Vì sao nhiều làng quê ở Hà Tĩnh được ví là "nơi đáng sống"?

Dương Thị Ngân Thứ ba, ngày 11/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đã có sự thay đổi lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Mạng lưới giao thông được mở rộng, bê tông hóa, điện thắp sáng khắp các làng quê... Những miền quê lam lũ ngày nào, nay đã trở thành "miền quê đáng sống".
Bình luận 0

Đời sống người dân được nâng lên tầm cao mới 

Tính đến cuối tháng 9/2019, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. 

Theo đó, bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí nông thôn mới (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010); có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75,5% tổng số xã). Toàn tỉnh không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng/năm.

Vì sao nhiều làng quê ở Hà Tĩnh được ví là "nơi đáng sống"? - Ảnh 1.

Các vùng nông thôn Hà Tĩnh thực hiện tốt việc thu gom rác nên môi trường rất trong lành. Ảnh: T.L

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang là vấn đề vô cùng cấp thiết đặt ra cho Hà Tĩnh. Với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh nông thôn Hà Tĩnh khoảng 700 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom xử lý đạt 70%, lượng nước thải khoảng 83.000m3/ngày đêm, nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định. 

Hệ thống thoát nước thải của nhiều xã chưa được quan tâm đầu tư. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý nước thải chưa cao. Hiện, rác thải sinh hoạt nông thôn chủ yếu phát sinh từ 3 nguồn chính: rác thải sinh hoạt hàng ngày, rác thải từ sản xuất trồng trọt, chất thải chăn nuôi. 

Rác thải sinh hoạt: Mỗi ngày lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 700 tấn. 

Về trồng trọt, diện tích cây ngắn ngày là 155.915 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 98.674 ha. Hằng năm phát thải một lượng phụ phẩm xấp xỉ 700.000 tấn, chủ yếu là rơm rạ. Hiện mới chỉ sử dụng khoảng 60% làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, chất độn chuồng, tủ gốc. Số còn lại đang bị đốt hoặc bỏ gây lãng phí nguồn tài nguyên và phát thải khí nhà kính. 

Hiện toàn tỉnh có khoảng 122.821 hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò nằm trong các khu dân cư, phần lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải đúng quy định. Tổng khối lượng chất thải sẽ thải ra trên 1 triệu tấn/năm nhưng chỉ có khoảng 60% được xử lý. 

 Nước thải sinh hoạt nông thôn: Chủ yếu phát sinh từ các nguồn như nước thải sinh hoạt hàng ngày, nước thải chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làng nghề, cơ sở giết mổ tập trung…. Hiện có hơn 30 cơ sở giết mổ tập trung nhưng chỉ có khoảng 65% gia súc, gia cầm được đưa vào giết mổ. Tình trạng giết mổ không theo quy định đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường. 

Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, 4 Công ty môi trường đô thị thực hiện thu gom tại địa bàn thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh và huyện Nghi Xuân. Tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Có 3 lò đốt chất thải sinh hoạt đang hoạt động với công suất mỗi lò từ 08-10 tấn/ngày.  

Vì sao nhiều làng quê ở Hà Tĩnh được ví là "nơi đáng sống"? - Ảnh 2.

Một góc nông thôn mới Hà Tĩnh. Ảnh: KHCN

Thực hiện phân loại rác, biến chất thải hữu cơ thành phân bón 

Mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý rác thải, tuy nhiên chi phí đầu tư hệ thống xử lý thu gom nước thải tập trung cao và phải có kỹ thuật vận hành và kinh phí duy trì hàng năm. 

Công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mô hình, việc tái chế, tái sử dụng chưa được chú trọng. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn còn thấp, dẫn đến lượng rác thải tập trung về các điểm tập kết và các điểm xử lý cao, gây quá tải cho các điểm tập kết, bãi rác. 

Trước thực trạng đó, Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nghiên cứu đề tài "Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư", trong đó rác thải sinh hoạt được thu gom, phân loại tại chỗ, nước thải sinh hoạt thí điểm thực hiện các hình thức theo phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn. 

Để xử lí chất thải hữu cơ có trong rác và nước thải sinh hoạt, đề tài ứng dụng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế lượng rác thải thu gom xử lý tập trung, tái sử dụng rác thải làm phân bón. 

Việc phân loại xử lý rác thải tại nguồn tại nông thôn Hà Tĩnh có thể thực hiện theo 2 hình thức: Phân loại và xử lý tại hộ gia đình hoặc theo hình thức tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy.

Sau khi phân loại rác, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh với khối lượng lớn, lượng phân bón này sẽ phục vụ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, hạn chế được ô nhiễm môi trường chăn nuôi ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái, chuỗi thức ăn và sức khỏe con người.

Hiện các địa phương xây dựng NTM trên toàn tỉnh đã và đang thực hiện trên diện rộng các biện pháp thu gom xử lý chất thải tại nguồn đạt hiệu quả cao, góp phần vào xây dựng NTM ngày càng văn minh sạch đẹp. Trong đó, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt đang phát huy hiệu quả cao.

Kết quả bước đầu của việc xây dựng mô hình thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình cho thấy có nhiều khả quan: Nước thải đầu ra sau xử lý trong hơn, mùi hôi thối giảm rõ rệt; Các hộ dân được xây dựng mô hình rất tâm đắc thực hiện xây dựng mô hình xử lý nước thải.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ và giải pháp công nghệ phù hợp. Xây dựng các mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng. 

"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem