Vì sao nông dân Long An buồn, vui lẫn lộn khi giá lúa tăng chưa từng thấy trong 10 năm qua?
Vì sao nông dân Long An buồn, vui lẫn lộn khi giá lúa tăng chưa từng thấy trong 10 năm qua?
Thứ hai, ngày 19/12/2022 07:17 AM (GMT+7)
Thời điểm này, giá lúa tăng cao kỷ lục trong 10 năm qua, nông dân Long An phấn khởi vì "được mùa, trúng giá" nhưng không ít người tiếc nuối vì lỡ nhận trước tiền cọc của “cò” lúa với giá thấp.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá Nếp IR4625 từ 7.800-7.900 đồng/kg, IR50404 từ 6.400-6.500 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 6.800-6.900 đồng/kg, lúa ST24 từ 7.700-7.800 đồng/kg. Giá lúa năm nay được xem là cao kỷ lục trong 10 năm qua.
Ông Đỗ Văn Hùng (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vừa thu hoạch xong 7.000m2 lúa vụ Thu Đông, giống Đài thơm 8, bán với giá 6.500 đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, ông lãi 16 triệu đồng. Lãi ít do mưa nhiều ảnh hưởng đến năng suất lúa, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, hơn nữa, ông nhận cọc sớm nên bán với giá thấp hơn hiện tại 300 đồng/kg.
Nông dân huyện Tân Thạnh tận dụng đê bao khép kín, chủ động bơm nước lũ ra khỏi đồng để gieo sạ sớm lúa Đông Xuân. Hiện nay, phần lớn diện tích trà lúa được 60-70 ngày tuổi, trong đó, có một số diện tích chuẩn bị thu hoạch.
Khi vừa ngâm giống nếp IR4625, ông Đinh Văn Thanh (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) đã được "cò" đặt cọc mua với giá 6.250 đồng/kg. Thấy có lãi, ông đồng ý nhận cọc. Nhưng hiện nay, giá nếp IR4625 từ 7.800-7.900 đồng/kg, cao hơn lúc nhận cọc khoảng 1.505 đồng/kg. Nhẩm tính, với 5ha nếp IR4625, năng suất 9 tấn/ha, phần chênh lệch lợi nhuận trên 65 triệu đồng. Nhiều nông dân tiếc nuối vì sự chênh lệch quá lớn này.
Ông Thanh trải lòng: “Trước giờ làm ruộng, giá lúa ít khi nào được 6.000-6.200 đồng/kg nên khi "cò" đặt cọc 6.250 đồng/kg, tôi nhận liền, ai ngờ giá lúa lên đến 7.800-7.900 đồng/kg. Nông dân cũng thương lượng với “cò” lúa xin lên giá mà họ chưa chịu”.
Xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) có 2.600ha lúa Đông Xuân sớm, trong đó, có 400ha, nông dân nhận cọc từ rất sớm.
Phần lớn thỏa thuận mua bán giữa nông dân và “cò” lúa là “giá chết”, không theo diễn biến của giá cả thị trường. Điều này khiến nông dân phải chịu thiệt thòi.
Trưởng ấp Hiệp Thạnh, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh - Lê Thị Minh Thi cho biết: “Hiện ấp có 224ha lúa Đông Xuân sớm, trong đó, trên 90% nông dân đã nhận cọc bán nếp IR4625 với giá 6.200 đồng/kg, ước chênh lệch thiệt hại 10 triệu đồng/ha. Hiện chúng tôi liên hệ “cò” lúa để thương thảo, tăng giá cho nông dân nhưng vẫn chưa có kết quả”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh - Huỳnh Thanh Phong, khi giá lúa xuống thấp hơn giá đặt cọc, “cò” sẽ không nhận lúa đúng ngày mà "neo" lúa ngoài ruộng để kỳ kèo nông dân hạ giá, nếu nông dân không đồng ý, họ sẵn sàng bỏ cọc.
Còn khi giá lúa tăng, “cò” thường không chia sẻ phần chênh lệch với nông dân, nếu có cũng rất ít. Vụ Đông Xuân này, nông dân trên địa bàn xã gieo sạ hơn 2.600ha lúa, trong đó, khoảng 400ha, nông dân nhận cọc sớm với giá bán nếp IR4625 là 6.200 đồng/kg. Khi giá lúa tăng, thương lượng với “cò” lúa chia đôi số tiền chênh lệch thì họ không đồng ý”.
Chị V.N.H. (“cò” lúa, huyện Đức Hòa) cho biết: “Hàng năm, tôi đứng ra làm trung gian mua trên 3.000 tấn lúa cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu vụ, tôi đi làm hợp đồng đặt cọc, sau đó báo lại với doanh nghiệp.
Khi nông dân muốn tăng giá nhưng doanh nghiệp không đồng ý, tôi cũng không biết làm sao để hài hòa lợi ích giữa hai bên. Còn khi giá lúa xuống thấp, tôi cũng thương lượng xin hạ giá cho doanh nghiệp”.
Rút kinh nghiệm thiệt thòi từ những lần trước, vụ này, ông Nguyễn Hoàng Ai (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) không nhận cọc bán lúa với giá 5.800 đồng/kg, giống OM18, hiện giá lúa tăng thêm 1.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Ai nói: “Mấy năm trước, lúa trổ, “cò” mới đến đặt cọc. Riêng vụ lúa này, chưa sạ mà “cò” đã chủ động đến đặt vấn đề, thấy bất thường nên tôi quyết định không nhận tiền cọc”.
Liên kết sản xuất để bảo vệ lợi ích cho nông dân
Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phát Lộc (ấp Nguyễn Bảo, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) được thành lập với 35 thành viên, sản xuất 150ha lúa.
Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Lộc luôn bảo đảm quyền lợi cho thành viên qua việc liên kết với doanh nghiệp.
Để bảo đảm quyền lợi cho thành viên HTX, Ban Giám đốc ký kết với Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu đầu ra, đầu vào, trong đó, giá lúa thu mua bằng hoặc cao hơn thị trường khi thành viên HTX sản xuất đúng theo chuẩn châu Âu.
Đại diện HTX Nông nghiệp Phát Lộc - Lê Thanh Sơn cho biết: “Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu 150ha lúa của các thành viên với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg, khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch sẽ báo giá.
Khi tham gia HTX, nông dân được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, đầu vào. Ngoài 150ha lúa liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, HTX còn mở rộng liên kết 400ha với các nông dân khác trên địa bàn xã, thu mua với giá bằng hoặc cao hơn thị trường”.
Ông Ngô Thanh Vũ (thành viên HTX) sản xuất 2ha lúa và được HTX bao tiêu đầu vào, đầu ra. Ông Thanh Vũ nhẩm tính: "Với 2ha nếp IR4625, sau khi trừ chi phí sản xuất từ 24-25 triệu đồng/ha, tôi còn lãi gần 90 triệu đồng. Đây là vụ mùa đạt lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua. Tham gia HTX, nông dân được hưởng nhiều lợi ích, không còn chịu cảnh thương lái, “cò” lúa ép giá”.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Mười cho biết: “Toàn xã có trên 3.000ha lúa, trong đó, có 2.200ha lúa Đông Xuân gieo sạ sớm, chuẩn bị thu hoạch, số còn lại thu hoạch sau tết.
Đa số những diện tích lúa Đông Xuân sớm được bao tiêu đầu ra đều nằm trong HTX. Nhiều nông dân không tham gia HTX mà nóng vội nhận cọc khi lúa còn non, chắc chắn qua vụ này sẽ rút kinh nghiệm. Hy vọng, họ sẽ mạnh dạn tham gia HTX, liên kết sản xuất trong thời gian tới”.
Sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông dân không nên "mạnh ai nấy làm" mà cần phải tham gia liên kết để hình thành vùng nguyên liệu lớn, hướng đến xuất khẩu, nhất là tránh tình trạng bị “cò” lúa, thương lái ép giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.