Vì sao Trương Tam Phong nhiều lần cự tuyệt gặp mặt Hoàng đế nhà Minh?
Vì sao Trương Tam Phong nhiều lần cự tuyệt gặp mặt Hoàng đế nhà Minh?
An Hòa
Thứ sáu, ngày 05/02/2021 20:30 PM (GMT+7)
Suốt hơn 200 năm triều nhà Minh, gần như mỗi đời Hoàng đế đều vì mong muốn được gặp mặt Trương Tam Phong một lần mà không ngừng tìm kiếm tung tích của ông.
Trong lịch sử, có thể khiến cho nhiều đời Hoàng đế liên tiếp hạ chiếu triệu kiến, ban thưởng phong tước, thậm chí xây dựng cung miếu để thể hiện lòng tôn kính, người như vậy e rằng chỉ có Trương Tam Phong. Suốt hơn 200 năm triều đại nhà Minh, gần như mỗi đời Hoàng đế đều vì mong muốn được gặp mặt Trương Tam Phong một lần mà không ngừng tìm kiếm tung tích của ông. Nhưng vị chân nhân này vì sao không đáp ứng mong muốn ấy?
Trong “Trương Tam Phong toàn tập” có ghi chép: Hoàng đế khai quốc nhà Minh, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tin tưởng chắc chắn rằng bản thân ông đã được Thần linh phù hộ mà bình định được thiên hạ, vì vậy ông vô cùng tôn sùng thần linh, Đạo giáo. Vị Hoàng đế này nghe danh Trương Tam Phong đã rất lâu nên vào năm Hồng Vũ 17 (năm 1384) đã hạ chiếu cầu được gặp Trương Tam Phong. Đây cũng là lần đánh dấu quá trình bắt đầu tìm kiếm Trương Tam Phong của các vị Hoàng đế triều Minh. Năm sau, Hoàng đế Chu Nguyên Chương lại thỉnh mời đệ tử của Trương Tam Phong trên núi Võ Đang đến gặp mặt. Năm Hồng Vũ thứ 24 (năm 1391), vị Hoàng đế này lại tiếp tục hạ chiếu muốn được gặp Trương Tam Phong. Nhưng Trương Tam Phong lại một lần nữa “kháng mệnh”, không chịu hiện thân.
Sau khi Minh Thành Tổ Chu Lệ lên ngôi cũng cả đời tìm kiếm tung tích Trương Tam Phong. Ông là vị Hoàng đế triều Minh tìm kiếm Trương Tam Phong trong thời gian lâu nhất, trọng đãi cao nhất. Vào năm thứ 3 sau khi lên ngôi, Minh Thành Tổ liền hạ chỉ đi thăm các danh sơn trong thiên hạ. Sau, ông lại phái người quen biết cũ của Trương Tam Phong và quan viên ở khắp nơi điều tra, nghe ngóng về tung tích của Trương Tam Phong, với mong muốn được gặp mặt một lần. Nhưng Trương Tam Phong hành tung bất định, nhiều năm không có hồi âm.
Nguyện vọng được gặp vị “chân tiên” càng ngày càng tăng, Minh Thành Tổ cho rằng từ xưa đến nay, Trương Tam Phong là “đệ nhất” cả về tu hành và đạo đức. Vì vậy, Hoàng đế lại phái đạo sĩ Tôn Bích Vân đến núi Võ Đang tìm kiếm Trương Tam Phong, đồng thời còn gửi theo một bức thư viết hết chân ý của mình. Nhưng Trương Tam Phong vẫn không lộ diện mà gửi cho đệ tử đem đến Hoàng đế một bức thư hồi âm. Trong thư chủ yếu nói về đạo lý tu thân dưỡng đức. Trương Tam Phong viết: “Minh Thành Tổ là Hoàng đế phúc đức vô biên, hy vọng rằng Hoàng đế có thể dụng tâm cai trị đất nước, vì dân tạo phúc, thanh tâm quả dục, coi trọng đức hạnh. Đây cũng là đạo trường sinh.”
Có thể được Hoàng đế tôn kính là vinh quang tối cao, nhưng Trương Tam Phong nhiều lần cự tuyệt gặp mặt, nguyên do sâu xa là gì? Trong “Tam Phong tiên sinh bổn truyện” viết: “Cái đế vương tự hữu đạo, bất khả dĩ kim đan, kim dịch, phân nhân chủ lệ tinh đồ trì chi tư”, nghĩa là Trời đất, người, Thần đều có pháp tắc của riêng mình. Hoàng Đế là có trách nhiệm trị quốc, vì dân tạo phúc, không nên vì truy đuổi những tiểu năng tiểu thuật mà phân tán tinh lực xử lý việc chính sự, bỏ bê triều chính.
Trương Tam Phong lần lữa mãi không lộ diện, không theo đuổi hư danh, lại càng không phải kiêu căng mà là xuất phát từ tâm từ bi, ông lựa chọn vì con người nhân gian, muốn Hoàng đế tập trung tu đức, phục vụ dân chúng. Nhưng Minh Thành Tổ cuối cùng đã trở thành vị Hoàng đế nhà Minh đầu tiên gặp được Trương Tam Phong, vì lẽ gì mà Hoàng đế có thể làm động tâm được vị thế ngoại cao nhân này?
Năm Vĩnh Lạc thứ 9, thứ 10, cùng với việc xây dựng cung điện ở kinh thành, Minh Thành Tổ cũng điều động công bộ thị lang làm chủ trì và hơn mười vạn dân lên núi Võ Đang xây dựng miếu đạo quán. Đây chính là đại sự mà sử sách ghi “Bắc tu Cố Cung, nam tu Võ Đang”. Núi Võ Đang rất nhanh chóng trở thành một tòa tiên sơn hùng vĩ với cảnh đẹp hư ảo. Ở nơi Trương Tam Phong từng tu đạo, Minh Thành Tổ cho dựng Ngọc Hư cung và Ngộ Chân cung. Một hành động này đã thể hiện lòng tôn kính và thái độ trọng đãi cao nhất chưa từng có của Hoàng đế đối với một vị đạo nhân.
Một mặt, đại thần Hồ Quảng vẫn phụng chỉ tìm kiếm Trương Tam Phong nhưng hơn 10 năm mà không thấy tung tích. Năm Vĩnh Lạc thứ 14, Hồ Quảng lại phụng mệnh tiếp tục tìm kiếm. Sau khi nhận được thánh chỉ, Hồ Quảng lập tức đi ngày đi đêm tới núi Võ Đang, dâng hương cầu nguyện, khẩn cầu Trương Tam Phong đáp ứng tâm nguyện của hai đời Minh đế.
Lòng chân thành của quân thần nhà Minh đã làm cảm động, Trương Tam Phong cuối cùng cũng xuất hiện. Ông mời Hồ Quảng trở về kinh thành, còn bản thân biến mất một cách thần bí. Khi Hồ Quảng trên đường trở về kinh thành, Trương Tam Phong ngày đi ngàn dặm, trong khoảnh khắc đã xuất hiện ở điện Kim Loan. Minh Thành Tổ biết người này là Trương Tam Phong, trong lòng vô cùng vui sướng thỉnh giáo đạo pháp. Trương Tam Phong liền ngâm một khúc tiên ca, có tên “Phóng đạo cầu huyền tẩu tẫn thiên nhai”. Sau đó, ông thong dong đi xuống bậc thang, phi thân rời đi, lưu lại một vệt mây bảy màu, rất lâu cũng không tản mất. Quân thần Thành Tổ chứng kiến cảnh tượng thần kỳ ấy, tin tưởng chắc chắn thế gian thực sự có Thần tiên tồn tại.
Thần tích xảy ra ở cung điện đã khích lệ to lớn đến các đời Hoàng đế triều Minh tin tưởng vào Tiên nhân, tôn sùng Đạo giáo, xây cung hiến tế, trọng đãi người tu đạo trở thành truyền thống của triều nhà Minh. Nhiều vị Hoàng đế đời nhà Minh từng nói rằng họ tình cờ được gặp Trương Tam Phong hiển linh, được ông giáo hóa, khuyên nhủ họ chuyên chú việc nước, cần chính yêu thương dân. Ví như, Minh Anh Tông có duyên được Trương Tam Phong hiển linh bảo cho ông biết cần phải tu thân và an dân, bỏ tà quy chính. Năm Thiên Khải thứ nhất, Minh Hy Tông bởi vì việc nước không thuận, nên đã ở trong cung thiết tế đàn cầu Tiên, may mắn gặp được Trương Tam Phong. Minh Hy Tông nói: “Cầu chân tiên giáo hóa ta, cầu chân tiên bảo hộ ta.” Sau đó, ông được Trương Tam Phong điểm hóa.
Về phong hiệu của Trương Tam Phong, Hoàng đế Minh Anh Tông phong ông là “Thông vi hiển hóa đại chân nhân”, Minh Hiến Tông phong ông là “Thao quang thượng chí chân tiên”, Minh Thế Tông phong ông là “Thanh hư nguyên diệu chân quân”, Minh Hy Tông lại phong ông là “Phi long hiển hóa hoành nhân tể thế chân quân”. Bởi vì Đạo gia tu chân nên các phong hiệu này đều có chữ chân. Những phong hiệu này đều mang ý nghĩa huyền ảo nhưng lại thể hiện tâm sùng kính chân thành đối với vị chân tiên của các đời triều nhà Minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.