Bắc Kạn - một tỉnh nghèo lại đứng thứ 2 cả nước về OCOP
Có 131 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 cả nước, Bắc Kạn vẫn không thỏa mãn với kết quả đạt được
Chiến Hoàng
Thứ năm, ngày 17/12/2020 13:47 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn khẳng định: "Nếu chúng ta tự hào có 131 sản phẩm được gắn sao OCOP mà thỏa mãn, chúng ta sẽ về sau".
Sáng 15/12, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành Hội nghị tổng kết đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020.
Hội nghị đã tổng kết những điểm mạnh, hạn chế của tỉnh Bắc Kạn sau gần 3 năm thực hiện chương trình OCOP cũng như đưa ra định hướng thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, chỉ trong 3 năm (2018 - 2020), với 50 tỷ đồng để thực hiện, Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Trong đó, có 13 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 118 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Đặc biệt, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP Quốc gia là miến dong Tài Hoan và nano Curcumin Bắc Hà.
Tính đến nay, Bắc Kạn trở thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Theo Ban Chỉ đạo chương trình OCOP, nhờ làm OCOP mà tỉnh Bắc Kạn đã thay đổi tư duy, xây dựng được phong trào trong việc sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn, để chương trình OCOP của tỉnh không bị tụt hậu, đi trước, về sau, tỉnh Bắc Kạn phải xác định đề án OCOP là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, của UBND các thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn, của từng sở, ngành.
Cần sớm phê duyệt đề án OCOP giai đoạn 2021-2025, cụ thể ngay nhiệm vụ của năm 2021 gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có 6 kế hoạch đã được Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn đề xuất để tổ chức triển khai.
Bà Phương Thị Thanh cũng đề nghị Bắc Kạn làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, lựa chọn người đủ năng lực tổ chức triển khai, thực hiện.
Cũng theo bà Phương Thị Thanh, cần đánh giá sản phẩm Bắc Kạn ở góc độ nhiều nhưng đã lớn về quy mô chưa, cần bàn đến sự liên kết. Liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác có chung loại sản phẩm; liên kết doanh nghiệp với HTX để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có quy mô đảm bảo đáp ứng thị trường.
Cần tập trung để sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đáp ứng được nhu cầu theo thứ bậc, phân loại cao cấp, đại trà… Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại; tư vấn HTX, tổ hợp tác quảng bá sâu rộng sản phẩm trên thị trường.
Bà Phương Thị Thanh cũng lưu ý, cần rà soát các chính sách trên địa bàn, chính sách của Trung ương, chính sách của tỉnh đang ban hành, cái gì phù hợp, chưa phù hợp, nhất là chính sách về phát triển HTX, chính sách về hỗ trợ OCOP, chính sách vay vốn, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất theo chính sách của tỉnh, sao cho ban hành chính sách mới phù hợp để việc thực hiện chương trình OCOP của Bắc Kạn không bị tụt hậu về sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.