Trồng cây trà hoa vàng, hái hoa bán đắt như vàng, một nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giàu hẳn lên
Vĩnh Phúc: Trồng thứ cây ra hoa bán đắt như vàng, một nông dân Tam Đảo ví như "cất của hiếm" trong vườn
Thứ bảy, ngày 06/03/2021 19:02 PM (GMT+7)
Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực, cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, trong đó có trồng cây trà hoa vàng.
Việc phát triển, mở rộng mô hình trồng cây dược liệu này không chỉ mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu quý.
Nhiều năm trước đây, gần 2 ha đất vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Sâm, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ chuyên trồng sắn và bạch đàn nên thu nhập thấp.
Năm 2010, ông Sâm nghe báo, đài nói nhiều về giá trị dược liệu của cây trà hoa vàng - một loại cây sống trong rừng sâu, bị người dân săn lùng để bán cho thương lái Trung Quốc với giá rẻ.
Trăn trở với loài cây dược liệu quý như cây trà hoa vàng đang đứng trước nguy cơ tận diệt, ông Sâm tiến hành thu mua về trồng thử nghiệm trà hoa vàng tại vườn nhà.
Do phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và được chăm sóc tốt, số lượng cây trà hoa vàng trồng thử nghiệm tại vườn của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Sâm quyết định nhân giống cây trà hoa vàng và chuyển đổi toàn bộ 2 ha sắn, bạch đàn của gia đình sang trồng trà hoa vàng. Từ 1 vài cây trà hoa vàng ban đầu, đến nay, gia đình ông Sâm đã có hàng nghìn gốc trà hoa vàng đang cho thu hoạch.
Ông Sâm cho biết: Cây trà hoa vàng trồng khoảng 3 năm thì có thể thu hoạch. Trung bình mỗi vụ, 1 cây trà hoa vàng cho khoảng 1 kg hoa, nụ tươi. Cây trà hoa vàng trồng càng lâu năm thì hoa càng nhiều.
Với 2 ha trồng trà hoa vàng, chỉ tính riêng từ đầu vụ thu hoạch (tháng 10 Âm lịch năm 2020) đến nay, gia đình ông hái được hơn 2 tạ hoa trà hoa vàng tươi.
Hoa trà hoa vàng thu hoạch được đến đâu bán hết đến đó với giá bán trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/kg. Ngoài nguồn thu từ hoa trà hoa vàng, gia đình ông Sâm còn ươm giống cây trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom để bán cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ năm 2015 đến nay, vườn trà hoa vàng đem lại nguồn thu nhập bình quân cho gia đình ông Sâm từ 300 - 500 triệu đồng/năm, cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng sắn, trồng khoai.
Cũng giống như ông Sâm, nhận thấy ba kích là cây dược liệu quý, đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, gia đình anh Nguyễn Duy Hiển, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã cải tạo hơn 1.500 m2 vườn đồi trồng sắn kém hiệu quả sang trồng gần 7.000 gốc ba kích.
Hơn 3 năm qua, vườn ba kích của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài thu từ việc bán giống được hơn 100 triệu đồng, dự kiến, trong năm nay, vườn ba kích sẽ cho thu hoạch củ.
Theo nhẩm tính của anh Hiển, với gần 7.000 gốc ba kích, mỗi gốc cho khoảng từ 3 - 4 củ, trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, giá bán dao động từ 120 - 180 nghìn đồng/kg, vườn ba kích này sẽ cho thu về gần 1 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Cầu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Cây dược liệu được người dân trên địa bàn huyện Tam Đảo đưa vào trồng từ những năm 2006.
Từ hiệu quả kinh tế thiết thực mà nó mang lại, những năm gần đây, UBND huyện Tam Đảo bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát triển loại cây này.
Ngoài thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu cho người dân, năm 2018, UBND huyện triển khai Kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm theo hướng bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn huyện” với tổng diện tích hơn 14 ha; trong đó, có 7,5 ha trà hoa vàng; 5 ha ba kích và gần 1,9 ha đinh lăng, náng hoa trắng; đưa vào danh mục hỗ trợ theo Chương trình OCOP...
Đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đải đã hình thành được nhiều vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích hơn 70 ha gồm: Hơn 15 ha ba kích, tập trung ở vùng núi thuộc xã Đạo Trù; gần 20 ha trà hoa vàng tập trung ở xã Tam Quan, thị trấn Đại Đình và hàng chục ha các loại cây dược liệu khác như: Cà gai leo, đinh lăng, giảo cổ lam, tam thất, náng hoa trắng,…
Việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không chỉ giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần bảo tồn những loại thuốc quý.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc trồng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Tam Đảo vẫn chỉ mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm; tốc độ phát triển chậm, thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả và phát huy tiềm năng, thế mạnh về cây dược liệu, UBND huyện Tam Đảo đang xây dựng đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023”.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Tam Đảo sẽ đưa vào bảo tồn hơn 250 loài cây dược liệu, lưu giữ nguồn gen đặc hữu, bản địa có giá trị và nguy cơ tuyệt chủng cao; quan tâm, xây dựng vườn ươm và nơi lưu giữ nguồn giống dược liệu sạch bệnh, chất lượng cao cho người dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển diện tích trồng cây dược liệu, đặc biệt là quy hoạch vùng phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Thành lập được các cơ sở liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bảo quản, chế biến các sản phẩm dược liệu tại địa phương.
Xây dựng các sản phẩm dược liệu đặc trưng phục vụ khách du lịch và đáp ứng nhu cầu thị trường như: Sản phẩm rượu các loại, trà túi lọc đóng hộp, các loại cao chiết, bánh kẹo, trà...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.