Chuyện lạ ở Lai Châu: Rủ nhau đi… xin rác, làm ra thứ khiến ai cũng bất ngờ

Hà Thuận Thứ hai, ngày 10/08/2020 06:05 AM (GMT+7)
Từ hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) “Vệ sinh môi trường” trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã góp phần xây dựng bản, xã nông thôn mới xanh - sạch - đẹp và tiết kiệm, nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Tận dụng tối đa rác thải

Cùng chúng tôi đi trên những con đường nội bản phong quang, sạch sẽ của xã Mường Cang, chị Lò Quỳnh Thơm – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tự hào nói: Ngày trước, ở các bản, nhiều hộ bỏ rác lung tung, không xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ khi xây dựng mô hình "Gia đình 5 không, 3 sạch”, từ cảnh sắc đến tư duy, nhận thức của hội viên, phụ nữ nơi đây đã thay đổi. Đường, ngõ bản vệ sinh sạch sẽ, rãnh thoát nước được khơi thông, bờ rào thường xuyên được phát dọn gọn gàng. 

Ngoài giữ sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, các chi hội phụ nữ xã Mường Cang còn thi đua thực hiện tốt “5 không”: Không có hộ đói nghèo, không xảy ra tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và không có người sinh con thứ 3. Đến nay, Hội LHPN xã đã có trên 100 gia đình hội viên đạt các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch".

Chuyện lạ ở Lai Châu: Chị em rủ nhau đi… xin rác, làm gạch tái chế - Ảnh 1.

Ở xã Mường Than, việc giữ gìn vệ sinh môi trường được hội viên, phụ nữ và dân bản thường xuyên thực hiện vào ngày cuối tuần. Ảnh: L.C

Trước đó, vào tháng 7/2019, Ban quản lý dự án CWS huyện Than Uyên phối hợp với Hội LHPN huyện thành lập tại 3 xã: Tà Mung, Phúc Than, Mường Kim được 25CLB "Vệ sinh môi trường" với trên 1.000 hội viên là phụ nữ tham gia (do Tổ chức phi Chính phủ Church World Service/Mỹ -CWS tài trợ).

Các CLB có nhiệm vụ vận động các hộ gia đình: Thu gom phân loại xử lý rác thải, đặc biệt là túi nylon, rác thải nhựa và vỏ bao bì thực vật; lắp đặt và sử dụng bể lọc cát sinh học đúng cách; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý nguồn phân gia súc, gia cầm; phát động và duy trì vệ sinh thôn, bản hàng tuần…

Bà Lương Thị Tý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Than Uyên cho biết: Để hỗ trợ cho các CLB hoạt động hiệu quả, Hội LHPN huyện phối hợp với cán bộ của Tổ chức CWS tiến hành truyền thông, hướng dẫn hội viên phụ nữ các xã cách phân loại rác thải ngay tại gia đình với 3 thùng chứa 3 màu khác nhau; thu gom các túi nylon, vỏ bao bì thực vật làm gạch sinh thái để xây dựng ghế ngồi ở trụ sở xã, nhà văn hóa bản, xây tường bao nhà văn hóa, làm đường hoa…

Cuối năm 2019, Hội LHPN huyện Than Uyên phối hợp với Tổ chức CWS và Ban quản lý dự án CWS huyện Than Uyên tổ chức "Ngày hội vệ sinh môi trường" tại 3 xã. Tại ngày hội, các CLB "Vệ sinh môi trường" làm các sản phẩm như: Tủ đựng tài liệu, bộ bàn ghế, lọ hoa… từ những chai gạch sinh thái, túi nylon, vật phẩm bỏ đi. Qua đó, nâng cao nhận thức của hội viên trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường nông thôn.

Chuyện lạ ở Lai Châu: Chị em rủ nhau đi… xin rác, làm gạch tái chế - Ảnh 2.

Rác thải nhựa được bà con bản Nà Phái, xã Phúc Than (huyện Than Uyên) tái chế thành gạch sinh thái xây tường bao nhà văn hóa. Ảnh: Hà Tĩnh

Trong chuyến công tác lần trước tại xã Tà Mung, chúng tôi ấn tượng với những lọ hoa được làm bằng túi nylon rất cầu kỳ, đẹp mắt và tủ đựng tài liệu đầy màu sắc do hội viên phụ nữ CLB "Vệ sinh môi trường" của các bản làm. Còn tại xã Phúc Than, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khuôn viên của trụ sở UBND xã; những gốc cây xanh, khu vườn trồng hoa lạc được tô điểm thêm những màu sắc lấp lánh của viên gạch sinh thái.

Chủ động "xin rác"

Dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa của bản Nà Phái - bản đầu tiên của xã sử dụng gạch sinh thái để xây dựng tường bao nhà văn hóa, cổng chào và ghế ngồi, đồng chí Đỗ Thị Nhâm - Bí thư Chi bộ bản Nà Phái phấn khởi: Suốt mấy tháng qua, tôi và các hội viên phụ nữ trong CLB "Vệ sinh môi trường" bản tích cực thu gom rác thải, túi nylon làm được 3.000 viên gạch sinh thái để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa.

Nhờ làm gạch sinh thái, bản tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng so với mua gạch đỏ; hơn nữa, nhà văn hóa trông đẹp hơn, rực rỡ sắc màu hơn. Ngoài ra, tôi thấy ý thức của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tốt hơn.

Từ 25 CLB "Vệ sinh môi trường" ban đầu, đến nay, toàn huyện Than Uyên có 36 CLB với gần 1.500 hội viên. Được biết, thời gian qua, Hội LHPN huyện phối hợp với Ban quản lý dự án CWS tổ chức 36 buổi truyền thông thu gom phân loại xử lý rác thải tại 36 CLB của 5 xã thu hút 2.343 người tham gia; tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho 25 cán bộ Hội LHPN huyện, xã và các chi hội trưởng; hướng dẫn sử dụng và bảo quản 216 bể lọc cát sinh học (Biosand) tại 3 xã: Mường Kim, Phúc Than, Tà Mung cho 1.395 người.

Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Than cho biết: Các CLB "Vệ sinh môi trường" của xã thường xuyên tổ chức đi thu gom rác thải ở các tuyến đường trục bản, quốc lộ, vừa làm sạch đường, vừa có nguyên liệu để làm gạch sinh thái. Nhiều khi, hội viên còn chủ động vào các quán tạp hóa để "xin rác" (túi nylon, vỏ hộp bánh kẹo, vỏ chai nhựa) về làm gạch.

Từ mô hình “Gạch sinh thái” được Hội LHPN Than Uyên triển khai thành công trong năm 2019, đến nay nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn huyện đã nâng cao ý thức, hạn chế tối đa việc sử dung túi nilon bằng cách thu gom túi nilon, chai nhựa đã qua sử dụng để làm gạch sinh thái. 

Từ viên gạch sinh thái, các hội viên xây dựng thành bộ bàn ghế uống nước, tủ trưng bày tài liệu, lọ hoa để bàn vừa đẹp mắt vừa thân thiện với môi trường.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem