Một nông dân Sóc Trăng thu hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thứ đu đủ ruột vàng như nắng

Thứ hai, ngày 03/04/2023 12:55 PM (GMT+7)
Sau thời gian thử nghiệm và nhân rộng, mô hình trồng đu đủ ruột vàng Long An của gia đình anh Nguyễn Văn Thức ở ấp Phương Hòa 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã cho hiệu quả kinh tế tốt.
Bình luận 0

Loại đu đủ ruột vàng này giúp gia đình anh Nguyễn Văn Thức ở ấp Phương Hòa 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng)nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đây cũng được xem là một trong những loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.

Diện tích thực hiện mô hình đu đủ ruột vàng trước đây được gia đình anh Thức trồng cam, quýt. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do đất không còn thích hợp trồng loại cây này nữa, giá cả đầu ra bấp bênh nên anh có ý định phá bỏ vườn cam, quýt để trồng cây khác. 

Trong một lần, anh biết đến mô hình trồng đu đủ ruột vàng trên phương tiện truyền thông. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, anh thấy loại cây trồng này không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, tốn ít công chăm sóc, giá cả khá ổn định. 

Đầu năm 2018, sau khi nắm vững những kiến thức, anh bắt đầu trồng thử nghiệm hơn 300 gốc cây đu đủ ruột vàng Long An trên diện tích 1.000m2.

Một nông dân Sóc Trăng thu hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thứ đu đủ ruột vàng như nắng - Ảnh 1.

Mô hình trồng đu đủ ruột vàng của anh Nguyễn Văn Thức ở ấp Phương Hòa 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: QUỐC TUẤN

Anh Thức cho biết, đu đủ ruột vàng Long An dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng 7 tháng và hái trái kéo dài đến 4 tháng sau. Trọng lượng trái trung bình từ 1,5 - 2kg, nếu trồng đạt, mỗi cây có thể cho năng suất từ 20 - 25kg, tương đương hơn 7 tấn/công. 

Theo anh Hùng, để trồng đu đủ đạt hiệu quả kinh tế cần làm đất kỹ trước khi trồng và chú ý khâu chăm sóc, phân bón cho cây. Người trồng cũng phải chú ý bổ sung các loại phân dưỡng lá, nuôi bông, dưỡng trái… 

Thông thường, cây đu đủ dễ mắc bệnh rệp sáp, nhện đỏ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Đặc biệt, đu đủ là loại cây cần nhiều nước nhưng rất sợ úng, do đó, cần cung cấp đầy đủ nước cho cây vào mùa nắng và thoát nước tốt cho cây vào mùa mưa hoặc khi bị ngập nước.

Sau 1 năm chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Hùng đã có những đợt thu hoạch khá trên vườn đu đủ. Cây đu đủ ruột vàng Long An cho trái to, vỏ bóng và nặng ký, dễ tiêu thụ. Khi chín, đu đủ có ruột vàng, dày cơm, ít hạt, vị ngọt thanh, được người tiêu dùng ưa thích. 

Thương lái đến tận vườn thu hoạch, quả chín không phân biệt trái to hay nhỏ đều thu mua hết, tự đóng gói và chuyên chở, gia đình không tốn thêm bất kỳ chi phí nào khác.

Hiện nay, gia đình anh Thức đã mở rộng diện tích canh tác hơn 0,7ha với trên 2.200 gốc đu đủ ruột vàng đang cho trái rộ. Khoảng 4 - 5 ngày thu hoạch một lần, năng suất bình quân khoảng 2 tấn trái/lần. Giá bán hiện tại 7.000 đồng/kg (cao hơn 2.000 đồng so vụ trước), lợi nhuận mỗi năm sau khi trừ chi phí còn khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Ông Đặng Minh Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: "Chính quyền xã Hưng Phú đang khuyến khích các hộ dân, các thành phần kinh tế đầu tư vào xây dựng các mô hình sản xuất đa dạng, phong phú, sản phẩm chất lượng cao, có thị trường rộng lớn, xây dựng hệ thống bao tiêu sản phẩm và mở ra các đầu mối để sản phẩm hàng hóa tiêu thụ nhanh, không bị ép giá. 

Phát huy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây đu đủ ruột vàng Long An, trong thời gian tới, xã tiếp tục nghiên cứu nhân rộng, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, nhất là tại những vườn tạp; đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến nông dân để sản xuất mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Quốc Tuấn (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem