long tứ trấn, có hát xẩm... Không đâu như Huế có cung điện nguy nga, có lăng tẩm thâm nghiêm, nhã nhạc cung đình... Nguồn khám phá và phát triển văn hoá quả là vô tận.

Ở Thanh Hoá, những kinh đô như Tây Đô, Vạn Lại, Lam Kinh những giá trị ấy có thể có phần khiêm tốn. Bù lại nó lại có những điểm nhấn rất đáng tự hào.

1. Thanh Hoá có ít nhất ba kinh đô mà mỗi kinh đô mang một đặc điểm riêng. Tây Đô là kinh đô đúng nghĩa nhất của một quốc gia phong kiến, là trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của nhà Hồ. Vạn Lại - Yên  Trường là kinh đô kháng chiến của nhà Lê thời trung hưng. Lam Kinh thái miếu, điện thờ và các lăng tẩm bia mộ. Đó là kinh đô của các bậc tiền nhân nhà hậu Lê.

2. Từ kinh đô Vạn Lại - Yên Trường các chúa Trịnh đã giúp vua xây dựng và thực thi một thể chế điều hành đất nước rất độc đáo, có hiệu quả và mang tính cách mạng. Cung vua, phủ chúa là một hình thái chính quyền kép vẫn cạnh tranh nhau nhưng không triệt tiêu nhau, cùng điều hành đất nước. 

Thể chế này rất gần với đất nước ngày nay, vẫn bảo lưu ngôi vua và vẫn có chính phủ điều hành. Thể chế này có thể góp phần điều hoà tư tưởng, điều hoà tâm thế của nhiều hạng người trong xã hội, ổn định chính trị cao, mang tầm văn hoá lớn mà ngày nay có thể nghiên cứu vận dụng.

3. Các kinh đô Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung, trừ Thăng Long đều mang xu hướng phòng thủ, dựa vào sông núi hiểm trở để bảo tồn. 

Như thế xu thế hướng ngoại, xu thế mở cửa của thu đô sẽ bị hạn chế, đất nước khó phát triển. Nhưng con người xứ Thanh đã biết tìm cách khắc phục. Chính vào thời Lê Trung hưng, Nguyễn Hoàng là người đầu tiên có công mở rộng cõi bờ. 

Nguyễn Hoàng đã đề xuất với anh rể là Trịnh Kiểm xin được từ Vạn Lại, từ Gia Miêu vào trấn thủ Thuận Hoá. Và như ta biết, đất nước Việt Nam đã mở rộng cõi bờ như hôm nay. Nếu phát huy cách tư duy như Nguyễn Hoàng, Thanh Hoá một lần nữa học theo Mai An Tiêm mở rộng ra phía biển để phát triển kinh tế thời hiện đại. Trong thực tế, Thanh Hoá cũng đang làm điều này.

Còn nhiều tiềm năng văn hoá khác từ những kinh đô Thanh Hoá để chúng ta học tập và phát huy trong cuộc sống hôm nay.

Hoàng Khôi (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem