Vì sao nên nỗi giá tiêu Việt thua cả hàng chục lần tiêu Campuchia?

Thứ sáu, ngày 13/04/2018 18:21 PM (GMT+7)
Cách đây chừng mười năm, ngoài vài giống tiêu bản địa như Kamcham, Kampot…, phần lớn diện tích tiêu ở Campuchia phải mua giống từ Lộc Ninh (Bình Phước) hay từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) về trồng! Đất đai xấu hơn, phương pháp canh tác chẳng có gì hiện đại so với những trang trại tiêu ở Việt Nam, nhưng điều quan trọng là giá tiêu của Campuchia trên thị trường thế giới gấp hàng chục lần giá tiêu Việt. Vì sao có sự khác biệt này?
Bình luận 0

Bộ trưởng Thương mại đi bán tiêu đặc sản

Cuối tháng 3.2018, bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã có chuyến công du tìm kiếm thị trường cho mặt hàng tiêu Kampot nổi tiếng của nước này. Ông đã gặp hãng sữa La Maison du Gruyère của Thuỵ Sĩ.

Nói chuyện với Eric Thevenod và Georges Magnin, đại diện hãng sữa La Maison du Gruyère, Bộ trưởng Pan Sorasak cho rằng: “Thật tuyệt diệu khi dùng tiêu Kampot làm gia vị cho các loại phô mai Thuỵ Sĩ”.

Đại diện hãng sữa Thuỵ Sĩ cho biết, sẽ xem xét việc đưa tiêu Kampot vào công thức chế biến và hứa sẽ đến thăm các trại tiêu Kampot trong một ngày gần đây. “Nếu tiêu Kampot được dùng làm gia vị trong sản xuất phô mai ở châu Âu, thị trường cho mặt hàng này sẽ lớn vô cùng”, ông Sorasak nói.

Trước thông tin này, ông Nguon Lay, chủ tịch hiệp hội Tiếp thị tiêu Kampot (KPPA) cho biết, các nhà sản xuất tiêu Campuchia hoan nghênh “nỗ lực của ngài bộ trưởng”.

Năm 2017, theo ông Lay, Campuchia thu hoạch 102 tấn tiêu Kampot, nên cần tìm kiếm thị trường để xuất 70% sản lượng, phần còn lại bán ở thị trường nội địa dưới dạng hàng lưu niệm cho du khách.

“Thị trường lớn nhất của tiêu Kampot là EU, sau đó là Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan, và Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã xuất khẩu sang Thuỵ Sĩ, nhưng chỉ với số lượng nhỏ”, ông Nguon Lay cho biết thêm. Theo thống kê của KPPA, dù sản lượng mùa vụ 2017 giảm 26% so với năm trước, trong sáu tháng, từ tháng 1 – 7.2017, Campuchia xuất khẩu 45 tấn tiêu Kampot, 35 tấn còn lại đã có ba nước Trung Quốc, Đức và Pháp thương lượng để mua sỉ, ông Lay nói với phóng viên Phnompenhpost.com.

img

Nông dân bây giờ "cưng" tiêu lắm. Ảnh: T.L

Dẫn thông tin từ Khmer Times (tháng 12.2017), trên thị trường thế giới lúc đó, tiêu Kampot lần lượt có giá như sau: tiêu đen là 15 USD/kg, tiêu đỏ là 25 USD/kg, còn tiêu trắng là 28 USD/kg. Còn vào đầu năm 2017, theo tin từ AP, giá tiêu đỏ Kampot bán lẻ tại Đức là 463 USD/kg!

Giá tiêu Kampot, dù chất lượng như thế nào, khó có thể có được mức giá trên nếu như cách đây bốn năm Chính phủ Campuchia không tìm hướng đi mới cho giống tiêu bản địa Kampot nói riêng, và tiêu Campuchia nói chung.

Vào thời điểm đó, vì phụ thuộc vào thương lái Việt Nam, giá tiêu luôn thấp hơn giá tiêu Việt Nam. Trước tình cảnh trên, Chính phủ Campuchia đã xây dựng thương hiệu tiêu Campuchia thông qua hình ảnh dòng tiêu Kampot, quảng bá, tìm kiếm thị trường… như bộ trưởng Pan Sorasak đã làm!

Cũng cần nói thêm, để chất lượng hạt tiêu Kampot ổn định, muốn trở thành hội viên KPPA, nông dân phải cam kết đáp ứng nhiều tiêu chí: có ít nhất 100 trụ tiêu Kampot, tuân thủ các quy định và thực hành theo tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng tiêu Kampot, kiểm tra vườn tiêu…

Tiêu Việt Nam – nông dân tự lo!

Theo nhiều tài liệu về lịch sử cây tiêu ở Việt Nam, nhiều vùng đất của Việt Nam đã hình thành những giống tiêu bản địa nổi tiếng hàng trăm năm nay như: Vĩnh Linh (Quảng Trị), La Sơn (Pleiku, Gia Lai), Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)... thuộc nhóm tiêu sẻ với đặc trưng lá nhỏ.

Theo nhiều lão nông của vựa tiêu Chư Sê (Gia Lai), đã có lúc phát triển những giống tiêu địa phương trồng xen vào những vườn cây ăn trái như tạo môi trường “hoang dã tự nhiên” nhưng vì sản lượng thấp, không có mức giá riêng biệt vì không biết cách tiếp thị (như kiểu làm của ông bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak với dòng tiêu Kampot – PV)… nên chẳng mấy ai mạnh dạn làm!

Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch hội tiêu Chư Sê, đã từng nói: “Vận động bà con làm mô hình tiêu sạch, tiêu địa phương nhưng có mấy ai đủ sức để làm”. Còn theo ông Hoàng (Ia Blang, Chư Sê), chưa bao giờ thấy lãnh đạo huyện xuống thăm bà con trồng tiêu “sống chết” ra sao.

“Chúng tôi muốn sống thì cứ tự bươn chải từ giống, kỹ thuật cho đến đầu ra. Được giá có chút dư, còn giá như hiện nay thì nợ”, ông Hoàng nói với Thế Giới Tiếp Thị.

Tháng 6.2016, ông Hoàng cùng với 16 người bạn trồng tiêu trong xã tìm đến tận vùng tiêu ở tỉnh Kratie, Campuchia (giáp Bình Phước) để mua tiêu giống. “Kỹ thuật canh tác của họ không bằng chúng tôi, nhưng được chính quyền quan tâm dữ lắm. Không chỉ cho vay vốn mà còn tìm kiếm thị trường cho nông dân trồng tiêu,” ông Hoàng kể.

img

Những gốc tiêu hoang dã có năng suất hơn 10kg/trụ những ít ai chú ý. Trong ảnh: những trụ tiêu ở xã la vẽ (Chư Prông, Gia Lai).

Tiêu Việt Nam vừa thu hoạch xong vụ mùa 2018. Tại nhiều vựa tiêu như Chư Sê, Chư Puh (Gia Lai), Ea H’Leo, Buôn Hồ (Dăk Lăk), Gia Nghĩa (Dăk Nông), Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu)…, giá tiêu dao động từ 59.000 – 62.000đ/kg.

“Với giá đó mà mỗi trụ tiêu được 3 – 4kg thì đâu có chuyện. Bây giờ năng suất của nhiều vườn tiêu chỉ còn 0,7 – 1,2 tấn/ha. Mức giá đó chưa đủ tiền bơm nước”, ông Hoàng cung cấp thông tin. Cũng theo lão nông này, nhiều vườn tiêu bệnh đến 50% số trụ, có vườn chết sạch… Hàng loạt nông dân phải treo bảng “bán nhà”, trốn nợ ngân hàng, không ít hộ nông dân vay “nóng” để trồng tiêu giờ lâm vào cảnh “không còn mét vuông đất”!

Với 62,5% sản lượng tiêu toàn cầu (số liệu năm 2017), Việt Nam xứng danh là “thủ đô tiêu của thế giới”. Cứ có “số má”, ngôi thứ trên thị trường toàn cầu là đã đủ sướng rồi! Còn chuyện giá cả như thế nào, khi thị trường tự điều chỉnh cung – cầu sẽ có mức phù hợp.

Nhiều nông dân trồng tiêu cách đây 20 năm tại Chư Sê nói với Thế Giới Tiếp Thị, chắc họ sẽ chuyển sang trồng cỏ nuôi bò vì bao nhiêu năm nay giá thịt bò không thấy giảm, chưa kể họ còn bán được phân bò cho nhu cầu sản xuất rau củ hữu cơ! Một định hướng hợp lý.

Theo tổng cục Nông nghiệp Campuchia, diện tích tiêu phát triển nhanh từ năm 2014 trở về sau này. Năm 2011, Campuchia có 879ha tiêu, đến năm 2017 gần 7.000ha với sản lượng ước chừng 23.000 tấn. Giống tiêu chủ yếu là Kamcham và Kampot, Vĩnh Linh và Lộc Ninh của Việt Nam, gần đây là Sri Lanka của Ấn Độ.

 Hoàng Triều – Khởi Thức  (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem