Vì sao người Pháp nổi giận vì bị tăng tuổi hưu

Theo Zing Thứ sáu, ngày 17/03/2023 13:53 PM (GMT+7)
Việc người Pháp phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ nằm ở vấn đề phải lao động lâu hơn, mà còn bắt nguồn từ ý thức sâu sắc về những gì định nghĩa bản sắc dân tộc.
Bình luận 0
Vì sao người Pháp nổi giận vì bị tăng tuổi hưu - Ảnh 1.

Các cuộc thăm dò cho thấy người Pháp hoàn toàn phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Reuters.

Thứ Hai nhảy dây, thứ Ba làm album ảnh thủ công với bạn bè, thứ Tư chăm sóc hai đứa cháu. Thời gian biểu của bà Martine Mirville là minh họa cho việc nghỉ hưu ở Pháp.

Sau nhiều thập niên lao động, phần lớn trong vai trò thư ký, cuối cùng bà Mirville đã có thể dọn bàn làm việc, mua một căn hộ ở thị trấn ven biển Normandy - nơi con gái bà sinh sống - và bắt đầu giai đoạn tiếp theo trong đời.

“Tôi thức dậy mỗi sáng và cảm thấy mình thật may mắn khi được ở đây”, bà Mirville - 67 tuổi - cho biết trong thời gian nghỉ ngơi sau lớp thể dục sáng thứ Năm. Sau đó, bà nói một câu đã vang vọng khắp nước Pháp trong cuộc biểu tình năm nay: “Đây là thời gian để tận hưởng cuộc sống”.

Kể từ khi chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron ra kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, nước Pháp rung chuyển bởi các cuộc đình công và biểu tình, thu hút hàng triệu người xuống đường, không chỉ ở thủ đô mà còn tại các thị trấn và làng mạc khắp đất nước.

Chính phủ Pháp hôm 16/3 sử dụng các quyền hiến pháp đặc biệt để thông qua cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Ngay sau đó, hàng trăm người đã tụ tập biểu tình tại Place de la Concorde ở trung tâm thành phố, khi các công đoàn tuyên bố sẽ tăng cường đình công và biểu tình.

New York Times nhận định kế hoạch của chính phủ đã động chạm vào khía cạnh sâu sắc và nhạy cảm nhất trong xã hội Pháp. Pháp có lẽ là quốc gia trân trọng việc nghỉ hưu và tôn trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn mọi nước công nghiệp phương Tây.

"Cuộc sống không chỉ có công việc"

Sự gắn bó của người Pháp với nghỉ hưu rất phức tạp, liên quan tới lịch sử, bản sắc và niềm tự hào về các quyền lao động - xã hội khó khăn mới giành được. Mối liên hệ này khó mất đi, bất kể bao nhiêu lần chính phủ lập luận việc thay đổi hệ thống lương hưu là điều tất yếu do thực tế nhân khẩu học nước này đang phải đối mặt.

Được Hội đồng kháng chiến quốc gia đề xuất sau Thế chiến II, hệ thống hưu trí - cùng với chăm sóc sức khỏe quốc gia - là một phần của loạt biện pháp xã hội giúp gắn kết đất nước đang rạn nứt.

“Chúng được thiết kế để những người lao động tích cực trả lương cho thế hệ lớn tuổi, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, nên chúng tôi không muốn nhất thiết phải chống lại nhau”, Bruno Chrétien - Chủ tịch Viện Bảo trợ Xã hội Pháp - giải thích. “Nó xây dựng một kiểu xã hội hòa bình”.

Hiện tại, nước Pháp chứng kiến thế hệ baby boomer đã nghỉ hưu và sống lâu hơn nhiều so với thời hệ thống hình thành, trong khi động cơ của hệ thống - lực lượng lao động trẻ trả lương hưu cho họ - không theo kịp. Theo Cambridge, baby boomer là nhóm sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em, đặc biệt ở Mỹ hoặc Anh, khoảng 1945-1965.

Vì sao người Pháp nổi giận vì bị tăng tuổi hưu - Ảnh 2.

Ở Pháp, chỉ 4,4% người về hưu sống dưới mức nghèo khổ - một trong những mức thấp nhất trong nhóm 38 thành viên OECD. Ảnh: New York Times.

Các cuộc thăm dò cho thấy người Pháp hoàn toàn phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu.

“Chúng tôi có khả năng làm việc hiệu quả như người Mỹ. Nhưng đừng quên, cuộc sống không chỉ có công việc”, Hervé Bossetti - 58 tuổi, nhà quản lý tiền tệ - nói trong cuộc biểu tình ở Paris vào tháng trước, trong bộ đồng phục tù nhân và đeo tấm biển ghi: “Tù nhân của công việc”.

“Ở Pháp, chúng tôi tin có thời gian dành cho công việc, sau đó là thời gian để phát triển cá nhân”, ông nói thêm.

Ở Granville - thị trấn ở phía bắc nước Pháp, sức hấp dẫn của việc nghỉ hưu được thể hiện rõ ràng. Các nhà hàng, quán cafe, bảo tàng và nhà hát chật kín người cao tuổi - chiếm 45% dân số thị trấn.

“Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đứng trên sân khấu”, Catherine Iacovelli-Hamon - 62 tuổi - nói. Bà chuyển đến thị trấn khoảng ba năm trước, sau khi bán báo và thuốc lá ở Caen suốt 6 ngày/tuần trong 20 năm. Lương hưu của bà bằng khoảng 3/4 lương trước đó, đủ để đi du lịch, đến nhà hàng và nhà hát.

Sau Thế chiến II, chỉ 1/3 người sống được đến lúc nghỉ hưu. Ngay cả vậy, họ cũng chỉ nhận khoảng 20% mức lương trong vài năm trước khi qua đời.

Kể từ đó, lương hưu và tuổi thọ tại Pháp đều tăng vọt. Ngày nay, những người nhận mức hưu trí trung bình ở Pháp dư dả hơn so với dân số nói chung, nhận khoảng 75% thu nhập trong khi ít phải chi trả hơn.

Một người Pháp trung bình dành hơn 1/4 cuộc đời để nghỉ hưu. Phần lớn trong số này có trạng thái tinh thần tốt. Theo thống kê, những người sống đến 65 tuổi vào năm 2021 có thể mong đợi trung bình thêm 11-12 năm sống vui vẻ nữa.

Serge Guérin - giáo sư xã hội học chuyên về tuổi già tại Trường Cao đẳng Kinh doanh Iseec ở Paris - cho biết thay vì là khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi chết, nghỉ hưu giờ được coi là “buổi chiều của cuộc đời, khoảng thời gian may mắn”.

“Đó là thời điểm của sự tự do, tận hưởng thời gian với những đứa cháu, làm những gì bạn thích, đi du lịch, làm tình nguyện”, ông nói, cho biết thêm nhiều người coi nghỉ hưu là đền bù cho thời gian lao động trước đó. “Người Pháp tin làm việc là thời gian chờ đợi để có thể tận hưởng cuộc sống”.

Câu hỏi về danh tính?

Bộ luật lao động của Pháp quy định những người lao động làm trong điều kiện khắc nghiệt có thể nghỉ hưu sớm. Hiện chỉ có 15% người lao động Pháp được cộng điểm theo hệ thống này.

Những điều này không thể hiện được áp lực quá mức đang đè nặng lên người lao động Pháp. Các nhà nghiên cứu cho biết văn hóa làm việc của Pháp chủ yếu vẫn phân cấp thứ bậc và ngày càng căng thẳng.

Một nghiên cứu của Bertrand Martinot - nhà kinh tế học tại Viện Montaigne - cho thấy phần lớn người Pháp hài lòng với công việc, nhưng hầu hết cũng thấy công việc quá nặng nhọc, còn gần một nửa nói 62 tuổi nghỉ hưu là quá muộn.

Ông Martinot cho rằng khi thay đổi tuổi nghỉ hưu, nhà nước đang phá vỡ lời hứa bất thành văn với người lao động.

“Đây như một loại hợp đồng ký kết với nhà nước. Mọi người chấp nhận làm việc cường độ cao và mức lương thấp, nếu họ được nghỉ hưu lâu và có chất lượng cuộc sống tốt”, ông nói.

Ông Chrétien đưa ra giả thuyết khác: Hệ thống bảo trợ xã hội của Pháp xây dựng sau Thế chiến II xuất hiện vào thời điểm mà vị thế siêu cường quốc tế của Pháp bị Mỹ lấn át.

Do đó, hệ thống bảo trợ xã hội “trở thành yếu tố của niềm tự hào dân tộc”.

“Chúng tôi không mạnh bằng, nhưng chúng tôi có thứ những người khác không có - hệ thống bảo trợ xã hội tốt nhất trên thế giới”, ông nói.

Hệ thống lương hưu là bộ phận lớn nhất trong hệ thống đó. “Theo cách nào đó, người Pháp nhận thấy hoãn tuổi nghỉ hưu là dấu hỏi rất lớn về danh tính của họ”, ông Chrétien nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem