Vì sao virus Corona không làm gì được dơi, lây sang người lại đặc biệt nguy hiểm?

Đăng Nguyễn - Bekerley News Thứ tư, ngày 12/02/2020 11:55 AM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên mà các bệnh dịch tồi tệ nhất bùng phát trong vài năm qua như SARS, MERS, Ebola, Marburg và COVID-19 (virus Corona 2019) đều bắt nguồn từ dơi.
Bình luận 0

img

Loài dơi có hệ miễn dịch nhanh nhạy, miễn nhiễm với virus nhưng cũng vì vậy mà càng khiến các virus lây từ dơi trở nên nguy hiểm hơn.

Nghiên cứu mới công bố của Đại học California tại Berkeley, Mỹ cho thấy loài dơi có hệ miễn dịch phản ứng mãnh liệt với virus, khiến virus càng nhân bản mạnh hơn, nhưng hệ miễn dịch của dơi không triệt tiêu virus.

Kết quả là khi virus lây truyền sang động vật có vú, đặc biệt là con người với hệ miễn dịch trung bình, virus càng trở nên nguy hiểm.

Một số loài dơi có hệ miễn dịch bảo vệ vĩnh viễn chúng khỏi virus. Kết quả là virus cũng phải thích nghi, nhân bản một cách nhanh nhất có thể cho đến khi chúng bị hệ miễn dịch của dơi ngăn chặn, không cho xâm nhập tiếp vào các tế bào.

Điều này khiến dơi trở thành con vật lây truyền virus rất đặc biệt. Các động vật khác không có hệ miễn dịch phản ứng nhanh nhạy như dơi nên tỉ lệ tử vong khi gặp phải các virus lây nhiễm từ dơi là rất cao.

Cara Brook, nhà nghiên cứu tại Đại học California, nói dơi vừa có hệ miễn dịch mạnh, lại vừa có thể cân bằng với khả năng chống viêm. “Hệ miễn dịch của con người nếu hoạt động theo cách của dơi thì sẽ càng gây viêm nhiễm nặng. Nói cách khác, dơi có hệ miễn dịch rất đặc biệt”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, đe dọa đến môi trường sống của dơi càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các loài sinh vật khác và cuối cùng là con người.

img

Virus Corona bùng phát ở Vũ Hán nhiều khả năng được "huấn luyện" trong cơ thể loài dơi trước khi lây sang người.

“Về cơ bản, dơi rất đặc biệt khi là nguồn lây truyền virus”, Mike Boots, nhà nghiên cứu tại Đại học California, nói. “Không phải ngẫu nhiên mà các virus sau khi lây nhiễm qua dơi lại trở nên rất nguy hiểm”.

Theo nghiên cứu, dơi cũng rất đặc biệt khi có thể tồn tại đến 40 năm, vượt xa các loài sinh vật có vú cùng kích thước. Điển hình là các loài gặm nhấm chỉ tồn tại được 2 năm.

Một điểm độc đáo trong hệ miễn dịch của dơi, giúp chúng “sống lâu, sống khỏe” là nhờ cơ chế cảnh báo cho các tế bào biết về sự xuất hiện của virus, từ đó đưa các tế bào vào trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”, trước khi virus lây nhiễm.

Để có thể tồn tại, virus cũng phải thích nghi, tìm cách sao chép một cách nhanh nhất có thể, trong khi không làm tổn thương vật chủ, theo nhóm nghiên cứu. Con người không có cơ chế kháng virus nhanh nhạy như vậy và kết quả là con người gặp vô vàn bệnh lý liên quan đến virus.

Bên cạnh đó, các virus như SARS, MERS, Ebola, Marburg đều có điểm chung là lây nhiễm cho con người thông qua vật trung gian, chứ không lây trực tiếp từ loài dơi.

Nghiên cứu mới của Brook, Boots và các cộng sự mới được công bố trên tạp chí khoa học eLife hồi tháng này.

Ông Trump dự đoán thời điểm dịch bệnh virus Corona biến mất

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10.2 dự đoán dịch bệnh virus Corona sẽ biến mất vào tháng 4 vì thời tiết ấm lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem