Vì sao Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng uỷ?

Đình Việt Thứ hai, ngày 03/08/2020 08:44 AM (GMT+7)
Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng uỷ nhà trường. Trước đó, vào năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lãnh đạo trường này có những phát ngôn không đúng bản chất, sự thật, gây tổn hại uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bình luận 0

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng TP.HCM đã công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bí thư, ban chấp hành đối với ông Lê Vinh Danh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại Tôn Đức Thắng (ĐH Tôn Đức Thắng).

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã làm việc với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng TP.HCM tại cơ quan Ủy ban Kiểm tra Thành ủy.

Vì sao Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng uỷ? - Ảnh 1.

Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Trần Huỳnh

Tại đây, thường trực Đoàn kiểm tra đã trao đổi về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm đối với Đảng ủy và ông Lê Vinh Danh.

Ông Võ Hoàng Duy - thư ký Hội đồng trường, Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường - được phân công tạm thời phụ trách Đảng ủy Trường ĐH Tôn Đức Thắng thay ông Lê Vinh Danh.

Theo tìm hiểu, năm 2019, lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng từng gây xôn xao dư luận khi cho rằng cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường, trái với quy định hiện hành, yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản rồi mới đưa ra Hội đồng trường quyết định...

Phản hồi về vụ việc này, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, những phát ngôn của lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng là "không đúng bản chất, sự thật, gây tổn hại uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam".

Về vấn đề lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam "buộc", "đòi" trường nộp 30% chênh lệch thu chi, Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Năm 2017, đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường và kiến nghị: "Tổng LĐLĐ Việt Nam hằng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ Việt Nam theo quy định".

Cụ thể, theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, "đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định".

Trong văn bản góp ý của các ban thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường  tiếp tục nêu nội dung này. Nhưng căn cứ Quyết định 158 ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định không thu của trường.

"Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của đoàn kiểm tra và ý kiến của ban chuyên môn Tổng LĐLĐ Việt Nam, không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hằng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào" – thông cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ.

Vì sao Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng uỷ? - Ảnh 3.

Trụ sở Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Vì vậy, việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế Công đoàn (CĐ) là thông tin hoàn toàn sai sự thật. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, thiết chế CĐ được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức CĐ từ cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Cụ thể, ông Danh không đồng ý để Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán Nhà nước phải có công văn gửi Tổng LĐLĐ. Không đồng ý cho đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật.

Sau khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, nhà trường tiếp tục phản ứng. Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát nhà trường, khi có báo cáo kết quả thì trường phản ứng gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội với những lời lẽ không đúng mực về báo cáo của đoàn.

"Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 5 lần mời Ban Giám hiệu ĐH Tôn Đức Thắng ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2019, Ban Giám hiệu mới cử 2 Hiệu phó nhà trường ra dự họp. Hiệu trưởng không tham dự" – theo Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tổng LĐLĐ cho rằng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường là Tiến sĩ Bùi Văn Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vào thời điểm tháng 5/2019.

Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp nhưng hiệu trưởng vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ Trường đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ tọa cuộc họp Hội đồng trường.

"Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất… thì đáng tiếc là lãnh đạo nhà trường đã sử dụng diễn đàn truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐ Việt Nam" - Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem