Ngày 30.12.2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, trong CPTPP có các cam kết về thuế xuất nhập khẩu và chính sách thuế xuất nhập khẩu.
Đại diện các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8.3.2018 tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters
Đối với thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, trong đó: 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (ngày 14.1.2019); 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế với hàng xuất sang các nước thành viên CPTPP theo lộ trình, lên đến 15 năm.
GDP tăng thêm 1,32% và bài toán ngân sách
Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF- Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Nhìn chung về tổng thể CPTPP là có lợi cho Việt Nam
Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD (trong TPP, con số này là khoảng 6,7 %). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).
Trong khi đó, lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ chỉ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn. Trong đó, Malaysia sẽ có thể có được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei với khoảng 1,5% GDP.
Tác động từ TPP và CPTPP tới Việt Nam (nguồn NCIF)
Đối với bài toán ngân sách, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp NCIF, khi CPTTP có hiệu lực, việc thu ngân sách là vấn đề lớn.
“Có rất nhiều bài toán cho thấy, Việt Nam đang kỳ vọng vào việc lấy thuế nội địa để bù cho thuế nhập khẩu. Điều đó cho thấy về mặt xã hội sẽ tạo ra một thách thức lớn cho cả nhà nước và xã hội đó là đối tượng để được hưởng lợi có thể là các DN, nhưng đối tượng chịu thiệt lại là người dân.
Vì nhìn từ góc độ thu chi ngân sách thì dường như người dân đang chịu tác động tiêu cực từ việc tăng thu, tăng nguồn thu để bù đắp cho phần thiếu hụt của thuế nhập khẩu”, ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong CPTPP sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ không có tác động đột ngột. Hiện nay, trong CPTPP có 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam và lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài (10 năm). Trong khi đó, Việt Nam được quyền đánh thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có nguồn thu lớn như dầu thô và một số loại khoáng sản nên tác động giảm thu không lớn.
Thâm hụt thương mại giảm song vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngoài bài toán tăng trưởng, CPTPP còn là cơ sở để Việt Nam giảm dần thâm hụt thương mại qua các năm.
Gần 98% số dòng thuế giảm về mức 0%, ước tính tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sẽ đạt được khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% (tương đương 4,93 tỷ USD). Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian. Tuy nhiên nếu so sánh với TPP, mức tăng thêm về xuất, nhập khẩu thấp hơn rất nhiều (xuất khẩu tăng thêm 15% và nhập khẩu tăng thêm trên 10%).
Với CPTPP, Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc
Việc tăng xuất khẩu của sẽ chủ yếu là sang các nước trong CPTPP với tốc độ tăng thêm ở mức 14,3% (lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu sang các nước ngoài CPTPP tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỷ USD). Điều này cho thấy việc tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đối với nhập khẩu, mức độ tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, và việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu là từ các nước ngoài CPTPP. Tính toán của NCIF cho thấy, nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP sẽ tăng thêm 3,8 tỷ USD, chiếm 83% tổng nhập khẩu tăng thêm. Như vậy, CPTPP chính thức có hiệu lực thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, ngay cả khi có CPTPP.
Sức hấp dẫn dòng vốn ngoại không lớn
Theo NCIF, tự do hóa và cải thiện môi trường đầu tư từ CPTPP có thể không tác động nhiều tới luồng đầu tư vào Việt Nam.
Lý giải cho vấn đề này, NCIF cho rằng, trong thời gian vừa qua bản thân môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là những sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (2014). Chỉ số hạn chế đầu tư của Việt Nam cũng giảm tới 4 lần từ 0,43 xuống còn 0,11. Việt Nam có thể được xem là một trong những nước có tốc độ cải thiện môi trường đầu tư nhanh nhất trong ASEAN. Trong khi đó, các đối tác đầu tư lớn trong CPTPP (Úc, Nhật Bản, Singapore) đều đã tham gia các FTA với Việt Nam, trong đó các cam kết về đầu tư đã được mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng phải nói thêm rằng, với TPP, thị trường Mỹ quá hấp dẫn, làm cho các nước ngoài khối TPP đầu tư vào Việt Nam để tận dụng xuất khẩu sang Mỹ. Điều này có thể thấy khá rõ với luồng đầu tư từ Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2015, trong đó cơ cấu đầu tư của Trung Quốc vào ngành dệt may và da giày tăng từ 6% lên 58%. Với CPTPP, lợi thế từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn, vì vậy không quá hẫp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thiếu Mỹ, Việt Nam có thể sẽ mất đi cơ hội lớn thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Cộng hưởng tất cả những yếu tố trên có thể khẳng định sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực là không lớn.
Tong 1 nghiên cứu khác cũng cho thấy, tác động của tự do hóa đầu tư trong CPTPP tới tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp nhất trong số 11 nước CPTPP (0.003 điểm %), tương tự với Nhật Bản, Chile (cao nhất là Malaysia và Singapore). Đồng thời, việc tăng luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào các biến động địa chính trị khu vực, chiến lược của các công ty đa quốc gia cũng như chiến lược thu hút FDI của các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, và ASEAN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.