Hơn 21% học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 chỉ để xét tốt nghiệp. Nhiều người cho rằng, chính sách phân luồng học sinh sau THPT bắt đầu có hiệu quả.
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 222.503 (chiếm 21,79%). Từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, hằng năm luôn có một tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp. Năm 2016, tỷ lệ này lên tới 32%.
Tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, nhưng nhìn chung, tỷ lệ này thường cao hơn ở những địa phương khó khăn. Năm nay, Nam Định có 2.758/20.962 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 13%. Đồng Nai có hơn 8.000 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp trên tổng số hơn 31.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Tại Hà Nội, trong tổng số hơn 110.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trên 86% vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng - Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết. Tỉnh Hòa Bình có 9.536 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và 51,4% trong số này thi chỉ để xét tốt nghiệp, ông Trần Văn An, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết. Tỷ lệ thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp ở Phú Thọ là 39,75%, Bắc Giang hơn 28%, Thái Nguyên hơn 31%), Nghệ An 32,35%, Đắk Lắk hơn 23,7%…
Nhiều sự lựa chọn
Nhiều chuyên gia nhận định, thực tế số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp tương đối ổn định những năm gần đây (khoảng 20-25%) phản ánh việc phân luồng hướng nghiệp gắn với thực tiễn; thí sinh đã thực tế hơn, đại học không còn là con đường duy nhất để có việc làm như trước. Theo họ, đây là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, năm 2020, tỷ lệ thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm tới hơn 28%, nhưng các trường trung cấp, cao đẳng nghề vẫn chật vật tuyển sinh. Tại TPHCM năm 2020, các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh đạt gần 75% chỉ tiêu đề ra. Đây là tỷ lệ đáng mơ ước của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhiều tỉnh, thành phố khác. Ở Đà Nẵng, kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2020 là 54.500 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở thành phố mới tuyển sinh được hơn 1/5 chỉ tiêu đặt ra. Đối với giáo dục đại học, đợt 1 xét tuyển năm 2020 có tới 120.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, trong số hàng nghìn trường cao đẳng, trung cấp, chỉ có vài trường tuyển sinh đạt hoặc vượt chỉ tiêu, còn lại cơ bản đều gặp khó khăn. “Con số trên 222.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp năm nay chưa nói được điều gì vì nhiều trường đại học xét học bạ. Không những thế, trong số đó có nhiều em chỉ cần tốt nghiệp rồi đi làm cho doanh nghiệp... Trong bối cảnh ít việc làm được tạo ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch bệnh như hiện nay, người học có xu hướng chọn học đại học để có nhiều cơ hội kiếm việc làm”, TS. Vinh nói.
Thực tế, năm nay các trường đại học, kể cả trường công lập lớn, đều mở rộng phương thức xét tuyển, trong đó tăng mạnh chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT của thí sinh. Tính đến thời điểm này, dù chưa hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển, nhưng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã nhận được hơn 43.000 hồ sơ xét tuyển bằng học bạ của thí sinh. Nhiều trường khác cũng đã nhận được số hồ sơ đăng ký tăng gấp 1,5-2 lần năm trước. Đối với nhiều trường đại học, thí sinh có học lực từ trung bình trở lên đã có thể được xét tuyển thẳng. Không ít học sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển và chỉ chờ tốt nghiệp THPT để nhập học chính thức. Đó là chưa kể một lượng lớn thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học để xét tuyển sinh hoặc xác định đi du học.
Theo TS. Vinh, 20 năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp đã không đạt được mục tiêu đặt ra trong các chiến lược phát triển giáo dục, nếu không muốn nói là thất bại. Cần phải quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước, kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo, ông nói.
“Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường”. TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT
Vui lòng nhập nội dung bình luận.