Vì sao hàng loạt cán bộ, lãnh đạo sở ở Sơn La bị khởi tố, bắt giam?

D.V Thứ ba, ngày 21/11/2017 12:00 PM (GMT+7)
Với những thủ đoạn "rút ruột" tiền tỷ của ngân sách nhà nước, gần 20 cán bộ, lãnh đạo sở ở tỉnh Sơn La đã vướng vòng lao lý...
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin: Cơ quan điều tra vừa tiến hành bắt giữ hàng loạt cán bộ, lãnh đạo sở của tỉnh Sơn La liên quan đến thực hiện nhiệm vụ di dân – tái định cư thủy điện Sơn La. Trong số hơn chục cán bộ các sở, ban, ngành bị bắt giữ có 2 cán bộ là Phó Giám đốc Sở. Đó là ông Trương Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Phan Tiến Diện - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Sơn La. Ngoài ra, còn nhiều cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban; chuyên viên liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại huyện Mường La.

Ngày 20.11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã bắt tạm giam, khám xét nơi ở của bị can Đèo Văn Ban (61 tuổi, nguyên cán bộ UBND huyện Mường La, Bí thư chi bộ bản Co Chai, xã Mường Chùm, Mường La) để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm cán bộ, lãnh đạo sở trên đã khai tăng diện tích đất so với thực tế, thay đổi loại đất, mục đích sử dụng đất... để nhận tiền bồi thường. Đó là những sai phạm của các đối tượng bị khởi tố trong vụ án này.

img

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La khám xét nơi ở của Đèo Văn Ban (nguyên Bí thư chi bộ bản Co Nha, xã Mường Chùm) ngày 20.11. Nguồn: VNN

Theo đó, năm 2003, thủy điện Sơn La được Trung ương quyết định giải phóng mặt bằng, tổ chức di dân tái định cư. Năm 2005, tỉnh Sơn La đã thực hiện xong đền bù, di dân cho hơn 20.000 hộ dân ra khỏi vùng ngập với tổng diện tích hơn 2.000ha đất. 

Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La có Công văn số 617 về nội dung cho phép đo đạc bản đồ, xem xét phần đã bồi thường và chưa bồi thường di dân tái định cư để lập phương án trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định. Công văn này dựa trên chủ trương của Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung đền bù nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.

Lợi dụng thực hiện chủ trương trên, năm 2014, ông Trương Tuấn Dũng - khi đó là Phó chủ tịch UBND huyện Mường La - đã cùng một số lãnh đạo Ban quản lý dự án di dân tái định cư, thành viên Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Mường La đo đạc lại diện tích đất của người dân và cho ra những con số khống gấp nhiều lần diện tích đất thực tế.

img

Chiều ngày 16.11, Cơ quan CSĐT tiến hành khám xét nhà ông Trương Tuấn Dũng tại tổ 5, phường Tô Hiệu, TP.Sơn La.

Sau khi ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La, ông Diện khi đó là Trưởng phòng TN&MT huyện được cất nhắc lên làm Phó chủ tịch UBND huyện tiếp tục ký nhiều văn bản trái quy định liên quan đến đo đạc, thu hồi đền bù đất.

Điển hình, các bị can đã nâng khống diện tích đất đền bù của gia đình bị can Đèo Văn Ban từ 4,5ha lên hơn 17ha.

Bước đầu, Cơ quan An ninh điều tra xác định gia đình ông Ban có diện tích đất được đền bù trong dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Diện tích đất này đã được đền bù từ năm 2005.

Năm 2014, tỉnh Sơn La có chủ trương giao UBND huyện Mường La đo đạc bản đồ xem xét phần đã bồi thường và chưa bồi thường di dân tái định cư để lập phương án trình UBND tỉnh.

Lợi dụng chủ trương này, ông Ban đã cùng với nhóm cán bộ vừa bị khởi tố hợp thức hóa nhiều giấy tờ để nhận tiền đền bù gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng.

Cụ thể, diện tích đất nhà ông Ban khoảng 5ha, tại thời điểm năm 2014 nhiều phần đất đã bị ngập nước không thể đo đạc được nhưng vẫn được lập hồ sơ đo đạc và nâng khống lên hơn 17ha để nhận tiền đền bù.

Tương tự, cùng với thủ đoạn trên, mặc dù thực tế diện tích đất của một số hộ dân là đất ngập nước không thể đo đạc, nhưng trên hồ sơ chi trả đền bù bổ sung vẫn đầy đủ bản vẽ. Các bị can đã dùng cách này để lập khống, làm tăng diện tích đất lên nhiều lần để rút ruột tiền ngân sách nhà nước.

Hơn 600 hộ được lập khống hồ sơ đất

Cả huyện Mường La có tới hơn 600 hộ dân trong tình trạng hồ sơ đất đai được lập khống. Hộ thì tăng diện tích đất, hộ thì không đúng loại đất so với thực tế như đất rừng phòng hộ được “tráo” thành đất rừng sản xuất để nhận tiền bồi thường cao hơn...

Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Sơn La cho thấy: UBND huyện Mường La đã ban hành kế hoạch đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất chi tiết sai quy định.  Đây là tiền đề dẫn tới hàng loạt sai phạm ở các khâu tiếp theo. Nghiêm trọng nhất ở khâu các cán bộ đo đạc đã lập khống các hồ sơ bản đồ địa chính.

Theo tìm hiểu, đã có tới 62 quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất chi tiết, 46 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do UBND huyện Mường La ban hành sai quy định, cùng với đó là 16 bản đồ không được thẩm định được ký xác nhận bởi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem