Tối 1/7, vở cải lương “Vì sao lạc xứ” của đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên ra mắt tổng duyệt Hội đồng nghệ thuật tại Nhà hát chèo Việt Nam. Sau khi kết thúc vở diễn, đạo diễn Trung Kiên đã có những chia sẻ cởi mở với báo chí xung quanh vở diễn.
NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên
Vở kịch cải lương "Vì sao lạc xứ"
Xin chào đạo diễn Triệu Trung Kiên, anh có thể chia sẻ về vở cải lương “Vì sao lạc xứ”?
- Nội dung vở diễn nói về nhân vật lịch sử Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con cả của Thượng hoàng Hồ Quý Ly, ông là một vị tướng, một nhà khoa học thiên tài của triều Hồ ở đầu thế kỷ 15. Ông được mệnh danh là ông tổ của súng Thần công (Xưa được gọi là Thần cơ thương pháo). Phát minh này của Hồ Nguyên Trừng đã lọt vào tầm ngắm của Minh triều. Sau khi đánh thắng Đại Ngu, nhà Minh đã bằng mọi cách để có được bí quyết chế súngThần cơ của Hồ Nguyên Trừng.
Câu chuyện xoay xung quanh nghiên cứu thiên tài của Hồ Nguyên Trừng khi ông bị lưu đầy ở Bắc quốc. Từ đây những khúc mắc, mẫu thuẫn xuất hiện giữa một bên là Hồ Nguyên Trừng và một bên là Vân Khanh - một cô gái Việt bị Minh triều dùng tính mạng cha mẹ và gia quyến để khống chế, nhằm buộc cô phải tìm mọi cách đoạt cho bằng được bí quyết chế Thần cơ của Hồ Nguyên Trừng.
Nghiệt ngã thay, Hồ Nguyên Trừng và Vân Khanh đã nhận ra rằng họ là hai người tri âm, tri kỷ. Họ vừa thương yêu nhau vừa đối phó nhau. Nguyên Trừng đã phải nỗ lực hóa giải những mưu chước càng ngày càng tinh vi hơn của Vân Khanh. Đỉnh điểm của mưu chước là khổ nhục kế khi Vân Khanh bị viên quan Thứ sử Minh triều chặt đứt một cánh tay. Cuối cùng bí quyết chế Thần cơ cũng bị nhà Minh chiếm đoạt. Cả Nguyên Trừng và Vân Khanh đều không thể ngờ được rằng họ đã vẫy vùng một cách tuyệt vọng trong cái mê cung mà bè lũ quan lại nham hiểm của Minh triều đẵ bầy ra. Và họ đã phải chuốc lấy thảm kịch, Vân Khanh thì cha mẹ và gia quyến bị giết, quá đau đớn và ân hận, cô đã chọn cách tự kết liễu đời mình. Hồ Nguyên Trừng thì phải sống nốt phần đời còn lại trong bộ dạng nửa tỉnh, nửa mê.
Hồ Nguyên Trừng và cô gái Vân Khanh
Theo anh, vở cải lương này có điểm gì mới so với các vở trước đó của anh?
- Cái mới đầu tiên là cách lý giải các nhân vật lịch sử mà ở đây là cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, bên cạnh đó là Vân Khanh. Sử Minh chép rằng Hồ Nguyên Trừng sau này được Nhà Minh phong làm Thượng Thư Bộ Công. Đa số người dân Việt hôm nay nhìn nhận Hồ Nguyên Trừng như một kẻ quên đi nguồn cội của mình. Nhưng ê kíp sáng tạo đã khẳn định Hồ Nguyên Trừng là một vì sao sáng, một tài hoa hiếm có, dẫu phải sống kiếp lưu vong, vẫn nặng lòng với quê hương xứ sở.
Đổi mới ở vở diễn lần này không phải là những gì quá to tát, mà ngay ở việc tiếp tục khắc phục những điểm cố hữu của cải lương, điều đã khiến cho khán giả có những định kiến về loại hình này, rằng cải lương là sến sủa, là bi lụy, là lòe loẹt giả tạo. Từng có giai đoạn cải lương tận dụng tối đa mầu sắc bi thương, sướt mướt để đánh vào lòng thương cảm của người xem. Nhưng theo thời gian, những yếu tố đó đã trở thành lối mòn, cản trở sự phát triển của nghệ thuật cải lương. Chính vì thế, cải lương cần thoát khỏi những khuôn khổ ràng buộc cũ kỹ. Cần trả cho người sáng tạo quyền tự do tối đa để phá bỏ mọi khuôn thước, xây dựng một diện mạo mang tính đương đại cho loại hình này. Điều đó được hiển hiện trong các thành tố như mỹ thuật, âm nhạc, kết cấu kịch bản, cách thức xây dựng các hình tượng nhân vật…
Nói như vậy không có nghĩa là cải lương ngày nay không cần lay động lòng trắc ẩn của con người. Trái lại, cải lương vẫn cần phải làm cho người xem rung lên những cung bậc cảm xúc tốt đẹp. Thời đại nào thì niềm vui, nỗi buồn và cả sự khổ đau vẫn hiện hữu trong đời sống con người, và họ vẫn có nhu cầu được chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu, đó cũng là một cách để tái tạo năng lượng. Vậy nên vở diễn nào không đem lại nhận biết, từ đó làm rung lên những cung bậc cảm xúc tốt đẹp của người xem, vở diễn đó coi như vô nghĩa.
Trong “Vì sao lạc xứ”, khán giả đã nhiều lần phải trỗi lên lòng thương cảm, nỗi niềm xót xa trước thân phận của các nhân vật. Như việc Hồ Quý Ly tự sát để kẻ thù không còn lý do khống chế Hồ Nguyên Trừng. Rồi thân phận đầy éo le cùng kết cục ai oán của Vân Khanh. Và đặc biệt là Hồ Nguyên Trừng, một con người tài ba lỗi lạc, một lòng hướng về quê hương, xứ sở, đã phải chôn vùi phần đời còn lại nơi đất khách quê người trong bộ dạng của một kẻ nửa tỉnh, nửa mê.
Quan quân triều MInh trong vở cải lương "Vì sao lạc xứ"
Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Tạ Quang Đông chia sẻ sau khi xem xong buổi tổng duyệt: “Các bạn đã làm một vở diễn rất xúc động. Đó là sự cố gắng nỗ lực của nhà hát và tập thể nghệ sĩ. Với đam mê nghề nghiệp, các bạn sẽ vượt qua những khó khăn của mình. Đây là một vở diễn tôi thấy kịch bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cũng có một số chỗ ban lãnh đạo có thể thay đổi tình tiết, sửa chữa lại cho rõ hơn, phần múa, nhạc cần gia cố hơn, làm rõ hơn bối cảnh cũng như tình tiết của vở. Tôi tin chắc nếu trau chuốt, sửa chữa kỹ lưỡng hơn, vở diễn sẽ rất tốt. Cái kết cảnh cũng cần suy nghĩ lại sao cho chặt chẽ hơn với cốt tuyện”.
|
Khi đưa thử nghiệm theo cách minh oan cho nhà Hồ, đồng thời cái kết Hồ Nguyên Trừng ở xứ người trong tình trạng nửa điên nửa tỉnh, anh có e ngại không đúng với lịch sử, nhạy cảm cho vở diễn?
- Chúng tôi vẽ nên những chân dung người đẹp đẽ thì sao lại phải sợ sự nhạy cảm? Tôi không tin vào những điều Minh sử viết về Hồ Nguyên Trừng. Bởi chúng ta đều biết, nhiều khi chính sử cũng chưa hẳn đã là sự thật. Huống hồ đây lại là sử của nước lớn vốn sẵn có một tâm thức ngạo mạn. Tôi có cảm giác họ được mơn trớn, vuốt ve khi biến một người anh hùng tài ba lỗi lạc bậc nhất nước Nam thành một kẻ bán đứng lợi ích của dân tộc mình, đồng bào mình. Chính vì thế, tôi và tác giả Nguyễn Toàn Thắng đã thống nhất cách lý giải và xây dựng hình tượng Hồ Nguyên Trừng như trong vở diễn để khẳng định rằng, mỗi con dân nước Việt dù phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã đến đâu vẫn đau đáu một nỗi niềm vì trường tồn của dân tộc.
Hồ Quý Ly định tử tự để tránh quan triều Minh lấy mạng ông ép Hồ Nguyên Trừng đưa bí kíp súng thần công
Với vở cải lương “Vì sao lạc xứ”, anh cảm thấy khó khăn và áp lực hơn so với những vở trước đó từng dựng?
- Tác giả kịch bản Nguyễn Toàn Thắng là một nhà văn, có vẻ như anh khá thích thú với màu sắc kiếm hiệp trong một số tác phẩm của mình. Điều đó cũng từng có trong vở diễn “Tướng quân ăn mày” được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng do tôi đạo diễn. Tôi cũng đã tận dụng chính điều đó để đem lại một nét riêng, khác lạ cho tác phẩm của mình lần này. Câu chuyện kịch lại phức tạp, nhiều tầng hành động ngầm, nếu không khéo lý giải sẽ làm khó cho người xem. Một khó khăn nữa là vai nữ chính Vân Khanh, tôi đã mạnh dạn giao cho nghệ sỹ trẻ Minh Nguyệt, vừa tốt nghiệp lớp Trung cấp diễn viên do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội kết hợp đào tạo cách đây ít lâu. Nhưng Minh Nguyệt dù còn non nớt cũng đã không làm tôi thất vọng.
Và cuối cùng, muốn gì thì tác phẩm cũng phải làm cho khán giả dễ dàng tiếp nhận và thấy thích thú. Họ phải được khơi gợi những cảm xúc đẹp đẽ. Để sau đêm thưởng thức nghệ thuật, người xem phải nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, từ đó thêm yêu đời, yêu người, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội và thu nhận được những năng lượng tích cực cho cuộc sống của bản thân.
Xin cảm ơn anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.