Việc Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường được dẫn chứng vào báo cáo trình Quốc hội
Việc Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường được dẫn chứng trong báo cáo trình Quốc hội
PVCT
Thứ tư, ngày 20/10/2021 15:18 PM (GMT+7)
Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã trình bày thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Văn bản hướng dẫn việc chống dịch phải đính chính, thu hồi
Về thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền. Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản (bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn...) để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết và trước hết.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra những bất cập như các văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm hạn như quy định "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.
Có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn còn xảy ra.
Vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần, báo cáo dẫn chứng vụ việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên Covid-19 chỉ trong vòng một ngày. Ở tỉnh Hà Nam, chỉ sau vài giờ ban hành Quyết định áp dụng Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng với toàn bộ thành phố Phủ Lý thì lại ban hành Quyết định điều chỉnh, thu hẹp và giãn cách một phần của 12 xã, phường thuộc thành phố này. Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường.
Một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Báo cáo dẫn chứng Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 03/9/2021 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 6445/CAHN-VTTHCY của Công an TP.Hà Nội về việc chuẩn bị các điều kiện cần, phối hợp với Công an thành phố trong triển khai phần mềm "Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện".
Có ý kiến cho rằng, việc phân vùng dịch ở Hà Nội theo Chỉ thị số 20/CT-UBND thành phố là chưa phù hợp với Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Lợi dụng "luồng xanh" để vận chuyển hàng lậu
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh, một số loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội (như trộm cắp, đua xe, tai nạn giao thông…) giảm đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như sau: Một số tội phạm, tệ nạn mới hoặc đã có từ trước nhưng diễn biến phức tạp hơn như lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, như lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động "cứu trợ nhân đạo" trá hình, khuếch trương thanh thế, móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức phản động với nhiều thủ đoạn nguy hiểm.
Có tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi trong tiêm vaccine phòng Covid-19, nhiều vụ việc lợi dụng xe đăng ký mã nhận diện "luồng xanh" để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, kể cả vận chuyển ma túy... Một số cán bộ, công chức chính quyền cơ sở, nhân viên y tế - những người thực thi nhiệm vụ nhưng không nắm rõ quy định, lạm dụng, làm quá, thậm chí vượt quá mức độ các biện pháp mà pháp luật quy định, gây bức xúc trong dư luận.
Về giáo dục - đào tạo: Để thích ứng với đại dịch Covid-19 và đảm bảo quyền học tập của học sinh, sinh viên, Chính phủ đã linh hoạt triển khai các hình thức học tập trực tuyến, học qua truyền hình, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội; phát động, huy động nguồn lực xã hội và thực hiện hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Tuy nhiên, vẫn còn một số cần quan tâm như sau: Việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số khó khăn, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình; chất lượng khó đảm bảo, đồng thời gây ra một số hệ lụy không tốt cho trẻ em. Học sinh tiếp cận với các thông tin không phù hợp với lứa tuổi; chất lượng học tập và đánh giá kết quả học tập bị hạn chế; các bệnh do sử dụng các thiết bị điện tử kéo dài, bệnh về tâm lý do việc thiếu tiếp xúc xã hội, gia tăng nguy cơ xâm hại trên mạng đối với học sinh.
Dịch Covid-19 có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này khi mà sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải học trực tuyến, hạn chế việc thực hành nghề, giảm tính thực tế, thực tiễn, kỹ năng mềm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.