Vì sao thu hồi hàng loạt slot bay của các hãng hàng không?
Vì sao thu hồi hàng loạt slot bay của các hãng hàng không?
Thế Anh
Thứ ba, ngày 23/08/2022 11:22 AM (GMT+7)
Sáng ngày 23/8, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã thu hồi các slot bay (giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không không đủ điều kiện.
Theo danh sách mà Cục Hàng không Việt Nam công bố tại sân bay Nội Bài có 5 slot không đủ điều kiện bay. Tại sân bay Tân Sơn Nhất có 69 slot bị thu hồi, thuộc về 25 chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: "Việc thu hồi slot bay không đúng quy định, nhằm đảm bảo an toàn khai thác các chuyến bay tại 2 sân bay lớn nhất cả nước. Cùng với đó, đảm bảo hạn chế việc chậm huỷ chuyến bay trong thời gian cao điểm".
Theo Cục Hàng không Việt Nam, số chuyến bay bị chậm chuyến trong tháng 7 là 6.053 chuyến, chiếm 18,2 % trong tổng số chuyến bay (33.238 chuyến).
Vietnam Airlines có tỉ lệ số chuyến bay cất cánh chậm giờ với 2.748 chuyến, chiếm 23,7% tổng số chuyến bay của hãng này trong tháng 7; Vietjet có 2.528 chuyến chậm giờ, chiếm 19%; Vasco có 117 chuyến chậm, chiếm 15,2%; Pacific Airlines có 206 chuyến chậm, chiếm 9,9%; Bamboo Airways có 408 chuyến chậm, chiếm 8,3%; Vietravel có 46 chuyến chậm, chiếm 8,1%. Sang đầu tháng 8, tình trạng chuyến bay chậm giờ đã có xu hướng giảm.
Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vận chuyển nội địa hồi phục rất nhanh, vượt so cùng kỳ 2019, ngoài dự báo vận chuyển hàng không đã tạo áp lực rất lớn lên khu vực nhà ga nội địa trong khi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế.
Hạ tầng tại các cảng hàng không đang quá tải, số lượng cổng, cửa và máy soi chiếu an ninh hàng không chưa đáp ứng được nhu cầu khi các chuyến bay khởi hành tăng đột biến trong mùa cao điểm. Lưu lượng hành khách đi qua các cảng hàng không tăng cao, dẫn đến tình trạng hành khách ùn tắc tại các điểm kiểm tra an ninh hàng không, đặc biệt là tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Vì hạ tầng quá tải, năng lực băng chuyền hạn chế, doanh nghiệp phục vụ mặt đất đều hạn chế dẫn đến tình trạng hành lý chuyến bay bị chậm bốc dỡ, giải tỏa. Ngoài ra, tình trạng quá tải tại khu bay, từ sân đỗ, các đường lăn cho đến đường cất hạ cánh dẫn đến số lượng chuyến bay cất/hạ cánh tại một số thời điểm cao hơn năng lực khai thác. Điều này khiến một số chuyến bay phải bay chờ trên không và chờ tại sân đỗ để được đẩy nổ lăn ra cất cánh, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.