Vì sao thiếu than cho phát điện ngày càng trầm trọng?

Thanh Xuân - Bùi My Thứ năm, ngày 06/12/2018 13:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia cho rằng, lý do chính của thiếu than cho phát điện chính là do không có kế hoạch dài hạn, chỉ mạnh ai nấy làm.
Bình luận 0

img

Thiếu hụt 2,9 tỷ kWh

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi lên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho thấy, tổng nhu cầu điện quốc gia 2 tháng cuối năm 2018 cao hơn 600 triệu kWh so với kế hoạch. Trong khi các hồ thủy điện miền Trung dù đang trong mùa lũ nhưng do biến đổi khí hậu dẫn tới mực nước nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết.

​​​​​
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ bức xúc khi lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than.Ông nhấn mạnh nếu để thiếu điện, một số người sẽ bị mất chức. 

Mặt khác, việc suy giảm khả năng cung cấp khí phục vụ phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn cũng làm sản lượng điện khí bị hụt 810 triệu kWh trong 2 tháng cuối năm. Để bù phần sản lượng điện thiếu hụt khoảng 2,9 tỉ kWh, EVN cho biết cần phải huy động tối đa các nhà máy điện than hiện có trong 2 tháng cuối năm.

Trong khi đó, tổng khối lượng than thiếu hụt từ đầu tháng 10 tới nay là 342.334 tấn, theo EVN, nếu tiếp tục thiếu than sẽ phải huy động thêm các nhà máy thủy điện, làm giảm mực nước dự trữ, ảnh hưởng tới việc phát điện trong năm 2019.

Mặt khác, nước tại các hồ thủy điện còn phục vụ cho nhiều mục đích khác, đặc biệt là miền Bắc sắp tới thời điểm phải xả nước phục vụ cho gieo cấy. Từ đó, EVN đưa ra dự báo có thể phải dừng cấp điện ở một số khu vực vào đầu năm 2019 và khả năng thiếu điện kéo dài tới mùa khô 2019 là rất cao.

Trước việc phản ánh thiếu than cho phát điện, ngày 28.11 vừa qua TKV đã tổ chức họp báo để công bố các thông tin liên quan. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng giám đốc TKV cho biết: Nguyên nhân thiếu than là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.

Đại diện TKV cũng “đổ lỗi” cho EVN không ký hợp đồng mua bán dài hạn, trong khi năm 2018 than mới chỉ dự kiến cấp cho điện tăng khoảng 5,4 triệu tấn so với năm 2017, trong đó cũng chỉ có 9 hợp đồng mua bán dài hạn được ký kết.

Về câu chuyện mới đây TKV đang có đề nghị tăng 5% giá bán than cho điện, ông Trung cho biết hiện giá bán than cho các hộ sản xuất điện thấp hơn giá thị trường, rất nhiều so với giá than nhập khẩu.

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia phân tích là do giá than thế giới cũng tăng cao, trong khi giá than của TKV bán cho EVN lại thấp hơn giá thị trường và tiêu chuẩn than mà EVN cần cũng cao hơn. Đại diện EVN cho biết, tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây, TKV đã đồng ý cấp thêm than cho EVN nhưng với điều kiện phải tăng giá từ 4-5% so với hiện tại.

Trong khi đó, EVN lại không được tăng giá bán điện nhưng chi phí đầu vào lại tăng nên cần xin “cơ chế” của Chính phủ nhằm đảm bảo các giải pháp cung ứng đủ điện cho nền kinh tế.

Ai cần dùng than người ấy lo

Trước những “tranh cãi” của TKV và EVN về việc thiếu than, nhiều chuyên gia khi trao đổi với Dân Việt lại đưa ra các lý giải về những nguyên nhân sâu xa hơn.

PGS.TS. Trần Đình Long cho rằng: “Nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, nước song ngòi không thuận lợi, trong khi thủy điện chiếm mấy chục phần trăm của sản lượng điện cả nước. Một số Nhà máy nhiệt điện khó khăn do thiếu than, trong khi nguồn khí cũng gặp khó khăn…tất cả các yếu tố đó tập hợp lại gây lên tình huống thiếu điện cho cả nước”, ông Long nói.

img

Ông Long cũng cho rằng, đã có thời gian giá than khai thác trong nước còn đắt hơn than nhập khẩu nhưng hiện tại thì giá than nhập khẩu lại đang tăng cao. Khi đó, việc yêu cầu ENV bắt buộc mua than trong nước để sản xuất điện thì sẽ bất lợi cho ngành điện. “Ở mỗi thời điểm việc mua than cho sản xuất điện còn phụ thuộc vào tương quan giữa than nhập khẩu và than trong nước cũng như khả năng cung ứng của thủy điện tới đâu vì sản xuất thủy điện có chi phí rẻ hơn”, ông Long phân tích.

Ông Long cũng cho biết, nguồn than nhập khẩu cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không phải lúc nào muốn mua là có thể mua ngay được. Còn về sản xuất than gặp khó khăn, không đủ cung ứng cho điện cũng đã xảy ra nhiều lần trước đây.

Ông Ngãi cho rằng, nếu chúng ta không có quy hoạch, kế hoạch, không có tiền thì các năm sau tình trạng thiếu than không có nguồn cung cấp và tình trang thiếu điện sẽ thường xuyên xảy ra.

Cùng chung nhận định trên, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Việc thiếu than là không có quy hoạch từ trước, giao cụ thể nhiệm vụ cho ai lo. Trong khi thủy điện “khát nước” do hạn hán ở miền Trung và miền Bắc lớn, phải phát nhiệt điện ở mức độ cao, hết công suất. Trong đó, nguồn than của mình có mức độ (giới hạn). Than dự phòng có một ít của TKV nhưng khoản dự phòng này chỉ dùng được cho nhà máy điện than của TKV, còn của EVN là tham cám 6 đến 7 trong khi TKV là than cám 5.

“Vấn đề cung ứng than cho nhiệt điện than là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược lớn. Nếu để kéo dài tình trạng này thì ngoài năm 50, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao, có thể lên 60 – 70%”, ông Ngãi nói.

Ông Ngãi cho rằng, nếu chúng ta không có quy hoạch, kế hoạch, không có tiền thì các năm sau tình trạng thiếu than không có nguồn cung cấp và tình trang thiếu điện sẽ thường xuyên xảy ra.

“Đây là dự báo rất cấp thiết và để giải quyết được theo tôi Chính phủ phải có kế hoạch ngay từ bây giờ. Một thực tế đáng lo ngài là từ trước tới giờ “thân” ai người ấy lo, than dành cho phát điện của EVN thì EVN lo, than dành cho TKV phát điện thì TKV lo còn của Tập đoàn Dầu khí thì dầu khí lo chứ không có một kế hoạch chung”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Theo ông Ngãi, thực chất nguồn cung than trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% còn lại 70% là nhập khẩu. Trong khi, nhập khẩu than từ trước đến nay là mua theo kiểu “từng mớ một”, không theo quy trình nên dẫn tới thiếu than.

Ông Ngãi cũng cho biết: Hiện tại đã phát tới 47 tỷ KWh là từ nhiệt điện than nên tình trạng này kéo dài sẽ thiếu điện khủng khiếp.

Ông Ngãi cũng phân tích, hiện tại giá than thế giới đã tăng, trong khi TKV bán than cho EVN với giá thấp hơn giá thị trường. Nếu TKV tăng giá than thì EVN lại chưa được tăng giá điện là bất hợp lý. “Cần có cơ chế hài hòa cho nền kinh tế, không phải mỗi than và điện chiếm tỉ trọng nền kinh tế cao, muốn phát triển kinh tế thì phải dần đưa giá than, điện tiệp cận với thị trường để có vốn tái đầu tư cho lĩnh vực năng lượng”, ông Ngãi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem