Vì sao Kim Đường Nghê được coi là bộ giáp "thiên hạ đệ nhất" trong Thủy Hử?

Thứ ba, ngày 20/08/2024 10:31 AM (GMT+7)
Bộ giáp này được chiến tướng Lương Sơn Bạc là Từ Ninh quý như chính sinh mệnh của mình.
Bình luận 0

Vì sao Kim Đường Nghê được coi là bộ giáp "thiên hạ đệ nhất" trong Thủy Hử?

Trong câu chuyện của những anh hùng hảo hán tụ nghĩa tại Lương Sơn để "thay trời hành đạo", tác giả Thi Nại Am có nhắc đến những báu vật hiếm có khó tìm trên đời. Một trong số đó là bộ áo giáp Kim Đường Nghê.

Và người khoác lên mình chiếc áo giáp "thiên hạ đệ nhất" này chính là "Kim Thương Thủ" Từ Ninh - Đầu lĩnh xếp thứ 18 trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Có thể nói, áo giáp Kim Đường Nghê là báu vật mà Từ Ninh quý hơn cả mạng sống của mình. Áo giáp Kim Đường Nghê cùng với tài nghệ dùng câu liêm thương "xuất quỷ nhập thần" đã giúp Từ Ninh nhiều phen lập công lớn cho nghĩa quân Lương Sơn.

Trong câu chuyện tụ nghĩa của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, mỗi một vị hảo hán lại có cách gia nhập nghĩa quân khác nhau. Có người chủ động gia nhập, cũng có người chưa biết đến ý nghĩa "thay trời hành đạo" của nghĩa quân mà từ chối tụ nghĩa.

Bởi thế, người ta phải dùng mưu kế mới có thể chiêu mộ được các vị anh tài này.

Nếu như "Thần y" An Đạo Toàn buộc phải lên núi sau khi bị vu oan là ám sát một gia đình nọ, thì Từ Ninh bị chính bộ áo giáp mà mình quý hơn sinh mệnh lôi kéo.

Chuyện kể rằng, khi Tống Giang dẫn quân đánh nhau với "Song Tiên" Hô Diên Chước (lúc này chưa gia nhập Lương Sơn) đã vấp phải trận pháp đỉnh cao của Hô Diên Chước khiến nghĩa quân hao tổn nặng nề.

Đầu lĩnh Thời Thiên nảy ra ý định chiêu mộ Từ Ninh, người vốn có tài sử dụng câu liêm thương nổi tiếng khắp chốn, nhưng không có cách nào mời người này về tụ nghĩa.

Quân sư Ngô Dụng - vốn túc trí đa mưu, ngang hàng Gia Cát Lượng nên được Lương Sơn tôn tụng là Gia Lượng Tiên Sinh - nắm được điểm yếu của Từ Ninh liền nói với Thời Thiên rằng: "Hãy bí mật lấy đi bộ áo giáp Kim Đường Nghê của người này. Mọi chuyện sau đó sẽ do trời xanh an bài".

Mưu kế thành công. Từ Ninh sau khi biết việc bộ giáp từng vào sinh ra tử của mình bị đánh cắp đã vô cùng đau khổ. Thi Nại Am tả rằng:

"Bộ giáp ấy là bảo bối của gia tộc ta truyền lại từ bốn đời trước. Dù có người trả vạn quan tiền, ta cũng không bán cốt để mang ra dùng mỗi khi ra trận. Ai đến hỏi mua cũng đều phải dối mà rằng: Áo mất rồi. Ai ngờ, câu nói đó nay thành sự thật. Thiên hạ biết chuyện lại chê cười. Đau lòng quá" - Từ Ninh than.

img

May mắn thay, Từ Ninh biết ai lấy cắp chiếc áo giáp quý gia truyền từ 4 đời của mình nên đích thân lên Lương Sơn Bạc hỏi chuyện. Đến nơi, khi gặp Lâm Xung, Từ Ninh biết rõ ngọn ngành mọi chuyện và biết rằng nghĩa quân Lương Sơn là nơi anh hùng tụ nghĩa, chống lại cường quyền, áp bức.

Ngẫm một hồi, người này quyết định gia nhập và còn trở thành đầu lĩnh xếp thứ hạng rất cao: 18 trong số 108 anh hùng hảo hán, chuyên huấn luyện câu liêm thương pháp cho nghĩa quân.

Từ Ninh - Mãnh tướng sở hữu 2 "vũ khí" độc nhất Thủy Hử

Đối với Từ Ninh, gia nhập nghĩa quân Lương Sơn giống như hổ được thả về rừng. Bởi, đây chính là thời điểm sức mạnh toàn vẹn của mãnh tướng Từ Ninh phát huy mỗi khi xông pha trận mạc cùng Lương Sơn bình Liêu, đánh Phương Lạp.

