Tăng tổng mức, thay NĐT
Tháng 11.2011, Bộ GTVT phê duyệt dự án xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia (tỉnh Thừa Thiên - Huế) theo hình thức hợp đồng BOT. Tiếp đó, Công ty TNHH Xuân Cầu được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị được Bộ GTVT ủy quyền) chỉ định là NĐT thực hiện dự án với tổng vốn đề xuất là 1.325 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hủy kết quả chỉ định thầu để lựa chọn NĐT khác xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia. (ảnh: I.T)
Ngày 18.3.2012, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.743 tỷ đồng, tăng 418 tỷ đồng (hơn 30%) so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Sau đó, ngày 22.3.2013 Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra Quyết định số 388/QĐ-TCĐBVN về việc hủy kết quả chỉ định NĐT thực hiện dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia.
Đại diện Công ty TNHH Xuân Cầu cho rằng việc Bộ GTVT tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu là hoàn toàn đơn phương, không có sự đàm phán hay thông báo cho NĐT đang thực hiện dự án. Đồng thời, việc đình chỉ như trên là áp đặt, không theo quy trình hợp lý, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp với tư cách là NĐT dự án. Công ty Xuân Cầu đã có Đơn khởi kiện Quyết định hành chính số 388/QĐ-TCĐBVN của Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc hủy kết quả chỉ định NĐT thực hiện dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia.
Không đạt được thống nhất
Còn theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân để không thể ký hợp đồng thực hiện dự án với Công ty TNHH Xuân Cầu là do “qua nhiều lần đàm phán có một số nội dung không thể đi đến thống nhất”. Cụ thể, Công ty TNHH Xuân Cầu có ý kiến không thống nhất đối với lãi suất và thời gian mãn tải.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau nhiều lần thảo luận, đàm phán hai bên vẫn không thống nhất được phương án tài chính. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hủy quyết định chỉ định NĐT sau khi bảo lãnh dự thầu hết hạn và nhà thầu không có sự hợp tác trong đàm phán.
Trong khi đó, ông Tô Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Xuân Cầu cho rằng: "Nội dung quyết định điều chỉnh tổng mức là căn cứ, yếu tố để bắt buộc để đàm phán. Trình tự thủ tục dừng phải có căn cứ. Không trình tự thủ tục nào có thể vượt qua được khi đã có yếu tố tăng tổng mức đầu tư. Đang đàm phán không được thì phải bàn tiếp chứ không phải là kết thúc đàm phán".
Ví dụ về tính toán thời điểm mãn tải, Công ty Xuân Cầu cho rằng thời gian mãn tải tính từ năm 2023, vận tốc tính toán là 80km/h. Còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định thời gian mãn tải phải tính từ năm 2033 với vận tốc lưu hành phương tiện là 40km/h. Điều này do báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, các thông số cơ bản liên quan tới tài chính của dự án đã thay đổi.
Để đáp ứng tiến độ của dự án, Bộ GTVT đã tiếp tục kêu gọi NĐT khác thực hiện dự án. Hiện TAND TP.Hà Nội đã thụ lý vụ kiện để giải quyết.
Theo khoản 4 Điều 42 Thông tư 03/2011/TT-BKHĐT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền hủy kết quả lựa chọn NĐT trong trường hợp đàm phán không thành công. Việc đàm phán không thành công phải được xác định bằng việc các bên đàm phán không đạt được thỏa thuận về một hoặc nhiều nội dung của hợp đồng dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.