Sau những động thái "mạnh tay" của Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) về chuẩn hoá thông tin thuê bao, các nhà mạng đã rà soát và thực hiện việc chuẩn hoá đến khách hàng của mình. Đồng thời, sau ngày 15/4/2023, đã có 1,15 triệu thuê bao di động bị khoá 2 chiều và có nguy cơ thu hồi SIM nếu người dân vẫn không thực hiện chuẩn hoá thông tin.
Mặc dù đã "mạnh tay" trong việc quản lý, chuẩn hoá thông tin thuê bao di động, nhưng tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác phiền nhiễu người dân vẫn chưa giảm xuống.
"Cuộc gọi rác thực sự là một sự phiền toái khó chịu đối với tôi. Một ngày, có ít nhất 3-4 cuộc gọi rác mời đầu tư tài chính, dạy cách làm giàu, tài liệu đầu tư chứng khoán... Những người này gọi bất kể giờ nào từ giờ hành chính đến giờ nghỉ, thậm chí gần đi ngủ tôi cũng nhận được cuộc gọi kiểu như thế này", anh Vinh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội nói với PV Dân Việt.
So với trước đây, tình trạng cuộc gọi rác mời gọi đầu tư có dấu hiệu lừa đảo không có dấu hiệu giảm và còn có nhiều biến tướng tinh vi hơn. Đặc biệt, ngay cả những tin nhắn mời gọi bán dâm cũng được gửi đến người dùng thường xuyên hơn.
"Em sinh viên nhận đi khách giá 500k/lần, phục vụ nhiệt tình. Anh có nhu cầu liên hệ trực tiếp em không qua trung gian, em cảm ơn!", đó là nội dung tin nhắn rác mà anh Tùng Quân, Long Biên, Hà Nội nhận được.
Không chỉ vậy, tin nhắn rác còn nhiều thể loại khác như mời chào làm bằng lái xe ô tô, xe máy trọn gói giá rẻ hay mời vay trả góp tiêu dùng cũng khiến người dùng không khỏi bức xúc bởi bị làm phiền quá nhiều mất thời gian.
Vì sao còn nhiều tin nhắn rác, cuộc gọi rác và xử lý thế nào thế nào trong thời gian tới?
Theo các chuyên gia an ninh mạng, cuộc gọi rác chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên chính là sự quản lý của nhà mạng và bảo mật thông tin của người dùng.
Đối với nhà mạng, việc bán SIM qua trung gian, đăng ký thuê bao dễ dàng và một người có thể sở hữu nhiều thuê bao di động dẫn đến tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn còn nhiều và chưa được giải quyết triệu để.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến năm 2022, có 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và có 261 cá nhân là chủ của hơn 1.000 SIM điện thoại di động trên toàn quốc. Đây chính là nguyên nhân tin nhắn, cuộc gọi rác liên tục xảy ra khi 1 người có thể sở hữu nhiều SIM.
Nguyên nhân nữa là đến từ việc người dùng dễ dàng cung cấp thông tin số điện thoại trên các nền tảng mua hàng online, khảo sát... Những đơn vị chuyên thu thập dữ liệu người dùng sẽ ghi nhận, bán dữ liệu nên mới xuất hiện cuộc gọi, tin nhắn rác nhiều.
Tại Hội nghị trực tuyến chỉ đạo, quán triệt triển khai thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất diễn ra ngày 19/5 vừa qua, Bộ TT&TT cho biết đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thông tin thuê bao. Hiện nay, có 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao với tổng số 445 cán bộ được triển khai trên cả nước. Trong đó, riêng Bộ TT&TT có 8 đoàn, 74 đoàn thanh tra còn lại được thực hiện bởi sở TT&TT các tỉnh thành, địa phương.
Việc thành lập các đoàn thanh tra sẽ thực hiện kiểm tra đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các cá nhân, tổ chức đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.
Các đoàn thanh ra sẽ xử lỷ nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao di động. Đồng thời, những trường hợp cố tình đăng ký nhiều SIM di động tung ra thị trường, nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng cũng sẽ bị xử lý.
Cũng theo Bộ TT&TT, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tiến tới xử lý các chủ thuê bao sở hữu từ 10 SIM trở lên. Điều này được cho là bước đi quan trọng trong việc dẹp nạn tinh nhắn, cuộc gọi rác phiền nhiễu người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.