Vì sao Hồng quân Liên Xô không bắt sống được trùm phát xít Hitler?

Thứ bảy, ngày 29/12/2018 08:33 AM (GMT+7)
Lãnh tụ Liên Xô Stalin rất muốn bắt sống Hitler. Nhưng trùm phát xít Đức đã tự sát trước khi Hồng quân đánh chiếm boong-ke cố thủ của y.
Bình luận 0

Tháng 4/1945, chỉ còn 2 ngày nữa là quân đội Xô viết sẽ đột kích mạnh mẽ vào hầm ngầm cố thủ của trùm phát xít Đức Adolf Hilter. Đúng lúc ấy, thủ lĩnh phát xít điên cuồng Hilter đã tự sát trong boong-ke của mình.

img

Một sĩ quan Hồng quân theo dõi hỏa lực pháo binh ở thủ đô Berlin vào ngày 30/4/1945. Ảnh: Sputnik.

Trong một bộ phim của Clint Eastwood được phát hành vào tháng 2/2018 có nhan đề “The 15:17 to Paris”, có một cảnh trong đó 3 người Mỹ đang có mặt tại một bảo tàng ở Berlin (Đức). Hướng dẫn viên du lịch nói với họ rằng Adolf Hitler đã tự sát ở Berlin khi y bị quân đội Liên Xô bao vây. Cả ba vị khách Mỹ tỏ ra ngạc nhiên – họ cứ ngỡ rằng chính quân đội Mỹ mới là lực lượng đã bao vây Hitler.

Người hướng dẫn viên bèn nói: “Người Mỹ các anh không thể cứ nhận công mỗi khi một thế lực xấu nào đó bị đánh bại”.

Người hướng dẫn viên đó đã nói đúng. Mỹ, Anh và các nước đồng minh khác đã đầu tư khá nhiều công sức vào việc đánh bại chủ nghĩa Quốc xã nhưng chính Hồng quân mới là lực lượng đã chiếm thủ đô Berlin của Đế chế 3 và khiến Hitler tự sát. Và sau đây là những gì đã thực sự diễn ra:

Pháo đài ngầm

Đầu mùa xuân 1945, Hitler đối mặt với tình hình nguy khốn, trong đó quân đội Xô viết đã tiến sát thủ đô Berlin từ phía đông, còn các lực lượng Anh và Mỹ đang tiến về từ phía tây. Lưới đã giăng nhưng trùm Đức Quốc xã tàn bạo vẫn chưa nghĩ tới chuyện đầu hàng.

img

Hồng quân cận chiến trên đường phố Berlin vào năm 1945. Ảnh: Getty.

Joachim Fest, một sử gia chuyên viết về tiểu sử của Hitler, dẫn lại lời của Hitler như sau: “Việc để bị giết như cừu là điều không phù hợp với phong cách của chúng ta”. Ông Fest cho biết, phong cách của Hitler vẫn y nguyên như vậy trong những tháng cuối cùng của đời mình: không khoan nhượng, khát máu và vẫn hay ra vẻ mang phong cách Wagner.

Tuy nhiên, rốt cuộc Hitler hiểu rằng chiến tranh đã tới hồi kết. Từ tháng 1/1945 cho đến khi lìa đời vào tháng 4 năm đó, Hitler đã sống trong trong boong-ke Quốc trưởng – một hầm ngầm bên dưới Phủ Thủ tướng Đức Quốc xã ở trung tâm Berlin. Khi ấy, quân Đồng minh oanh tạc thành phố này rất dữ dội nên Hitler khó có thể xuất hiện bên trên mặt đất.

Gã đồ tể khát máu đang thất trận cũng như đánh mất sự kiểm soát đối với tình hình khi đó.

Sử gia Fest viết: “Ông ta phí thời gian vào những việc cãi cọ, buộc tội lẫn nhau và gặm nhấm dĩ vãng một cách vô bổ. Giới thân cận của Hitler thấy cảnh một gã đàn ông có tuổi điên loạn tay run và không ngừng ăn bánh (phản ứng giống những kẻ sát nhân hàng loạt khi tìm cách vượt qua tâm lý căng thẳng), nhưng vẫn cầu nguyện “chiến thắng” và “chiến đấu tới cùng”.

Người Nga đang tiến tới

Vào thời điểm đó, hy vọng về chiến thắng dành cho Đức chẳng tồn tại ở đâu ngoại trừ đầu óc của Hitler. Vào ngày 9/4/1945, Hồng quân chiếm Königsberg (nay là Kaliningrad). Vào ngày 13/4, họ chiếm tiếp Vienna (Áo). Ba ngày sau, trận chiến Berlin bắt đầu.

img

Một chiến sĩ Hồng quân ngồi trên ghế sofa mà gã độc tài Hitler được cho là đã từng ngồi lúc y tự sát. Ảnh: Getty.

Sử gia Anatoly Davydenko nói: “Tại Berlin, 3,5 triệu binh sĩ chiến đấu ở 2 bên chiến tuyến... Không một chiến dịch quân sự nào của Thế chiến 2 có quy mô lớn bằng thế.”

Quân đội phát xít Đức đánh mạnh để cố bảo vệ thủ đô của chúng. Tướng Hồng quân Nikolai Popel, một sĩ quan binh chủng tăng thiết giáp, viết trong hồi ký: “Berlin ở phía trước! Chúng tôi phải trả bằng máu của mình cho mỗi thước đất ở Berlin”. Trên thực tế, Hồng quân mất tới 80.000 binh sĩ khi công phá Berlin.

Tất cả tiêu tan

Về ngày 20/4, tức là 10 ngày trước khi Hitler tự sát và đúng vào sinh nhật thứ 56 của y, sử gia Fest viết như sau: “Niềm lạc quan giả tạo bên trong boong-ke vẫn tồn tại dai dẳng”. Hầu như tất cả các quan chức khác của chế độ Đức Quốc xã đã tháo chạy khỏi thành phố nhưng Hitler vẫn cố ở lại. Trong vô vọng, Hitler vẫn ra lệnh cho quân Đức tiếp tục chiến đấu, bất chấp việc mất hết khu vực này đến khu vực khác. Y vẫn cứ tiếp tục nói về các tập đoàn quân và sư đoàn Đức vốn đã bị tiêu diệt từ trước đó.

img

Hai lính Nga chỉ vào chỗ được coi là mộ của Hitler ở phía sau Phủ Thủ tướng Đức Quốc xã ở Berlin. Ảnh: Getty.

Fest cho rằng trong những ngày đó, viên tổng tham mưu trưởng của y, tướng Krebbs, thậm chí không thèm cố gắng cung cấp thông tin chính xác cho thủ lĩnh Quốc xã. Nguyên nhân là vì điều này chẳng có tác dụng gì – Hitler đã hoàn toàn điên loạn.

Fest viết: “Krebbs để cho Hitler tự chìm đắm trong các “trò chơi chiến trận” không dính dáng chút nào đến thực tế nhưng lại làm cho ảo tưởng của ông ta tồn tại”.

Tuy nhiên, thực tế là điều không thể lẩn tránh. Vào ngày 26/4, các trái bom của Liên Xô bắt đầu nổ vang rền ngay trên đầu Hitler, tại tòa Phủ Thủ tướng. Hai ngày sau đó, y nghe được hung tin: Himmler, một trong các trợ thủ thân cận nhất của y, đã cố gắng bắt liên lạc với quân đồng minh để đầu hàng. Trong khi đó, Benito Mussolini – thủ lĩnh của nước Italy phát xít, đã bị đối phương bắt và treo cổ. Cảm thấy bị phản bội và mường tượng trước khả năng có thể bị đem ra “triển lãm trong vườn thú Moscow”, Hitler quyết định tự tử.

Trang sử cuối

Khi Hồng quân chỉ còn cách boong-ke Quốc trưởng vài khối nhà, Hitler buộc phải hành động nhanh chóng. Vào ngày 29/4, gã đồ tể phát xít cưới người tình bấy lâu của y, Eva Braun. Đây là một hôn nhân cực ngắn – chỉ một ngày sau đó, vợ chồng Hitler cùng vào phòng riêng của y để kết liễu đời mình bằng cách uống thuốc độc xyanua. Để chắc chắn chết, thủ lĩnh tối cao của Đức Quốc xã còn dùng súng bắn vào chính mình.

Sau chưa đầy 1 tuần, vào ngày 5/5, nhóm binh sĩ Liên Xô do trung úy Alexey Panasov chỉ huy phát hiện thấy thi thể của Hitler và vợ y, đã bị cháy và chôn gần boong-ke.

Tin tức sau đó lan đi khắp thế giới: Hitler đã chết! Theo lời của Nguyên soái Hồng quân Georgy Zhukov, khi lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin được thông báo về cái chết của kẻ thù của mình, nhà lãnh đạo này đã nói như sau: “Tiếc là chúng ta đã không bắt sống được y”.

Tuy nhiên, tướng xe tăng Hồng quân Nikolai Popel kể rằng binh sĩ Xô viết nói chung không quan tâm lắm về số phận của Hitler. Ông nhớ lại đã nói chuyện với viên sĩ quan đánh chiếm Phủ Thủ tướng Đức Quốc xã như sau:

- Kẻ thù đã thoát vào phút cuối, chỉ còn lại xương thịt cháy dở.

- Đừng buồn, đồng chí Đại tá. Chúng ta tìm kiếm chiến thắng chứ đâu phải là hắn ta.

Và Hồng quân Liên Xô đã giành chiến thắng. Vào ngày 2/5, Berlin thất thủ. Ngày 9/5, toàn bộ quân đội phát xít Đức đầu hàng. Chế độ Đức Quốc xã đã chết như thủ lĩnh của nó.

Trung Hiếu (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem