Ngành Dệt may đang đứng trước cơ hội hay thách thức lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? (Ảnh: IT)
Theo các chuyên gia kinh tế, những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng theo hướng có lợi cho ngành dệt may Việt Nam, với dự kiến xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng cuối năm có thể đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch XK dệt may ước đạt tới 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua của ngành dệt may. Theo Vitas, đà tăng trưởng vượt trội trong kim ngạch XK dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của việc tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc... Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 6,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 46,9% tổng trị giá XK hàng dệt may của cả nước.
Đáng chú ý, dù Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8.3.2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019, nhưng đến thời điểm hiện tại, XK sang các nước thuộc khối CPTPP đang tăng trưởng mạnh, đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 23% (năm 2017, XK dệt may sang khối CPTPP đạt trên 950 triệu USD). Trong đó, tăng mạnh nhất là thị trường Trung Quốc với gần 50%, Nhật Bản tăng 24,6%; EU tăng 13,2%; Hàn Quốc tăng 27%.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết ngành Dệt may đang có một số thuận lợi. Chẳng hạn, Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 8.3.2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019, đặt ra kỳ vọng thúc đẩy XK vào 6 nước NK dệt may trong CPTPP. Thêm vào đó, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có thể ký kết cuối năm nay cũng sẽ là cơ hội tốt để ngành dệt may nắm bắt cơ hội phát triển thị trường.
“Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp Dệt may cũng cần xây dựng chuỗi liên kết hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là xây dựng chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu, sợi, dệt, nhuộm, may và logistic. Có như vậy mới đáp ứng được quy tắc và được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước nội khối”, ông Giang nói.
Trong khi đó, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán VnDirect, cho rằng: Ngành dệt may cũng như nhiều ngành nghề khác đang chịu nhiều áp lực trước diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như câu chuyện về nhập khẩu nguyên phụ liệu, rủi ro tỷ giá khi đồng Nhân dân tệ liên tục phá giá trong thời gian ngắn… Đặc biệt, rủi ro lớn có thể xảy ra khi hàng hóa ở nước ngoài có thể tuồn vào Việt Nam và lấy mác xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu đi các nước.
Kết quả kinh doanh khởi sắc, nhưng...
Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều DN dệt may khá khởi sắc, bối cảnh ngành cũng nhiều dư địa tăng trưởng nhưng cổ phiếu ngành dệt may vẫn khá lẹt đẹt.
Tại Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM), ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT cho biết, TCM đã có đủ đơn hàng đến hết quý III, tình hình đơn hàng năm nay tốt hơn so với năm 2017. Tuy BCTC quý 2 chưa được công bố nhưng theo báo cáo kết quả kinh doanh tính đến hết ngày 31.5, doanh thu của TCM đạt khoảng 60 triệu USD, tương đương với 47% kế hoạch năm 2018, lợi nhuận gộp khoảng 10,8 triệu USD.
Dù kết quả kinh doanh khởi sắc nhưng giá cổ phiếu TCM so với hồi cuối năm 2017 lại đi thụt lùi, từ mức giá 26.500 đồng/CP về 18.900 đồng/CP thời điểm hiện tại, giảm khoảng 29%.
Trong khi đó, với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), kết quả kinh doanh quý 2.2018 khá tốt với doanh thu đạt 887,3 tỷ đồng (cùng kỳ 2017 chỉ đạt 597,2 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 53, 2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 45,4 tỷ đồng (cùng kỳ 2017 đạt lần lượt 33,8 và 27,8 tỷ đồng). Theo lý giải của TNG, hai nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Đó là thời gian qua gặp nhiều thuận lợi như tìm được đơn hàng số lượng lớn, dòng sản phẩm phù hợp với thế mạnh. Đồng thời, TNG cũng đã phát huy tối đa năng lực sản xuất của nhà máy theo đúng công suất thiết kế khi lập dự án, cơ cấu lại khách hàng tập trong vào khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín.
Dù vậy, cổ phiếu TNG cuối năm 2017 vào khoảng 13.000-14.000 đồng/CP nhưng hiện nay đã rơi về 11.700 đồng/CP.
Với Công ty CP Everpia (HoSE: EVE), báo cáo doanh thu 5 tháng đầu năm 2018 của doanh nghiệp này đạt 412 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Theo lý giải của công ty, cả 3 mảng chăn drap, bông tắm và khăn đều khởi sắc đã khiến kết quả kinh doanh tăng mạnh. Tuy nhiên, so với hồi cuối năm 2017, giá cổ phiếu EVE lại giảm từ 19.200 đồng/CP về 16.300 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, một số DN khác như Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL), Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (HoSE: GMC), Tổng Công ty CP May Việt Tiến (UPCoM: VGG), CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK)... cũng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội. Tuy nhiên, đang nói là cổ phiếu các doanh nghiệp này hiện nay hầu như không tăng so với cuối năm 2017. Chẳng hạn, GMC gần như không tăng tại mức giá 27.000 - 28.000 đồng/CP, hay STK giảm từ 19.700 đồng/CP về 15.700 đồng/CP...
VnDirect cho biết, đối với các doanh nghiệp dệt may, đà tăng của tỷ giá sẽ có tác động 2 chiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp dệt may phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công, do đó tỷ giá USD/VND tăng sẽ làm đội giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp dệt may cũng là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có nguồn thu ngoại tệ ổn định.
Do đó tựu chung lại sự biến động của tỷ giá sẽ ít làm thay đổi đến KQKD của các doanh nghiệp dệt may, một số doanh nghiệp dệt may có giá trị xuất khẩu lớn và ít nợ vay USD sẽ vẫn được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND mà tiêu biểu là VGG và GMC.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.