Làm thế nào để xóa ấn tượng xấu của EU về nông sản Việt?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 22/08/2019 15:30 PM (GMT+7)
Những năm gần đây nhiều lô hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu bị trả về do không nắm quy định tại các nước liên minh châu Âu. Theo một số doanh nghiệp (DN), hiện nay, thị trường EU đã có “ác cảm” với hàng nông sản Việt Nam do không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bình luận 0

“Một DN không làm đúng có thể dẫn đến mất uy tín cả ngành xuất khẩu”

Việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mai Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA) mở ra những cơ hội lớn cho nhiều ngành nông sản mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, để có chỗ đứng tại một thị trường nghiêm khắc như EU không phải chuyện đơn giản.

Thông tin từ trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn vì vượt mức dư lượng đối với hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã bị các thị trường, như: Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trả hàng về. Các loại nông sản bị ảnh hưởng nhiều nhất là trái cây (thanh long, xoài…), hồ tiêu, chè, rau...

img

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không được đánh giá tốt tại thị trường châu Âu. 

Ông Hồng Minh Đức, chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè hữu cơ xuất khẩu châu Âu cho biết, vấn đề dư lượng chất bảo vệ thực vật vi phạm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là điều mà thị trường EU rất “kỵ”.

“Người châu Âu ấn tượng xấu với chè Việt Nam do bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng không đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi đã phải lái xe lòng vòng châu Âu để gặp từng doanh nghiệp chế biến chè thô. Năm đầu tiên không doanh nghiệp nào muốn tiếp chúng tôi và lấy lí do là bận.

Năm thứ hai chúng tôi liên tục gửi mẫu chè sang bên họ nhưng bị chối. Tuy nhiên, chúng tôi cứ tiếp tục kiên trì gửi mẫu và cuối cùng họ đã chấp nhận thử và ấn tượng với sản phẩm.” ông Đức kể.

Đồng quan điểm trên, Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay, EVFTA mở ra những thời cơ nhưng cũng sẽ không dễ dàng cho DN vì ấn tượng xấu của thị trường này đối với hàng Việt Nam.

Theo ông Lĩnh, thị trường châu Âu có rất nhiều tiêu chuẩn buộc phải thực hiện nếu không muốn bị tẩy chay. Ngoài những tiêu chuẩn kỹ thuật chung của EU, tiêu chuẩn về đạo đức môi trường, trách nhiệm xã hội cũng rất quan trọng.

“Tôi từng chứng kiến một đoàn người tiêu dùng, tổ chức xã hội kéo vào hội chợ thủy sản để giăng biểu ngữ phản đối, tẩy chay sản phẩm thủy sản của một công ty nước ngoài vì vi phạm về đạo đức trong khai thác một loài thủy sản cần bảo vệ. 

Ngoài ra, chế tài xử phạt hàng vi phạm của châu Âu rất chặt, hàng thủy sản có lỗi sẽ bị tiêu hủy chứ không được trả về và chủ hàng phải chịu chi phí tiêu hủy lô hàng này nếu muốn tiếp tục xuất vào châu Âu” - ông Lĩnh dẫn chứng.

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc buông lỏng quản lý đối với hàng xuất khẩu là nguyên nhân xảy ra tình trạng trên. Đặc biệt, đối với các thị trường khó tính, việc để lại ấn tượng xấu không chỉ mất uy tín, thiệt hại kinh tế cho DN mà còn cả cộng đồng xuất khẩu xa hơn là ảnh hưởng cả nền kinh tế.

“Ngành xuất khẩu của chúng ta theo kiểu cứ đưa hàng đi đã nếu may mắn thì qua được. Nhưng thị trường châu Âu yêu cầu cao nhất trên thế giới, có kiểm soát rất nghiêm ngặt, truy suất nguồn gốc rõ ràng. Làm ăn với thị trường cao cấp, chuyên nghiệp các DN cần giữ uy tín, vì nếu để xảy ra vấn đề gì không chỉ thiệt hại kinh tế cho DN mà còn ảnh hưởng chung đến cả cộng đồng xuất khẩu.” Tiến sĩ Đào Thế Anh chia sẻ.

Xóa bỏ “định kiến” của EU về nông sản Việt như thế nào?

Theo TS. Đào Thế Anh, để xóa bỏ những ấn tượng không tốt trên DN Việt Nam cần học hỏi hoạt động xuất khẩu bền vững, đảm bảo các yếu tố an toàn thực phẩm và quản lý chuỗi giá trị một cách chuyên nghiệp.

“Chúng ta cần biết, châu Âu không mua hàng hóa bằng bất cứ giá nào, các yêu cầu về chất lượng rất cao, tiêu chuẩn của châu âu thay đổi liên tục, cập nhật danh mục các chất mới để phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, yếu tố đạo đức, bảo vệ môi trường cũng cần phải chú trọng.

Ví dụ như việc phải đánh giá điều kiện sản xuất của nông dân, không được sử dụng lao động trẻ em, khai thác nông lâm thủy sản phải có trách nhiệm hướng đến phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu. Việc đánh khai thác các nguồn tài nguyên nông, lâm, ngư nghiệp một cách triệt để dẫn đến không tái tạo lại được cũng cần cấm.” TS. Đào Thế Anh nói.

img

Cần xóa bỏ những ấn tượng không tốt về nông sản Việt trong mắt đối tác châu Âu.

Cũng theo đánh giá của TS. Đào Thế Anh, hiện nay, năng lực của các vùng sản xuất và DN vẫn còn yếu, cần phải cải thiện điều kiện vật chất, kỹ thuật nhiều mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.

“Liên minh châu âu rất ưu đãi về chính sách với nông sản Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta cần đáp ứng các yêu cầu của họ. Theo tôi cần quy hoạch các vùng sản xuất thành các hợp tác xã (HTX), phải có mã vùng trồng, có các chứng chỉ được châu âu công nhận như GlobalGAP. Không để tiếp diễn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.” TS. Đào Thế Anh thông tin thêm. 

Mới đây, tại Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Một số cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”, bộ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiệp định EVFTA mới được ký kết sẽ tạo một cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng tư lệnh ngành công thương cũng cảnh báo về khó khăn khi gia nhập EVFTA. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, khoa học kỹ thuật, cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem