Vì sao ngập lụt ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng?

Nguyễn Bình Chủ nhật, ngày 19/06/2022 07:07 AM (GMT+7)
Ngoài nguyên nhân mưa lớn gấp nhiều lần công suất thoát nước, theo các chuyên gia Hà Nội ngập lụt sâu do quy hoạch hạ tầng đang có nhiều bất cập.
Bình luận 0

Hà Nội ngập do nhiều dự án chậm tiến độ

Qua ba trận mưa đầu mùa cuối tháng 5 và ngày 13/6, Hà Nội xuất hiện hơn 100 điểm ngập lớn nhỏ khiến giao thông hỗn loạn. Nước tràn vào hầm chung cư, làm chết máy ô tô gây thiệt hại lớn, đảo lộn cuộc sống của người dân. 

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, hai trận mưa có cường suất vượt lịch sử, số liệu đo trạm Láng cho thấy cường độ mưa ngày 13/6 138mm trong 2 giờ; ngày 29/5 mưa 132,5mm vượt mức lịch sử năm 1986. Tuy nhiên, các báo cáo của thành phố chưa phản ánh đầy đủ mức độ thiệt hại. 

Vì sao ngập lụt ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng? - Ảnh 1.

Ngập lụt sau mưa lớn gây nhiều thiệt hại cho người dân thủ đô. Ảnh: Phạm Hưng.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát Nước Hà Nội cho hay, các trận mưa có lưu lượng đến 50mm/2 giờ, trên địa bàn thành phố không xảy ra các điểm ngập úng. Với các trận mưa có lưu lượng từ 50mm đến 100mm/2 giờ, hệ thống sẽ quá tải và xuất hiện các điểm ngập úng. Trên địa bàn có 11 điểm đen, đặc biệt các tuyến phố như: Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã 5 chợ Hàng Da, Cao Bá Quát, Thụy Khuê, Minh Khai, Đại lộ Thăng Long.

Theo đại diện Công ty Thoát Nước, nguyên nhân khiến nhiều tuyến phố ngập sâu, kéo dài do một số dự án thi công chậm, công trường dự án tồn tại trên đường, ở mương kênh, ao hồ kéo dài đang gây ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát nước khi mưa lớn.

Cụ thể, ngoài 2 dự án trọng điểm là đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Dự án xử lý nước thải Yên Xá đơn vị còn ghi nhận thực tế trên địa bàn thành phố còn 27 công trình thi công gây ảnh hưởng đến dòng chảy thoát nước. 

Bất cập trong quy hoạch thoát nước

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá những năm qua thành phố đã quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước như các trạm bơm tiêu úng, hồ điều hòa, song chưa đạt được hiệu quả. "Việc xây dựng trạm bơm, hệ thống tiêu thoát quá chậm mà tốc độ đô thị hóa quá nhanh tất yếu xảy ra tình trạng hệ thống thoát nước dù được cải tạo, nâng cấp vẫn không kịp đáp ứng", KTS Tùng phân tích. 

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói "không thể lúc nào cũng lấy lý do lượng mưa lớn để giải thích cho tình trạng ngập úng của thành phố". Theo GS Hồng, nhiều khu vực nội đô, phố cũ, hệ thống tiêu thoát nước vẫn được sử dụng từ thời Pháp thuộc, không đáp ứng được sự phát triển của đô thị mới. 

GS Hồng phân tích những điểm ngập úng như ngã tư Phan Bội Châu, ngã 5 chợ Hàng Da, Cao Bá Quát, Thụy Khuê... là những điểm cố hữu từ qua các năm. Tuy nhiên, đáng chú ý gần đây, thành phố xuất hiện các điểm ngập úng mới ở Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Nếu không đầu tư hợp lý, đây có thể là những điểm ngập nặng tiếp theo sau khu vực nội đô.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất thành phố cần ứng dụng công nghệ tính toán lượng mưa, cảnh báo sớm những điểm mưa lớn bất thường để giảm thiệt hại cho người dân. 




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem