Vì sao lợi nhuận Vinatex tăng bất thường?

Phương Vy Thứ năm, ngày 27/12/2018 13:53 PM (GMT+7)
Với Vinatex, tập đoàn này ghi nhận doanh thu xuất khẩu năm 2018 tăng 11%, riêng công ty mẹ tăng hơn 35% đã đặt ra câu hỏi về lý do vì sao lợi nhuận tăng đột biến?
Bình luận 0

img

Vì sao lợi nhuận Vinatex tăng bất thường? (Ảnh: TX)

Ngày 27.11, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex đã lý giải nguyên nhân vì sao lợi nhuận của tập đoàn năm 2018 tăng đột biến. 

Cụ thể, ông Hiếu cho biết, việc lợi nhuận của tập đoàn tăng mạnh trong năm 2018 là do các dự án của tập đoàn đã đầu tư từ trước 2016 đến nay đã đem lại lợi nhuận.

Cụ thể, Nhà máy Sợi Phú Hưng (Thừa Thiên Huế), Nhà máy Sợi Nam Định (đầu tư 2016) và Nhà máy Sợi Phú Cường (Đồng Nai) sau 2 năm đi vào hoạt động đến nay các dự án này đã hết thời gian lỗ kế hoạch, bắt đầu có lãi nên đã ghi nhận khoản lãi vào tập đoàn. “Mặc dù năm 2018 ngành sợi gặp phải khó khăn vào quý 4 do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhưng trước đó hết 9 tháng thì hầu hết các Nhà máy sợi đã đạt và vượt kế hoạch cả năm”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, lợi nhuận của Vinatex tăng cũng còn do nguyên nhân là do đầu tư công nghệ và quản trị của tập đoàn ngày càng tốt hơn.

Năm 2018 Vinatex có mức tăng trưởng đột biến với tổng doanh thu ước đạt 48.658,2 tỷ đồng bằng 100,8% kế hoạch năm 2018, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế: thực hiện năm 2018 ước đạt 1.532,9 tỷ đồng bằng 116,4% kế hoạch năm 2018, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017do đã dịch chuyển được chất lượng đơn hàng.

Năm 2018 bối cảnh kinh tế trong nước có nhiều thuận lợi cho hoạt động SXKD,dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt tới mức 6,88% (vượt con số 6,7% Chính phủ đặt ra), thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD…

Thị trường tài chính trong nước năm 2018 khá ổn định 7 tháng đầu năm 2018, và có một số biến động tỷ giá bắt đầu vào nửa cuối năm 2018. Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay, từ 22.700 đồng lên 23.350 đồng. Năm 2018, dự kiến tỷ giá tăng lên khoảng 23.370 đồng. Tỷ giá CNY/VND có xu hướng giảm dần từ 3.520 đồng xuống còn 3.378 đồng. Từ tháng 11 đến nay, tỷ giá CNY/VND tăng nhẹ lên mức 3.424 đồng.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 ước đạt 36,164 tỷ USD, tăng 16,36% so với năm 2017.

Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Trung Quốc năm 2018 ước đạt 266,32 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2017; xuất khẩu dệt may Ấn Độ năm 2018 ước đạt 36,43 tỷ USD, giảm 2,04% so với 2017; xuất khẩu dệt may Bangladesh giảm 3,7% so với cùng kỳ, đạt gần 32,39 tỷ USD; xuất khẩu dệt may Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan tăng nhẹ, lần lượt tăng 7,79% và 5,41%;xuất khẩu dệt may Campuchia đạt11,428 tỷ USD, tăng 8,2%.

Như vậy, so với các nước xuất khẩu dệt may chính, thì Việt Nam có tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao nhất trong năm 2018, tới hai con số là 16,36%.

Ngành dệt may “tiến quân” sang Trung Quốc

Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết:  Hiện không chỉ Việt Nam mà cả ngành dệt may thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc với mức phụ thuộc khoảng 53%. Tuy nhiên, trong năm 2018 Việt Nam đã giảm được mức phụ thuộc xuống còn 48%, thấp hơn mức trung bình của thế giới. “Để “tiến quân” vào thị trường Trung Quốc thì đầu tiên là phải cạnh tranh về giá sau đó mới tới các yếu tố mẫu mã, chất lượng. Hiện chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu sợi vào thị trường này, các mặt hàng may mặt cũng có nhưng chưa đáng kể”, ông Hiếu nói.

 “Với kết quả sản xuất kinh doanh của ngành dệt may như năm nay, người lao động ít nhất được thưởng Tết 1 tháng lượng, cá biệt có một số doanh nghiệp sẽ được thưởng 3 tháng lượng tùy vào lợi nhuận của từng doanh nghiệp của ngành”, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết.

Ông Hiếu cũng cho biết khó khăn lớn nhất của ngành dệt may là đơn hàng vì nếu không có đơn hàng, các nhà máy nhất là nhà máy sợi phải hoạt động cầm chừng dẫn tới công nhân nghỉ việc thì sau đó sẽ không tuyển được lại công nhân. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các nhà máy đã có đơn hàng hết quý 1 năm 2019 có nhà máy đã có đơn hàng tới hết quý 2 và thậm chí tới tháng 10.2019. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là giá cả của các đơn hàng này như thế nào.

Đại diện Vinatex cũng đưa ra dự báo kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào 2019 và 2020 khi chính sách kích thích tiền tệ giảm nhiệt, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2019 có thể chỉ đạt 2,5%, và 2020 là 2%. Kinh tế EU sẽ đạt tăng trưởng 1,8% trong năm 2019 và 1,6% năm 2020.Còn GDP Nhật Bản năm 2019 sẽ đạt 1,1% và 0,6% năm 2020. GDP Hàn Quốc năm 2019 và cả 2020 đều có thể chỉ đạt 2,6%.

Trong năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ tăng lãi suất ba lần lên mức 3,5%. Bên cạnh đó, lãi suất năm 2019 cũng được ước tính sẽ tăng 50 điểm cơ sở so với năm 2018. Lãi suất tăng tất yếu sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng tới tăng trưởng thị trường.

Trong năm 2019, chi phí đầu vào của ngành Dệt may tiếp tục có xu hướng tăng như mức lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 5,3% so với năm 2018, kéo theo bảo hiểm xã hội, chi phí nhân công tăng. Chi phí điện cũng được dự báo có khả năng tăng trong năm 2019.

Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường, doanh nghiệp may làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như doanh nghiệp sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem