Thương hiệu Việt đang bị lợi dụng
Mới đây, theo thông tin từ bộ Công thương, trong giai đoạn 2000 – 2016, trên cả nước có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 01 vụ/năm. Trong các năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có 03 vụ việc được tiến hành khởi tố để điều tra.
Trong bối cảnh Việt Nam có những dấu hiệu tích cực về dịch chuyển đầu tư, việc thiếu kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu khiến số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM gia tăng, hậu quả là những vụ kiện, mất uy tín trên thị trường quốc tế.
Thông tin do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đưa ra, trong 07 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của ta vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 01 vụ/01 tháng).
Tình trạng gian lận thương mại, xuất xứ gia tăng có thể khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do các doanh nghiệp (DN) nước ngoài lấy Việt Nam làm nơi “quá cảnh”, đưa dây chuyền sản xuất, hàng hóa sang để xuất khẩu khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong 6 tháng đầu năm 2019, ít nhất 6 DN có kim ngạch XNK tăng đột biến đang bị điều tra.Cụ thể, những DN này có kim ngạch hàng hóa nhập từ Trung Quốc để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác tăng đột biến trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Trong đó, nổi bật là các mặt hàng gỗ, ván ép với kim ngạch có những DN lên tới 200 tỷ đồng trong năm 2018.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thủ đoạn của các DN này sử dụng hợp đồng mua bán ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nhằm chứng minh nguyên liệu gỗ được sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi đã xác minh, làm việc với chính quyền một số địa phương, buộc họ thừa nhận đã ký khống hợp đồng mua bán keo với các DN để các DN xin C/O xuất gỗ đi nước ngoài. Đa phần các hộ dân khẳng định chưa được cấp đất trồng có số lô, số thửa như ghi trong hợp đồng; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng, khai thác lâm sản.
Ngoài ra, một số bản kê lâm sản, bản kê khai thác không ghi ngày tháng, không hợp lệ nhưng cơ quan cấp phép vẫn làm thủ tục cho họ cấp C/O.” ông Hùng nói.
Theo Tổng cục Hải quan, vấn đề giả mạo xuất xứ gây nhức nhối nằm ở chỗ, nhiều DN đã sử dụng thương hiệu Việt Nam cho các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Khi xuất khẩu các sản phẩm như vậy đến các thị trường được kiểm soát nguồn gốc chặt chẽ sẽ bị “tuýt còi” gây mất uy tín, hàng Việt thật sự lại dính nghi vấn về thương hiệu, xuất xứ.
Ông Nguyễn Phi Hùng thông tin thêm, điều đáng lo ngại là nhiều DN lợi dụng những mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng, truyền thống của Việt Nam khiến hàng Việt mất uy tín trong mắt đối tác quốc tế. Có những công ty nhập khẩu khóa Việt – Tiệp là nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam nhưng sản phẩm nguyên chiếc lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hoặc trường hợp của Cty Hữu Nghĩa ở Lạng Sơn nhập hàng nghìn sản phẩm gia dụng từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất Việt Nam. Bên cạnh đó, một số sản phẩm phòng chống cháy nổ của nước ta cũng được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết, vấn nạn lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất hàng đi các nước để hưởng ưu đãi đang ngày càng nhức nhối. Công tác chống lợi dụng, kiểm soát loại hình tội phạm này là việc cấp bách, nhiệm vụ chung của Hải quan tất cả các nước.
Không để Việt Nam trở thành “trạm trung chuyển” của đường dây gian lận thương mại
Theo bộ Công thương, nguyên nhân khiến ngành hàng xuất khẩu Việt Nam liên tục “dính” vào các vụ kiện PVTM là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam.
Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế PVTM được xuất khẩu với số lượng lớn từ trong nước.
Cũng theo quan điểm của bộ Công thương, nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý PVTM, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Chống gian lận thương mại là cuộc chiến không khoan nhượng.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ, xu thế bảo hộ gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản,… cần giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM.
Được biết, trong đề án có hiệu lực ngay vào ngày 04.07 của Chính phủ, ngoài những yêu cầu thông thường như siết chặt cấp C/O... Bộ Công Thương sẽ phải thường xuyên theo dõi biến động đầu tư nước ngoài.
Sau đó, thông báo danh sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lưu ý khi xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư FDI, kể cả việc sát nhập, mua lại.
Danh sách các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ bị lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ phải được Bộ Công Thương lập ra và gửi cho các bộ có liên quan.
Đến năm 2020, bộ Khoa học – Đầu Tư phải nghiên cứu, hoàn thiện quy định về xem xét, giải quyết việc đăng ký của nhà đầu tư FDI vào các lĩnh vực có nguy cơ bị lẩn tránh gian lận xuất xứ...
Mới đây, Quyết định 824/QĐ-TTg “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Chính phủ ban hành. Mục tiêu là bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra, chống gian lận nguồn gốc xuất xứ, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài (kể cả mua bán, sát nhập doanh nghiệp).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.