Vị tướng chỉ huy giăng lưới lửa ở Trường Sơn đến trận "Điện Biên phủ trên không"
Vị tướng chỉ huy giăng lưới lửa ở Trường Sơn đến trận "Điện Biên phủ trên không"
Phạm Thành Long
Thứ sáu, ngày 30/12/2022 06:30 AM (GMT+7)
Trước yêu cầu chuẩn bị đối phó với khả năng Mỹ sẽ dùng máy bay B-52 đánh ra Hà Nội và Hải Phòng, đầu tháng 9/1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã gọi gấp Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) Nguyễn Quang Bích trở ra Hà Nội. Ông được giao làm Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ).
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích sinh năm 1922 tại Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông tham gia Cách mạng ngày 20/8/1945...
Đầu năm 1954, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Quang Bích đang huấn luyện ở nước ngoài đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị về nước chỉ huy Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch Trần Đình (Điện Biên Phủ). Khi ấy, mới ở tuổi 30, ông đã chỉ huy một trung đoàn pháo cao xạ - đơn vị cao xạ đầu tiên của quân đội ta.
Trung đoàn chi có hai tiểu đoàn với số lượng pháo cao xạ ít ỏi, đối đầu với hàng trăm máy bay hiện đại các loại của thực dân Pháp. Nhưng dưới sự chỉ huy của ông, kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay địch tại Điện Biên Phủ, góp phần oanh liệt vào chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân đội và nhân dân ta.
Suốt những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Quang Bích đã đảm nhiệm nhiều cương vị như Phó Tư lệnh Pháo binh miền, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 36; Sư đoàn trưởng đoàn phòng không cơ động 377, đơn vị có nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ giao thông vận tải trên chiến trường Khu 4.
Trước việc đánh phá ngày càng ác liệt của không quân Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn, để tăng cường chỉ huy cho chiến trường này, tháng 8/1970, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng điều ông Nguyễn Quang Bích vào làm Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn phụ trách tác chiến phòng không. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chọn một chỉ huy tài giỏi và giàu kinh nghiệm tác chiến phòng không tăng cường cho cuộc chiến đối phó với không quân Mỹ ở Trường Sơn.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, tháng 10/1970, ông Nguyễn Quang Bích được Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn phân công chỉ đạo "hoàn thiện thế trận phòng không của Trường Sơn" nhằm đánh bại chiến thuật "trực thăng vận" của địch. Lực lượng phòng không của Trường Sơn được huy động tham gia chiến dịch lịch sử này, gồm 5 trung đoàn cao xạ (có 1 trung đoàn tên lửa), 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy 14,5 ly, 12,7 ly với 326 nòng cao xạ và 360 khẩu súng máy bố trí thành 8 cụm tác chiến dày đặc, liên hoàn sẵn sàng nhả đạn đánh địch.
Lực lượng phòng không Trường Sơn trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã đánh 481 trận, bắn rơi 346 máy bay (trong tổng số 505 máy bay bị các lực lượng bắn rơi trong toàn chiến dịch).
Sau thất bại trong chiến dịch Lam Sơn 719, địch tập trung tăng cường đánh phá dữ dội tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, đặc biệt là tăng cường sử dụng AC130. Từ đầu năm 1971, sau khi nghiên cứu về AC130 trên chiến trường, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Quang Bích, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu thực tiễn tại nhiều trọng điểm, tại nhiều trận địa. Bộ Tư lệnh đã tổ chức rút kinh nghiệm đối phó với AC130. Sau đó đã phát động toàn chiến trường thi đua bắn rơi AC130 của không quân Mỹ, kết hợp với nhiều biện pháp khác, như: Mở đường kín, tăng cường ngụy trang đường "hở", mở thêm nhiều đường tránh, tăng cường chạy xe lấn sáng lấn chiều và chạy ban ngày…
Vị chỉ huy Nguyễn Quang Bích đã trực tiếp tới nhiều trận địa pháo. Với tầm nhìn của một chỉ huy giàu kinh nghiệm, ông đã có những góp ý sâu sắc về bố trí lực trận địa một cách hợp lý…
Một ngày đầu tháng tháng 3/1972, tại đường 22 cách ngầm Bạc hơn 10 km. Trung đoàn 593 cao xạ của Sư đoàn 471 nhờ bí mật đưa cao xạ 37 ly lên đồi, bí mật phục kích trên đường AC130 thường hạ thấp độ cao để lao vào bắn phá trọng điểm ngầm Bạc, đơn vị đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay AC130 vào lúc sẩm tối.
Ngày 14/3/1972, với 19 viên đạn 57 ly, đại đội 14 cao xạ thuộc Trung đoàn 591 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc AC130 tại ngã ba Máy Húc cách đường 128B năm km. Đến đêm 29/3/1972, Tiểu đoàn tên lửa 67 thuộc Trung đoàn 275, bắn rơi 1 chiếc AC130 trên bầu trời khu vực Nabo, trên đường 9 bằng 2 quả tên lửa.
Choáng váng trước lực lượng phòng không của Bộ đội Trường Sơn, chỉ trong một tháng 3 chiếc AC130 đã bị bắn rơi. 15 ngày sau đó, từ khu vực các cửa khẩu đến trọng điểm ngầm Bạc (ở Nam Lào), máy bay AC130 đã phải ngừng hoạt động bắn phá…
Năm 1972, Không quân Mỹ tăng cường tần suất và số lượng máy bay đánh phá Trường Sơn (riêng máy bay B-52 đánh phá hơn 60 lần/ngày) và chúng dùng khối lượng bom đạn tăng cường gấp 2 lần so với trước đây để ngăn chặn tuyến chi viện. Lực lượng phòng không toàn chiến trường Trường Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Nguyễn Quang Bích đã lập được nhiều chiến công vang dội, đánh 22.077 trận, bắn rơi 620 chiếc trong đó có nhiều chiếc AC130. (426 chiếc rơi tại chỗ và có 98 chiếc rơi ban đêm)…
Từ Trường Sơn đến trận "Điện Biên phủ trên không"
Trước yêu cầu chuẩn bị đối phó với khả năng Mỹ dùng máy bay B-52 đánh ra Hà Nội và Hải Phòng, đầu tháng 9/1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã gọi gấp Phó Tư lệnh Trường Sơn Nguyễn Quang Bích trở ra Hà Nội. Ông được giao làm Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ. Là một chỉ huy giàu kinh nghiệm chỉ huy trận mạc, đồng chí Nguyễn Quang Bích đã được giao trực chỉ huy lực lượng của toàn Quân chủng trong chiến dịch 12 ngày đêm đế quốc Mỹ định "đưa Hà Nội – Hải Phòng trở về thời kỳ đồ đá". Đặc biệt trong trận đánh đầu tiên của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đêm đầu tiên 18/12/1972, dưới sự chỉ huy của Tướng Nguyễn Quang Bích, quân và dân ta đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ trong đó có 3 chiếc B52 và 1 chiếc F111.
Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm đánh bại kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng của đế quốc Mỹ, quân và dân ta ở miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 05 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 04 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 01 chiếc F-105D; 02 chiếc RA-5C; 01 chiếc trực thăng HH-53; 01 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Dưới sự chỉ huy thông minh, tài giỏi của Tướng Nguyễn Quang Bích và Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ, trong đó riêng Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch này…
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích chiến đấu ở Trường Sơn chỉ 2 năm, nhưng ông cũng đã để lại những dấu ấn không quên với Trường Sơn. Trong mắt nhiều cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, nhất là lực lượng phòng không thì ông là một cán bộ rất có "tướng số". Dáng ông cao lớn, khuôn mặt quắc thước nhưng vẫn toát lên vẻ thân thiện, dễ gần. Với tác phong sâu sát và con mắt chuyên môn sắc sảo, đến trận địa cao xạ nào là ông nhanh chóng "đọc" ra ngay điểm mạnh và những khiếm khuyết của cách bố trí trận địa trong việc tận dụng tối đa địa hình địa vật một cách hợp lý hay chưa…
Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, dưới con mắt sắc sảo và kinh nghiệm tác chiến phòng không của ông, ông đã nhanh chóng "hoàn thiện thế trận phòng không" của Trường Sơn tham gia Chiến dịch sẵn sàng và bí mật giăng lưới lửa "úp xuống" quân địch. Trong chiến dịch, lực lượng phòng không của Trường Sơn đã đánh 481 trận, bắn rơi 346 máy bay (trong tổng số 505 máy bay bị tất cả các lực lượng bắn rơi trong toàn chiến dịch).
Với 730 ngày chiến đấu gian khổ và ác liệt nhất, từ năm 1970 – 1972, Trường Sơn đã trở thành một phần máu thịt trong Tướng Nguyễn Quang Bích. Từ Trường Sơn Tướng Nguyễn Quang Bích đã trở lại Thủ đô để cùng với Quân chủng PKKQ làm nên một "Điện Biên Phủ trên không Hà Nội"!
Có thể nói: Từ 56 ngày đêm quyết chiến quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đến 12 ngày đêm hào hùng của Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không Hà Nội", Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích đã trực tiếp có mặt trong vai trò của người chỉ huy. Ông trở thành nhân chứng ghi những dấu ấn quan trọng trong những thời điểm trọng đại nhất của lịch sử dân tộc và quân đội ta.
Cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hôm nay mãi mãi khắc ghi hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – những người đã xây dựng nền móng đầu tiên cho Hội Trường Sơn Việt Nam hôm nay. Tướng Nguyễn Quang Bích là Trưởng ban đầu tiên của Ban Liên lạc Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh khu vực Hà Nội và phụ cận, ngày 19/5/1989. Biết bao khó khăn, thiếu thốn thuở ban đầu, nhưng dưới sự chèo lái của ông và tập thể Ban Liên lạc Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ngày ấy đã xây dựng nên một nền móng vững chắc của một đơn vị tiền thân để Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ra đời ngày 5/7/2011 và phát triển nhanh chóng, vững chắc như ngày hôm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.