Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể với 142 phiếu tín nhiệm cao, 221 phiếu tín nhiệm, 107 phiếu tín nhiệm thấp, xếp vị thứ 47 trong số 48 người được lấy phiếu kỳ này. (Ảnh: TTXVN).
Cách đây ít giờ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể với 142 phiếu tín nhiệm cao, 221 phiếu tín nhiệm, 107 phiếu tín nhiệm thấp, xếp vị thứ 47 trong số 48 người được lấy phiếu kỳ này.
Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4.6.2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ít nhất đã có 3 lần nói “xin lỗi”, nhận trách nhiệm về các yếu kém của ngành giao thông, việc đường sắt chỉ có 3 dòng trong báo cáo, và một loạt tai nạn tàu hỏa xảy ra trong ít ngày.
Cao tốc 34.000 tỷ chi chít “ổ voi”, vừa thông xe đã hỏng
Hình ảnh cao tốc 34.000 tỷ (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) với những “ổ voi”, “ổ gà” xuất hiện trên mặt đường chỉ sau 1 tháng thông xe đã liên tục xuất hiện trên báo chí trong suốt gần 3 tuần qua.
Đặc biệt tại các km 26, 27, 28, 29 (thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, km 40, 45 (thuộc Quảng Nam). Có những đoạn, đường bị hư hỏng cả đoạn dài. Nhiều vị trí bong tróc dài 50cm, sâu khoảng 5cm đã khiến nhiều tài xế lái xe đường dài, người dân lưu thông trên cao tốc cảm thấy khó chịu, bất an khi đi qua những vị trí hư hỏng.
Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Ảnh: I.T)
Song phải tới 11.10, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, yêu cầu tỉnh Quảng Nam và Bộ GTVT báo cáo về tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hư hỏng, chi chít “ổ gà”.
Lúc này, khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo, dư luận mới nắm được thông tin, Bộ GTVT đã cử một đoàn công tác trực tiếp vào giám sát hư hỏng tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoàn công tác sẽ có báo cáo về, căn cứ vào đây kết quả Bộ GTVT sẽ có giải pháp xử lý.
Cùng ngày 11.10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bộ GTVT yêu cầu VEC tạm dừng thu phí toàn tuyến từ 0h ngày 12.10, để khắc phục triệt để các hư hỏng. Báo cáo Bộ GTVT sau khắc phục để kiểm tra, trước khi thu phí trở lại.
Ngày 16.10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi chi chít “ổ voi”, vừa thông xe đã hỏng (Ảnh: I.T)
Liên quan tới dự án này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng tỏ ra bức xúc: “Dự án cao tốc 34.000 tỷ vừa thông xe đã hỏng, chỉ tuyên bố là đã có chỉ đạo chỉ rút kinh nghiệm thì nhẹ quá. Cứ rút kinh nghiệm liên tục như vậy, căn bệnh của đầu tư công không thể rút được”.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị đánh giá lại chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là công trình đầu tư công khi dẫn chứng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi là tại sao các công trình giao thông và công trình đầu tư công xuống cấp nhanh đến vậy? Có hay không chuyện rút ruột công trình? Có phải chất lượng thi công công trình không đúng với yêu cầu thiết kế? Thử hỏi ở nước nào đường cao tốc nhanh hỏng như nước ta?”, bà Nga nêu hàng loạt câu hỏi.
BOT giao thông và điệp khúc “vỡ trận, xả trạm”
Năm 2017, ngành giao thông cũng từng chứng kiến 3 lần "vỡ trận" của trạm BOT Cai Lậy và hình ảnh “vỡ trận”, “xả trạm” liên tục xuất hiện tại nhiều trạm BOT trên khắp cả nước.
Thậm chí, tới đầu tháng 10.2018, gần 6 tháng kể từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT vẫn chưa chốt được phương án xử lý đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Năm 2017 chứng kiến 3 lần "vỡ trận" của trạm BOT Cai Lậy, (Ảnh minh họa)
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc huy động BOT là một kênh thu hút vốn đầu tư và việc làm đường tránh Cai Lậy trên cơ sở là Quốc lộ 1 đi qua khu vực đó không hiệu quả, vì vậy phải làm đường tránh và làm cả hệ thống tăng cường thoát nước mặt đường của Quốc lộ 1 cũ.
"Do đó buộc phải thu phí để hoàn vốn. Việc này cũng đã được Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng kết từ năm 2016 đánh giá nguồn lực đầu tư BOT là không trái pháp luật vì theo Nghị định 108 thực hiện Luật Đầu tư, vẫn có thể thu hút các nguồn vốn để đầu tư.
Hơn nữa, việc các nhà đầu tư bỏ nguồn vốn ra để đầu tư thì chúng ta phải thu phí để hoàn vốn. Thậm chí, chúng ta đã đưa ra phương án là Nhà nước có thể mua lại nhưng chúng tôi đã so sánh rồi, Nhà nước không có tiền mua và chúng ta phải kêu gọi vốn. Họ đã đầu tư thì xác định nguyên tắc là phải thu hồi vốn, đánh giá tác động và chọn phương án phù hợp nhất với điều kiện.
"Theo so sánh, đặt 2 trạm ở 2 tuyến, tuyến ở Quốc lộ 1 cũ hoặc tuyến ở đường tránh, thu cho phần nào hoàn vốn rồi sẽ dỡ trạm đó. Sau khi làm việc với Tiền Giang, tỉnh đề xuất phương án đặt 2 trạm để đảm bảo tính công bằng hơn", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: I.T)
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hình thức BOT (hợp đồng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đang có nhiều điều không ổn, và nếu không xử lý sớm thì bất ổn sẽ xảy ra.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng bày tỏ sự bức xúc: "Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được".
Thứ hai là không thể "cân điêu" cho người dân được. Anh đặt trạm BOT ở đó, người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn đặt trạm thu phí.
"Mỗi lần người ta đi qua, anh thu tiền của người ta, tức là anh đang "cân điêu" cho người dân; chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó", ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho rằng, phải có rõ ràng, minh bạch. “Đường mà tráng lại trên Quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó”.
GS. TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT
Còn GS. TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nêu lên thực trạng: “Khi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, có dự án BOT phải giảm thời gian thu phí hàng chục năm. Rồi có tình trạng trạm BOT hôm nay thu phí thế này, hôm sau dân kêu lại giảm phí xuống thì rõ ràng cơ chế quản lý kinh tế về dự án của Việt Nam không chặt chẽ. Nhà đầu tư BOT luôn mong muốn kiếm lời, giá công trình càng cao, thời gian thu phí sẽ càng dài, mức thu phí càng cao”.
Theo ông Khuê, lỗ hổng là Nhà nước không đấu thầu tư vấn, thiết kế mà để việc đó cho chủ đầu tư BOT làm. Trong khi đơn vị được thuê tư vấn, thiết kế lại được hưởng chi phí theo tỉ lệ phần trăm tình trên giá trị công trình BOT.
Với BOT, không nên giao chủ đầu tư toàn quyền quyết định, lựa chọn từ A tới Z. Phải làm thế nào để tách bạch từng khâu ra, cơ quan tư vấn và thiết kế phải độc lập với nhà đầu tư.
Giai đoạn thiết kế công trình BOT, Nhà nước có thể bỏ tiền thuê thiết kế, rồi mang hồ sơ công trình BOT đi thẩm định giá, cuối cùng mới tiến hành đấu thầu. Không nên giao trọn gói mọi công đoạn của công trình BOT cho chủ đầu tư BOT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.