Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản (JEBO Nhật Bản) vừa phát đi Thông cáo báo chí về việc JEBO Nhật Bản thông tin khẳng định Chủ tịch Hà Nội nói đúng và gửi lời xin lỗi chân thành tới Ngài Chủ tịch Hà Nội vì gây ra vụ việc hiểu lầm vừa qua, ảnh hưởng đến uy tín của Ngài Chủ tịch và Thông tin khẳng định Nhật Bản, Việt Nam không hề kỳ thị Tổ chức phi chính phủ/chính phủ, Doanh nghiệp Nhà nước/Tư nhân.
“JEBO xin khẳng định lại là Ngài Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu về việc JEBO chưa về xin phép là hoàn toàn đúng. JEBO chúng tôi chỉ có vai trò là Đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với JVE để thực hiện về mặt Kỹ thuật Dự án thí điểm vừa qua. Việc Thông cáo báo chí của chúng tôi gây ra Dư luận xã hội tại Việt Nam hiểu nhầm về Ngài Chủ tịch do vậy chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới ngài Chủ tịch và mong Ngài Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông cảm”, trích thông cáo phát đi của JEBO Nhật Bản", thông báo nêu rõ.
Công nghệ Nano-Bioreactor của các chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm trên một đoạn sông Tô Lịch vừa qua.
Đáng chú ý, trong thông cáo phát đi đại diện JEBO Nhật Bản cho hay: "Có thông tin nói chúng tôi chỉ là Công ty, Tổ chức tư nhân không phải tổ chức Chính phủ. Nhưng tôi xin khẳng định Nhật Bản chúng tôi phát triển chủ yếu nhờ các Tập đoàn tài phiệt, Tập đoàn, công ty tư nhân và không phân biệt hay thành kiến về các việc là Tổ chức Chính phủ hay phi chính phủ, Công ty Nhà nước hay tư nhân mà đánh giá, trân trọng thực tế vào việc cống hiến được gì cho xã hội.
Có thể ở Việt Nam các bạn không biết, các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản, có những công ty chỉ vài người hoặc vài chục người nhưng thường là những công ty sở hữu các bằng phát minh sáng chế về một mảng nào đó và chiếm một thị phần lớn trên thế giới. Lý do là sản phẩm của công ty vừa và nhỏ đó lại là “công nghệ lõi” mà các Tập đoàn lớn phải sử dụng trong các sản phẩm của mình".
JEBO Nhật Bản cũng cho biết, Công nghệ Nano của JEBO đã được phát minh cách đây hơn 30 năm, cũng là “công nghệ lõi” mà các Tập đoàn lớn hàng đầu của Nhật Bản như Tập đoàn T, Tập đoàn H, Tập đoàn S, Tập đoàn B.... "Do ký hợp đồng bảo mật thông tin NDA nên chúng tôi không được phép công bố cụ thể tên các Tập đoàn và hàng trăm Tập đoàn, Công ty của Nhật Bản đang sử sụng “công nghệ lõi” của chúng tôi", đại diện JEBO cho hay.
Các chuyên gia Nhật Bản đặt tấm vật liệu Bioreactor xuống khu vực bùn được quây lại xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Theo đại diện JEBO Nhật Bản, nhà phát minh của Công nghệ Nano và một số thành viên của Tổ chức này là những người trong nhóm liên quan tới việc áp dụng Công nghệ Nano từ những năm tháng mà phát minh ra công nghệ và cùng làm các Dự án đã cách đây hơn 25 năm.
Đơn cử là Dự án cải thiện chất lượng nước sông Onga (Tỉnh Fukuoka, Nhật Bản năm 1994) do Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản (MLIT) làm Chủ đầu tư . Rồi Dự án cải thiện tình trạng “siêu phú dưỡng” của kênh Sakishima (Osaka, Nhật Bản) năm 2000”.
“Công nghệ Nano-Bioreactor chúng tôi còn được được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 chọn để xử lý ô nhiễm nước Vịnh Tokyo (chỉ số Coliform, E.coli vượt quy chuẩn cho phép) để chuẩn bị cho các hoạt động môn thể thao trên Vịnh Tokyo”, đại diện JEBO cho hay.
“Nếu ai có phát ngôn kỳ thị JEBO là tư nhân thì chúng tôi xin khẳng định rõ lại một lần nữa: Nhật Bản chúng tôi phát triển chủ yếu nhờ các Tập đoàn tài phiệt, Tập đoàn, công ty tư nhân và không phân biệt hay thành kiến về các việc là Tổ chức Chính phủ hay phi chính phủ, Công ty Nhà nước hay tư nhân mà đánh giá, trân trọng thực tế vào việc cống hiến được gì cho xã hội…”, đại diện JEBO nhấn mạnh.
Đề cập đến việc “hồi sinh” sông Tô Lịch, phía JEBO Nhật Bản cho rằng, suốt 3 thập kỉ qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch và các dòng sông chết khác đã nhiều lần được nhắc đến tại Việt Nam. Tuy nhiên, suốt 3 thập kỉ qua đi, “nhiều đứa trẻ sinh ra bên dòng sông hôi thối giờ đã lập gia đình và lại sinh ra những đứa trẻ khác cũng vẫn phải hít thở mùi hôi thối của những “dòng sông chết” này”.
“Chúng tôi được biết, sông Tô Lịch của Việt Nam không chỉ là một dòng sông đơn thuần mà có ý nghĩa, giá trị về lịch sử, tâm linh rất lớn đối với nhân dân Hà Nội nói riêng và Đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung. Chúng tôi cho rằng, việc làm sạch được dòng sông lịch sử Tô Lịch đang bốc mùi hôi thối hàng ngày ảnh hưởng lớn đến long mạch, tâm linh của Thủ đô ngàn năm văn hiến có một ý nghĩa rất lớn đối với Hà Nội và Việt Nam.
Do vậy, quan trọng là JEBO làm được gì, giúp gì được trong xử lý ô nhiễm môi trường tại Việt Nam giúp người dân Việt Nam bớt khổ. Chúng tôi xin phép gửi nội dung để rộng đường dư luận”, trích thông cáo báo chí của JEBO Nhật Bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.