Vũ khí thứ nhất: Dùng câu liêm thương "xuất quỷ nhập thần"

Trong đại danh tác Thủy Hử, câu liêm thương gắn liền với tên tuổi của Từ Ninh. Biệt hiệu "Kim Thương Thủ" của người này đã nói lên tất cả.

Câu liêm thương là một trong những binh khí đánh cận chiến đáng sợ nhất thời Bắc Tống. Binh khí này gồm 2 phần, phần đầu là một lưỡi sắc nhọn, có móc câu cực sắc bén. Phần cuối là cán dài thường bằng gỗ có độ đàn hồi cực cao.

Đặc điểm sát thương nổi trội của câu liêm thương là đâm mạnh, xoay 90 độ rồi rút về. 3 thao tác cơ bản này được dùng trong khoảng thời gian cực nhanh. Do đó, nó có độ sát thương rất lớn mỗi khi được mang ra cận chiến trên chiến trường.

Từ Ninh là một trong số ít chiến tướng thông thạo binh pháp câu liêm thương. Ông dùng nó để móc vũ khí, vô hiệu hóa ngựa chiến bằng cách móc chân ngựa, phá khiên, và đỉnh cao nhất là lấy thủ cốc của địch thủ trong tích tắc.

Bởi vậy mới có chuyện Từ Ninh là giáo đầu của 800.000 cấm quân, chuyên dạy kỹ thuật dùng giáo, thương móc, liềm thời điểm trước khi tụ nghĩa cùng hảo hán Lương Sơn.

Vũ khí thứ hai: Bộ giáp "vào sinh ra tử"

Nếu như câu liêm thương được Từ Ninh sử dụng làm vũ khí để tấn công thì bộ giáp Kim Đường Nghê đóng vai trò là vũ khí để phòng thủ.

Để một chiến tướng như Từ Ninh quý nó hơn cả sinh mệnh thì hẳn là có lý do.

Hồi 55 của Thủy Hử, Thi Nại Am miêu tả thế này: "Bộ giáp dệt bằng lông ngỗng đó thiên hạ không ai có chiếc thứ hai. Khoác lên mình vừa nhẹ vừa ấm. Giúp cho người mang, thân nhẹ tựa như bay. Khi xông pha trận mạc, gươm đao nào có thể đâm thấu. Từ Ninh bởi thế quý nó như sinh mệnh. Đánh trận về là cẩn thận lau sạch sẽ rồi cất vào hòm da, treo trong phòng".

Nắm trong tay câu câu liêm thương và vận trên mình bộ giáp bảo vật gia truyền, Từ Ninh thường cùng Tống Giang đánh trận nam, bắc, lập nhiều chiến công lớn.

Bi tráng thay, Từ Ninh lại là một trong những chiến tướng của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc tử trận.

Trong trận đánh thành Hàng Châu với quân Phương Lạp, Từ Ninh và Hác Tư Văn dẫn quân đến tận cổng phía bắc Hàng Châu, nhưng cả hai chiến tướng bất ngờ bị địch tập kích.

Từ Ninh dùng binh khí "tả xung hữu đột", sau một hồi thì thoát khỏi vòng vây của địch. Nhưng khi thấy Hác Tư Văn bị kẻ địch bắt sống, người này dũng cảm quay lại ứng cứu.

Đột ngột. Trong lúc xông vào vòng vây địch, mũi tên tẩm độc của địch găm vào cổ, nơi bộ giáp không thể bảo vệ. Từ Ninh tưởng chừng tử trận tại chỗ thì may mắn lúc đó có Quan Thắng thúc ngựa, xông lên cứu huynh đệ. Hác Tư Văn khi đó vẫn bị quân Phương Lạp bắt giữ.

Điều đáng nói, "Thần y" An Đạo Toàn trước đó lại lên đường về kinh, nhận chỉ chữa bệnh cho vua Tống nên không thể theo nghĩa quân chữa trị thương tật. Từ Ninh mất máu và nhiễm độc nên qua đời mươi ngày sau đó.

Không lâu sau đó, khi thủ lĩnh Tống Giang bình Phương Lạp toàn thắng trở về - khi đó chỉ còn 27 trong số 108 chiến tướng sống sót - đã phong cho Từ Ninh là Nghĩa Tiết Lang.

Phần lớn tướng tử trận đều được Tống Giang phong là Nghĩa Tiết Lang để tưởng nhớ đến các chiến tướng vì nghĩa xả thân, không màng sinh tử, sẵn sàng xông vào nguy hiểm để giải cứu huynh đệ Lương Sơn.

Cái chết của "Kim Thương Thủ" Từ Ninh bởi vậy mà khiến cho nhiều độc giả của Thủy Hử tiếc nuối khôn nguôi. Tài năng câu liêm thương và sự xả thân vì nghĩa của vị hảo hán này mãi được ghi nhớ trong lòng nhiều người.

Trang Ly (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem