Vì sao SCIC chưa dám “chốt” giá bán cổ phần Vinamilk?

Hoàng Thắng Thứ hai, ngày 16/10/2017 16:09 PM (GMT+7)
SCIC sẽ bán tiếp 3,33% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào ngày 10.11 tới, song mức giá khởi điểm của số cổ phần này vẫn chưa được quyết định. Mức giá 154.000 đồng/cổ phiếu mà Ban đổi mới từng đưa ra cũng chỉ là dự kiến.
Bình luận 0

img

SCIC sẽ bán tiếp 3,33% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào ngày 10.11 tới

Sáng 16.10, tại buổi họp công bố thông tin liên quan đến việc triển khai bán 3,33% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do SCIC làm đại diện chủ sở hữu, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC chia sẻ, việc bán cổ phần của SCIC tại Vinamilk dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10.11. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm lần bán vốn trước, SCIC sẽ chỉ công bố giá khởi điểm trước phiên đấu giá từ 7 - 10 ngày.

Lý giải điều này, ông Chi cho biết: “Là kinh nghiệm được rút ra từ đợt chào bán cổ phần năm 2016 của Vinamilk. Ban lãnh đạo SCIC đã xem xét, tính toán cho đợt chào bán năm nay. Chúng tôi sẽ sớm công bố quy chế của đợt chào bán này nhưng trong công bố thông tin chưa có giá khởi điểm để các nhà đầu tư có thời gian tìm hiểu thêm.

Về giá khởi điểm, hiện tại chúng tôi vẫn chưa chốt giá. Chúng tôi dự kiến công bố cách ngày đấu giá khoảng 7 – 10 ngày để giá khởi điểm sẽ sát nhất với giá thị trường và không làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Vinamilk giai đoạn này.

Đây cũng là kinh nghiệm từ lần bán vốn trước mà chúng ta rút được ra. Còn về mức giá 154.000 đồng mà ban đổi mới từng dự kiến thì thực ra cũng chỉ là mức dự kiến mà thôi. Để có mức giá chính thức thì nhà đầu tư cần chờ đợi đến sát ngày đấu giá mới biết được”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả như Vinamilk là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách  đồng thời tạo thêm nguồn vốn  đầu tư vào các dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước trong bối cảnh nhiều dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đang đói vốn.

Ông Hải nói: “Nếu thực hiện quyết liệt, ngân sách nhà nước có thêm từ 30 -  40 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2020. Số tiền này có thể giúp giải quyết vốn cho cho nhiều dự án như dự án cao tốc Bắc – Nam.

Ngoài ra, Nhà nước mỗi năm phải trả lãi hàng tỉ USD tiền vay nợ nước ngoài. Trong khi lại thừa một lượng vốn rất lớn đang nằm ở các doanh nghiệp như Vinamilk, Sabeco, Habeco, MobiFone, VinaPhone. Tại sao không dùng số vốn này để giảm bội chi ngân sách, cải thiện hệ thống hạ tầng? Thêm vào đó, nếu chậm bán vốn Nhà nước, có thể gây thiệt hại rất nhiều tiền”.

img

Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC cho biết lần bán cổ phần Vinamilk này sẽ có nhiều điểm khác lần trước

Còn nhớ, trong lần bán vốn lần 1, chỉ có tập đoàn đồ uống Singapore F&N quan tâm đăng ký mua 78,4 triệu cổ phần, tương đương 60% số cổ phần được chào bán, 40% cổ phần còn lại bị “ế”.

Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về cách bán bởi lẽ Vinamilk không chỉ là một doanh nghiệp thuộc loại hiếm có của Việt Nam, mà còn là niềm hy vọng vươn ra khu vực và thế giới.

Theo ông Chi, trong lần bán cổ phần lần này của Vinamilk, không có tiêu chí cho nhà đầu tư chiến lược, ai tham gia được thì tham gia. Về quy định của luật chứng khoán đối với giao dịch của nhà đầu tư thuộc đối tượng phải chào mua công khai thì sẽ được miễn công bố thông tin này trong khoảng thời gian đăng ký mua nhưng phải báo cáo tiến trình với ban tổ chức bán đấu giá. Đồng thời, phải hoàn thành thủ tục trước khi tiến hành giao dịch, chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần.

Còn theo dự báo của ông Nguyễn Hoàng Hải, lần bán vốn này, giá trị của 3,3% cổ phần Vinamilk được SCIC công bố sẽ cao hơn so với giá trị trên thị trường, bởi việc đặt giá thấp hơn thị trường thì Nhà nước sẽ bị “hớ”.

Song việc SCIC chỉ bán ra 3,3% cổ phần của Vinamilk là con số rất nhỏ, không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc tiến hành bán cổ phần thành nhiều đợt nhỏ sẽ khiến các nhà đầu tư chiến lược sẽ không tham gia hoặc nếu có tham gia chỉ với tư cách nhà đầu tư tài chính và họ chỉ mua cổ phần với giá mua thấp.

"Nếu bán ra một số cổ phần lớn sẽ thu hút được những hãng sữa, công ty sữa lớn của nước ngoài vào đầu tư" - ông Hải kết luận.

Hiện tại, đang có 24 nhà đầu tại Singapore và 11 nhà đầu tư tại Hongkong quan tâm tới cổ phiếu Vinamilk. Đây chủ yếu là nhà đầu tư mới và quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem