Vì sao Viện trưởng VKSNDTC cho rằng phán quyết của tòa vi phạm quyền kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo?

PVCT Chủ nhật, ngày 16/01/2022 19:33 PM (GMT+7)
Trong vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên (ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo) vấn đề nổi cộm nhất là việc chia tài sản chung. Bản kiến nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC đã chỉ ra sự bất hợp lý trong phán quyết của tòa về vấn đề này.
Bình luận 0

Phân chia tài sản chung

Là người theo dõi phiên xử vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên, trao đổi với Dân Việt, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Việc Viện trưởng Viện KSNDTC kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của TANDTC vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Vì sao Viện trưởng VKSNDTC cho rằng phán quyết của tòa vi phạm quyền kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo? - Ảnh 1.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh VGP

Vấn đề nổi cộm nhất trong vụ án này là cách thức, xác định tài sản và tỷ lệ phân chia tài sản chung. Theo ông Nhưỡng, việc Tòa án phân chia tài sản chung trong vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thấy không phù hợp. Tòa không có quyền quyết định người này phải nhận tài sản A, người kia nhận tài sản B. Phán quyết như vậy vấn đề sẽ không được giải quyết thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Chính trong bản kiến nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC đã phân tích và chỉ ra điểm bất hợp lý.

Theo kiến nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC, bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án bà Thảo luôn có yêu cầu được chia, nhận tài sản bằng hiện vật đối với cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để tiếp tục thực hiện việc kinh doanh.

Vì sao Viện trưởng VKSNDTC cho rằng phán quyết của tòa vi phạm quyền kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo? - Ảnh 2.

Bà Lê Hoàng DIệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên xét xử ly hôn tại TAND TPHCM. Ảnh: Đ.X

Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định.

"Khi phân chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ ly hôn, Tòa án không thể yêu cầu ông này nhận "cái bát", còn bà kia nhận "đôi đũa". Việc phán quyết của Tòa án trong vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên đã tước đi quyền cổ đông của bà Thảo, như vậy là không đúng, trừ trường hợp bà Thảo tự quyết định.

Khi bà Thảo bị tước quyền cổ đông thì đương nhiên mất quyền kinh doanh ở những công ty bà có cổ phần", ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Nhận định của tòa không có căn cứ?

Quyết định giám đốc thẩm cho rằng nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông cùng quản lý, điều hành các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ảnh hưởng đến sự ổn định, việc làm cho hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các công ty của tập đoàn…Theo Viện trưởng Viện KSNDTC nhận định này không có cơ sở.

Vì sao Viện trưởng VKSNDTC cho rằng phán quyết của tòa vi phạm quyền kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo? - Ảnh 3.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, báo cáo tài chính của một số công ty trong tập đoàn Trung Nguyên chưa được kiểm toán ở một số năm, đây là một trong các thiếu sót. Ảnh: Hải Yến/DNTT

Bởi lẽ các công ty, cổ phần và phần vốn góp trong các công ty đều có thể chia được bằng hiện vật. Không có tài liệu chứng minh cho việc nhận định trên.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề dẫn tới khó khăn hay vấn thế nào là việc của hai bên. Còn tòa không có quyền suy luận việc bà Thảo ở lại tiếp tục là cổ đông cùng quản lý, điều hành các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên thì sẽ dẫn đến những khó khăn… "Suy luận của Tòa án có thể logic nhưng không thể áp suy luận đó vào xét xử", ông Nhưỡng nói.

Vẫn theo kiến nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC, việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của bà Thảo trong 7 công ty là không phù hợp với quy định về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam, nữ theo quy định của Khoản 2 Điều 14, Điều 26, Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.  

(Khoản 2 Điều 14: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 26: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Điều 33: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm).

Theo luật sư Đặng Ngọc Hoàng Hưng, việc Tòa án các cấp buộc bà Thảo phải rời khỏi Trung Nguyên, buộc phải nhận tiền (giá trị) thay cho việc nhận hiện vật bằng cổ phần Công ty để "khởi nghiệp" lại là vừa không đảm bảo quyền được kinh doanh của một doanh nhân, vừa không công bằng với người phụ nữ trong quan hệ kinh doanh chung với chồng và trái với các quy định của pháp luật, gây bức xúc lớn và bất công cho người phụ nữ.

Bản kiến nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC phân tích thêm, mặc dù các bên thừa nhận trước khi ông Vũ kết hôn với bà Thảo, ông Vũ và một số người bạn đã kinh doanh cà phê. Tuy nhiên thời gian kinh doanh được khoảng 2 năm thì ông Vũ kết hôn với bà Thảo, sau khi kết hôn, việc kinh doanh của ông Vũ bắt đầu có sự phát triển và hình thành Tập đoàn Trung Nguyên hiện nay.

Các công ty có tranh chấp đều được đăng ký doanh nghiệp lần đầu từ năm 2006 trở đi, sau rất nhiều năm kể từ khi ông Vũ, bà Thảo kết hôn (năm 1998).

Tòa án 2 cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo (bà Thảo kém ông Vũ hơn 1,4 nghìn tỷ đồng).

Theo bản kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, việc Tòa án các cấp xác định ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo được hưởng 40% giá trị cổ phần, phần vốn góp trong các công ty, tài sản tại các ngân hàng là chưa phù hợp.

Bởi bà Thảo làm vợ, làm mẹ trong gia đình, nuôi dạy các con trưởng thành, duy trì hạnh phúc gia đình nhiều năm. Bên cạnh đó, bà còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho biết, trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TANDTC.

Trong đó, quy định Viện trưởng Viện KSND Tối cao có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định nói trên của HĐTP TANDTC trong một số trường hợp cụ thể tại điều 358 như sau:

Khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TANDTC, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó;

Nếu có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC; hoặc đề nghị của Chánh án TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem