Vì sao trồng đậu nành kém hiệu quả?

Lưu Phan Thứ ba, ngày 17/11/2015 07:29 AM (GMT+7)
Quy hoạch là 1 trong 4 cây trồng quốc gia, được xác định là dễ trồng ở hầu hết điều kiện thổ nhưỡng, nhưng diện tích đậu nành đang tụt giảm mạnh, từ mức xấp xỉ 200.000ha vào năm 2010, nay chỉ còn khoảng 120.000 – 130.000ha.
Bình luận 0

Ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) lý giải vì sao trồng đậu nành kém hiệu quả, thu nhập ngày càng thấp so với những cây trồng khác khiến người dân bỏ cây đậu nành và vấn đề đặt ra là phải cải tiến từ khâu giống.

img

 Trồng đậu nành ở Cư Jut, tỉnh Đăk Nông.  Ảnh:     L.P

Trong Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho phát triển đậu nành Tây Nguyên, được tổ chức cuối tuần qua ở Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, ông Trung nhìn nhận khâu giống là điểm mấu chốt để phát triển bền vững đối với hầu hết các loại cây trồng mà Bộ NNPTNT rất quan tâm.

Nhưng ghi nhận kết quả nhiều năm qua vẫn không như mong muốn. “Chỉ bằng cách tạo ra những giống cây trồng vừa có chất lượng, vừa có năng suất..., cùng với đó là áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại làm sao để người nông dân có thể áp dụng, thích ứng thì mới có thể tồn tại”- ông Trung khẳng định.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện định hướng trên vẫn vấp phải những trở lực. Theo ông Trung, các cơ quan khoa học các ngành các cấp của Nhà nước đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều giống cây trồng mới được công nhận hàng năm. Nhưng thực tế rất hiếm những cây giống đạt được những mục tiêu như trên.

Từ dự án Vinasoy đã triển khai tại huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ chọn tạo thành công giống đậu nành mới.

Giống đậu nành mới có tên Cư Jut hoa trắng cho chất lượng hạt tốt, năng suất tăng 10 – 15% so với các giống trước đây. Song song với việc chọn tạo giống, bộ phận nghiên cứu của Vinasoy cũng đã khảo nghiệm nhiều hệ thống canh tác theo đặc điểm của các vùng nguyên liệu khác nhau ở Tây Nguyên, bao gồm các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch trên các công cụ cơ giới hóa phù hợp cho các hộ sản xuất đậu nành nơi đây...

Doanh nghiệp đứng ra làm việc này bằng đồng tiền của mình, đầu tư của doanh nghiệp mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp nên theo sát với nhu cầu của thị trường. Cụ thể ở đây Vinasoy đầu tư, đặt hàng cơ quan nghiên cứu khoa học để chọn tạo giống phù hợp chất lượng, tiêu chuẩn phục vụ chế biến sữa đậu nành của Vinasoy. Người nông dân sản xuất đậu nành theo tiêu chuẩn này được Vinasoy cam kết bao tiêu. Điều này hoàn toàn khác với đầu tư của các cơ quan sử dụng ngân sách, kết quả nghiên cứu ít khi áp dụng được trong thực tế.  

Tuy nhiên, những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp để làm những việc như Vinasoy hiện không nhiều, chiếm chưa tới 1% trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam (theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam). Thực tế nhiều rào cản về thủ tục thành lập, hoạt động, thực thi ưu đãi cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... vẫn tồn tại như không thể nào công phá. Đấy là bài toán cần lời giải thấu đáo từ những nhà làm chính sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem