Vị vua nhà Nguyễn nào bị ép lên ngôi, rồi chết bi thảm?
Vị vua nhà Nguyễn nào bị ép lên ngôi, rồi chết bi thảm?
N.N
Thứ ba, ngày 20/09/2022 18:31 PM (GMT+7)
Lãng Quốc Công Hồng Dật bị 2 đại thần nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết “bắt phải làm vua”. Tuy nhiên, ông chỉ ngồi ngai vàng được 5 tháng trước khi bị 2 đại thần này phế truất và xử tử.
Lãng Quốc Công Hồng Dật (Nguyễn Phúc Hồng Dật) là em ruột của vua Tự Đức và là con thứ 29 của vua Thiệu Trị. Năm 1883, ông đang sống yên ổn ở phủ riêng tại Kim Long, nơi cách xa hoàng thành nhưng bỗng dưng bị hai vị đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết “bắt phải làm vua”. Sau khi truất phế và bỏ tù vua Dục Đức, hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đề nghị đức Từ Dũ chọn Lãng Quốc Công lên ngôi. Dù cố gắng từ chối nhưng cuối cùng Lãng Quốc Công Hồng Dật cũng phải “chịu” làm vua vì áp lực của các đại thần trong triều. Hai ngày sau khi về Cấm Thành, các quan đã làm lễ tấn tôn cho Hồng Dật tại điện Thái Hòa và lấy hiệu là Hiệp Hòa.
Từ khi lên ngôi vua (lúc 36 tuổi), Hiệp Hòa đã có ý thức phản kháng, chống đối hai vị phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Nhà vua tìm mọi cơ hội để tước đoạt sự lộng quyền của hai vị quan này và cần thiết thì sẽ loại bỏ. Giúp đỡ ý đồ của nhà vua là hai vị cận thần rất đáng tin cậy và cũng là người trong hoàng tộc, gồm: Hồng Sâm (con trai Tuy Lý Vương) và Hồng Phi (con trai Tùng Thiện Vương). Thái độ thân thiện của vua Hiệp Hòa đối với Pháp cùng với mối quan hệ mật thiết của nhà vua và hai hoàng thân đã làm cho Tôn Thất Thuyết đề phòng, cảnh giác.
Sau 4 tháng lên ngôi, một hôm vua Hiệp Hòa nhận được một tờ mật sớ của Hồng Sâm và Hồng Phi xin giết hai quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Đọc tờ sớ xong, Hiệp Hòa phê: “Giao cho Trần Tiễn Thành” và giao cho viên thái giám Trần Đạt mang đến nhà đại thần Thành ở chợ Dinh. Trên đường đi chẳng may tên thái giám lại gặp Nguyễn Văn Tường đang đi vào cung. Thấy viên thái giám hấp tấp, bộ điệu rất khả nghi, Nguyễn Văn Tường tra hỏi và giật lấy cái tráp đựng sớ mở xem. Tường tái mặt, sai bắt tên thái giám rồi lên xe đi tìm Tôn Thất Thuyết ngay.
Đọc xong tờ sớ, Tôn Thất Thuyết hét lớn: Kéo quân đi giết hết bọn chúng.
Ngay lúc đó, Nguyễn Văn Tường khéo léo, ôn tồn xoa dịu. Rồi sau đó hai người bàn kế hoạch chống trả. Họ cho mời các quan đại thần đến họp khẩn ở Bộ đường Bộ Binh chỗ Tôn Thất Thuyết đang ở. Nguyễn Văn Tường đọc tờ mật sớ và vạch rõ âm mưu giết hai đại thần phụ chính của vua Hiệp Hòa và Hồng Sâm, Hồng Phi, Trần Tiễn Thành. Cuối cùng theo đề nghị của Tôn Thất Thuyết, tất cả các vị đại thần đều ký tên vào tờ sớ dâng Hoàng Thái hậu Từ Dũ, xin phế bỏ vua Hiệp Hòa, lập người khác làm vua. Đồng thời hai ông Tường và Thuyết sai Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Đệ, ngay hôm đó dẫn 50 cận vệ vào điện Càn Thành, bắt vua Hiệp Hòa phải tự xử “Tam ban triều điển” (thuốc độc, thanh gươm, dải lụa - 3 món để tự tử).
Vua Hiệp Hòa đang ngủ bỗng bị đánh thức dậy, ngơ ngác không biết xảy ra việc gì, vội cuốn mình trong chăn hãi sợ. Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Đệ nói rõ lý do và yêu cầu nhà vua tự xử. Hiệp Hòa kêu oan không nhận tội và cuối cùng viên quan chỉ huy đội quân cấm vệ đã ra lệnh cho đám lính đi theo:
- Đức Ông không tự xử, bọn mày cứ việc làm tròn phận sự.
Bọn cận vệ xông vào, kẻ giữ tay, người giữ chân, bóp miệng, cạy răng... đổ thuốc độc vào miệng, vào tai... Một lúc sau, vua Hiệp Hòa quằn quại mà chết. Hôm ấy là 29/11/1883, Hiệp Hòa thọ 36 tuổi và chỉ làm vua được 4 tháng 10 ngày.
Lời bàn:
Các triều đại phong kiến ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng rất tôn sùng Nho giáo, đặc biệt là triết lý: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; quân xử thần trung thần bất trung bất hiếu”. Điều này có nghĩa là vua bảo thần chết thì phải chết, nếu không chết thì sẽ là người bất trung... Ấy vậy mà dưới triều đại của nhà Nguyễn đã xảy ra điều ngược lại. Cụ thể là với vua Hiệp Hòa, quần thần buộc ông phải tự xử bằng ba cách: Một là uống thuốc độc, hai là tự sát bằng thanh gươm và ba là treo cổ bằng dải lụa và vua Hiệp Hòa không muốn chết, nhưng cũng phải chết vì bị quân lính đè ra đổ thuốc độc vào miệng.
Một triều đại mà vua không còn là vua và quan quân lại có quyền giết cả vua nữa thì quả là đại loạn. Vẫn biết rằng, đẩy thuyền đi cũng là nước và làm lật thuyền cũng là nước, nhưng lật ngai vàng của vua Hiệp Hòa không phải là dân, mà là vì quyền lợi của một số đại thần trong triều đình nhà Nguyễn thời đó. Thế mới hay rằng không phải khi dậu đổ thì bìm bìm mới leo, mà ngay cả khi dậu còn đang vững mà bìm bìm đã leo cao rồi làm sập cả dậu. Học theo người xưa, thời nay ở đâu đó vẫn thường xảy ra chuyện này, thật đáng buồn thay!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.