Phủ thờ bà chúa Muối-Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh-Tử Đệ Tam phi của vua Trần Anh Tông tọa lạc tại xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Câu chuyện về bà chúa Muối - hiện thân của hình tượng người phụ nữ trẻ khi xưa dù vẫn còn bỏ ngỏ, kéo dài từ truyền thuyết đến đời thực, từ quá khứ sang hiện tại.
Tuy nhiên, chính câu chuyện bỏ ngỏ ấy đã khiến từng nghi thức cúng lễ và tục múa Đùng kỳ lạ đậm chất tâm linh huyền bí thêm phần sống động.
Các tư liệu lịch sử cũng như giai thoại truyền miệng ở vùng biển Thái Bình kể rằng, Đệ Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh sinh vào năm Canh Thìn (1280), vào một đêm trăng rằm trong một gia đình có bốn đời truyền thụ nghề làm muối.
Song thân của bà - ông Nguyễn Văn Minh và bà Tạ Thị Kiều - đều là những người rất được người dân làng Quang Lang yêu mến, nhưng hiềm nỗi qua tuổi tứ tuần mà vẫn không có con.
Tương truyền, một đêm nọ, gió đông thổi nhẹ, trăng lấp lánh đáy nước, bà Kiều ngủ mơ nuốt được ánh trăng vàng. Từ đó bà mang thai, đến kỳ mãn nguyệt, bà sinh hạ một nữ nhi gương mặt sáng như trăng rằm, mắt lá răm, lông mày lá liễu, môi đỏ như son.
Nhớ lại giấc mộng hồi trước, hai vợ chồng bèn đặt tên cô con gái mới sinh là Nguyệt Ảnh - ý nói đến bóng trăng rằm.
Từ Đệ Tam phi thành bà chúa Muối
Tượng thờ bà chúa Muối trong đền thờ tại xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Từ một cô thôn nữ vùng biển, không rõ thời gian bà nhập cung và trở thành Đệ Tam phi, nhưng giai thoại về bà Nguyệt Ảnh ở làng Quang Lang xưa, nay vẫn được lưu truyền rất chi tiết.
Từ thuở nhỏ, nàng Nguyệt Ảnh đã có tài mạo khác thường, chăm đọc sách vở và rất mực thông minh. Thấy việc làm muối quá vất vả, mỗi khi học xong Nguyệt Ảnh thường ra đồng giúp bố mẹ làm việc, nhưng mỗi lần nàng ra đồng thì mây trắng kết trên đầu thành chiếc lọng khổng lồ che kín ruộng muối.
Không có nắng, nước biển không kết tinh thành muối nên dân làng oán thán.
Lo lắng cho nghề truyền thống và kế sinh nhai của cư dân địa phương, những người cao tuổi trong làng đã họp nhau lại, bàn ra kế đóng cho nàng một chiếc thuyền để nàng mang muối đi buôn nơi khác.
Trong một lần buôn, thuyền của nàng đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long. Vừa hay lại đúng vào dịp vua Trần Anh Tông đi kinh lý qua sông.
Toán quân lính của nhà vua đi qua bến thuyền nơi nàng nghỉ, khát nước nên họ lại gần xin, bỗng lấp ló trên thuyền trông xa thấy giai nhân xinh đẹp nhan sắc như hoa, phong thái dịu dàng khác người.
Họ lập tức về tâu với nhà vua, vua đến nơi vừa nhìn thấy nàng đã yêu thích, bèn đưa vào cung phong làm phi.
Xuất thân từ bến nước thuyền tre, thôn nữ Nguyễn thị được tuyên vào cung, được phong làm Tam phi. Lúc này trong cung có chính cung Bảo Từ Hoàng hậu Trần thị - con gái của Thái úy Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng và Huy Tư Hoàng phi Trần thị - con gái của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng và Thụy Bảo công chúa.
Bản thân hai vị đều xuất thân vô cùng cao quý, khó ai sánh kịp. Nhưng Nguyễn thị là thôn nữ miền quê, xuất thân bình dân, lại có thể một bước phong phi mà không trải qua các phân vị thấp hơn, cho thấy Nguyễn thị lúc này cực kì đắc sủng.
Nguyễn thị lúc này chỉ đứng sau Bảo Từ Hoàng hậu và Huy Tư Hoàng phi, vinh quang không kém những tần phi có gia thế khác.
Ân sủng to lớn, Tam phi Nguyễn thị nhanh chóng mang thai. Tuy nhiên, không biết duyên cớ gì mà thai nhi đã trải qua 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh nở được. Nhiều nguồn sử chép: “Hậu cung không ít chuyện thị phi, bà Tam phi chẳng may gặp tai ương, bị kẻ gian hãm hại”.
Mong muốn Tam phi và long thai trong bụng được cứu giúp, vua Trần Anh Tông bèn đem bà xuất cung, về quê ngoại dưỡng bệnh.
Thấy Tam phi chiều nào cũng ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để Tam phi bớt nỗi buồn.
Nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, Tam phi Nguyễn thị nhếch mép cười rồi quy tiên vào ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất (1358), long thai cũng theo mẫu thân mất đi. Phủ chủ Quang Lang vội tức tốc phi ngựa về kinh thành báo tin dữ.
Nghe tin Tam phi mất, vua Trần Anh Tông vô cùng thương xót, đã cho lập đền thờ, truy tôn làm phúc thần và tổ chức lễ hội 14 tháng 4 âm lịch hàng năm. Vì sinh ra ở làng nghề muối, Tam phi cũng được gọi là bà chúa Muối. Lễ hội bà chúa Muối còn có tên gọi là Lễ hội ông Đùng bà Đà.
Sau này, vua Anh Tông gia thêm các chữ, thụy hiệu đầy đủ của Tam phi Nguyễn thị là Từ Ý Thái Hòa Đệ Tam cung phi.
Danh tích một thuở, tưởng nhớ ngàn năm
Hình nộm ông Đùng bà Đà và Đùng con trong lễ hội bà Chúa Muối, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Tục rước hình nộm ông Đùng bà Đà trong Lễ hội bà chúa Muối, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, (tỉnh Thái Bình).
Là nhân vật huyền thoại, nhưng bà chúa Muối cũng là nhân vật lịch sử có thật. Đó là Đệ Tam phi của vua Trần Anh Tông có tên là Nguyễn Thị Nguyện Ảnh, quê ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, (tỉnh Thái Bình).
Hằng năm, cứ đến ngày 14 tháng 4 âm lịch, dân làng Quang Lang lại tổ chức Lễ hội bà chúa Muối theo cách rất trọng thể. Những ngày này, người ta làm hình nộm ông Đùng bà Đà, diễn lại tích trò xưa trẻ con chơi hầu bà.
Màn biểu diễn múa bao gồm một ông Đùng, một bà Đà tượng trưng cho hai bố mẹ và hai hình nộm con tượng trưng cho con cháu. Khi múa, các hình nộm nghiêng ngả, lúc quay sang phải, khi lại quay sang trái. Các vai ông Đùng bà Đà phối hợp sao cho thật nhuần nhuyễn.
Có những lần giáp mặt thân chập vào nhau, tượng trưng cho ước vọng sinh sôi nảy nở, mong nhiều hoa trái của dân làng. Đùng bố mẹ đi trước, các Đùng con quấn quýt theo sau. Đoàn người nhộn nhịp vừa đi vừa chúc tụng nhau. Người ta xướng vang những câu ca chúc tụng công đức bà chúa Muối.
Hết một vòng quanh làng, quay trở lại cửa đền, ai nấy lại náo nức tham gia tục phá Đùng. Vừa nhanh vừa mạnh, mọi người tiến về phía những ông Đùng, ai cũng mong giành được về cho gia đình ít nhất là một nan tre, hay may mắn hơn là cái mặt nộm Đùng.
Người dân Quang Lang tin rằng trong nhà, dưới thuyền hay bất cứ đâu có cắm nan tre ông Đùng sẽ mang lại cho họ cuộc sống sung túc no đủ, mùa lúa, mùa cá bội thu, gia đình hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Đền thờ bà chúa Muối cũng là một công trình kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa đền và chùa, tọa lạc trên mảnh đất Trang Quang Lang xưa. Chùa quay hướng Bắc là nơi thờ Phật, đền quay hướng Nam là nơi thờ Thánh mẫu Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh.
Giới nghiên cứu cho rằng, đây là ngôi đền - chùa từng rất giá trị, mà trong bia đá năm 1596 có đoạn viết như sau: “Cổ tích Thái Bình hưng quốc tự, bản cổ truyền chi danh lam, bảo Nam bang chi thắng cảnh…” - Nghĩa là: “Khu đền chùa Thái Bình Hưng Quốc là nơi danh lam cổ truyền, là địa danh thắng cảnh quý báu nhất dưới trời Nam…”.
Trên bia còn ghi “Nhất truy phong Từ Ý Thái Hòa Đệ Tam cung phi Linh Ứng Tôn thần” - sắc cho làng Quang Lang hương khói phụng thờ bà chúa Muối.
Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, năm 1963 đền thờ bà chúa Muối đã không còn. Đến 1998, người dân xây tạm căn nhà nhỏ thờ bà chúa trong khuôn viên chùa Hưng Quốc. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định khôi phục lại đền thờ bà chúa Muối vào đúng nơi xa xưa đã thờ phụng bà.
Lễ hội truyền thống bà chúa Muối với tục múa dân gian ông Đùng bà Đà không chỉ là nơi gửi gắm ước vọng của người dân làng muối về sự sinh sôi, nảy nở. Lễ hội còn thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với bà chúa Muối, đồng thời giáo dục cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.