Ngay từ khi Samsung trở thành thủ lĩnh phe Android, người ta đã dự đoán chẳng chóng thì chầy, Samsung cũng sẽ chơi bài "ve sầu thoát xác" với hệ điều hành này. "Không còn là chuyện có hay không nữa, mà là khi nào", một nguồn tin trong ngành đã khẳng định như vậy từ cách đây 2 năm.
Chiêu bài này cũng giống như những gì Amazon đã làm với Android. Samsung sẽ gỡ sạch tất cả các ứng dụng lõi của Google rồi thay chúng bằng các ứng dụng do mình tự phát triển. Hãng này cũng sẽ lấy giao diện người dùng của mình đè lên giao diện Android gốc, khiến cho các thiết bị Samsung có một giao diện không đụng hàng với bất cứ đối thủ Android nào khác.
Tất nhiên, Google phải lo sợ chuyện đó hơn bất cứ ai khác. Các quan chức của Google công khai phàn nàn việc Samsung có quá nhiều quyền lực chi phối tới Android. Đây chính là một phần lý do khiến Google chi tới 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola Mobility để. Gã khổng lồ tìm kiếm muốn củng cố sức mạnh của mình và cân bằng cán cân quyền lực với Samsung.
Về phần mình, Samsung có đủ động lực để chơi bài "treo đầu Android, bán thịt Samsung". Samsung đang áp đảo toàn bộ các thương hiệu khác, nhưng có vẻ như tương lai của hãng lại không được chắc chắn như vậy. Thành công của Samsung thực ra không dễ giải thích và người ta vẫn tin rằng sẽ có một đối thủ Android hạ bệ được đại gia di động Hàn Quốc.
Nhưng nếu như có thể tự tạo ra một phiên bản Android riêng, Samsung sẽ nổi bật và khác biệt với số đông đối thủ Android còn lại. Hãng sẽ toàn quyền kiểm soát người dùng như cách mà Apple kiểm soát người dùng iOS. Kịch bản ấy thật sự chẳng khác gì "thảm họa" đối với Google, hãng này sẽ rơi vào tình cảnh: "cốc mò cò xơi".
Nhưng hai năm sau, trang
Business Insider cho rằng Samsung "chưa bao giờ" chơi bài đánh tráo thành công. Hãng có thể rất tài năng trong việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm phần cứng nhưng tuyệt nhiên không giỏi trong việc chế tạo phần mềm và ứng dụng. Nhiều chuyên gia đã gọi S4 là một "sản phẩm yếu và rườm rà về phần mềm". Do đó, hãng này sẽ chuốc lấy rủi ro cực lớn nếu từ bỏ nền tảng được yêu thích và cực kỳ thành công như Android để theo đuổi một hệ điều hành của chính mình.
Cũng chính vì vậy mà Google mới cảm thấy thoải mái khi bán lại Motorola. Suy cho cùng, gã khổng lồ tìm kiếm không cần cân bằng lực lượng với Samsung nữa, vì Samsung có gây được sức ép nào lớn cho Android đâu?,
Business Insider kết luận.
VietNamNet (Theo VietNamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.