Viên Thiệu, một Hạng Vũ phiên bản lỗi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Thứ bảy, ngày 21/11/2020 10:32 AM (GMT+7)
Có thể thấy một điều rõ ràng: Viên Thiệu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa là nhân vật có ảnh hưởng quyết định đến các diễn biến chính trị cuối thời Đông Hán khi là người duy nhất chủ trương hành động để xoay chuyển thời thế, kiên quyết lật đổ nhà Hán để tạo ra một thiên hạ mới.
Tuy nhiên, hình tượng Viên Thiệu để lại trong lịch sử, tiểu thuyết và trong lòng lại không tốt. Khi luận về Viên Thiệu, người đời luôn có câu cửa miệng là mấy chữ “bốn đời Tam công”. Viên Thiệu “bốn đời Tam công” đã trở thành câu khẩu quyết.
Cái bóng “Tam công”
Viên Thiệu rất may mắn có xuất phát điểm rất tốt, gia tộc hùng mạnh, môn khách đầy thiên hạ. Thế nên, Viên Thiệu tung hoành thiên hạ cũng là nhờ bốn đời Tam công, hùng cứ Hà Bắc cũng là bởi bốn đời Tam công, còn bản thân Viên Thiệu chẳng có tài năng gì lại đầy rẫy khuyết điểm, tâm địa thì hẹp hòi. Nói tóm lại, ông ta có được một chút sự nghiệp là nhờ phúc đức tiên tổ, vì bởi con ông cháu cha. Có thực vậy không?
Không. Nói Viên Thiệu “bốn đời Tam công” cũng như nói Lưu Bị là “dòng dõi hoàng thúc”, nói Tôn Quyền là “hậu nhân của Tôn Vũ”... chỉ là trang sức bề ngoài, hay nói như Khổng Dung: “Nắm xương khô trong mả, chẳng đáng nhắc đến”.
Thật vậy, quốc thích nhà Hán đầy khắp thiên hạ, hậu nhân Tôn Vũ hẳn cũng không ít, nhưng trong đám đó chỉ có Lưu Bị, Tôn Quyền làm nên sự nghiệp. Đó không hoàn toàn vì Lưu, Tôn có xuất thân tốt đẹp, mà bởi họ có năng lực cá nhân.
Lại nói về trường hợp của Viên Thiệu, “bốn đời Tam công” hoàn toàn không phải là thứ riêng mình ông ta được hưởng. Nói về danh phận, Viên Thiệu còn kém xa Viên Thuật. Viên Thiệu, Viên Thuật đều là con của Tư không Viên Phùng, Viên Thiệu tuy lớn tuổi hơn, nhưng là con do nô tỳ sinh ra. Viên Thuật nhỏ tuổi hơn, nhưng là do đại phu nhân sinh ra. Viên Thuật mới là con đích.
Vì thế, Viên Thiệu sớm đã bị chuyển sang làm con nuôi của Viên Thành - chỉ làm một chức quan nhỏ - địa vị của Viên Thiệu do đó cũng chẳng tôn quý là mấy. Xem chuyện kể hồi nhỏ ông ta cùng Tào Tháo đi cướp cô dâu, chẳng may sa vào bụi gai. Tào Tháo hô lớn, dọa ông ta sợ mất mật, phải vùng thoát khỏi bụi gai, người đầy vết xước, còn Tháo vỗ tay cười ha hả, chẳng chút kiêng nể, cho thấy vị thế của Viên Thiệu còn kém một chút so với Tào Tháo – đứa con nhà hoạn quan.
Nếu so với Viên Thiệu thì Viên Thuật còn “bốn đời Tam công” hơn, cũng có lòng tranh thiên hạ, khao khát muốn làm hoàng đế, nổi lên là cùng một lúc với Viên Thiệu. Kết quả thế nào? Viên Thuật chỉ chiếm được hai quận Cửu Giang, Lư Giang; Viên Thiệu hùng cứ bốn châu Ký, U, Tinh, Thanh.
Viên Thuật chết đói ở Giang Đình; Viên Thiệu lúc chết còn để lại cơ đồ đồ sộ ở Hà Bắc. Cùng là “bốn đời Tam công”, một người thì cơ nghiệp hạn hẹp, chết bờ chết bụi, một người quy mô rộng lớn, điểm khác nhau chính là năng lực cá nhân của cả hai.
Danh hiệu “bốn đời Tam công” đương nhiên cũng có sức hiệu triệu chẳng kém cái danh “hoàng thúc” của Lưu Bị. Tôn Kiên vừa gặp đã tình nguyện dốc sức cho Viên Thuật tất nhiên là do hâm mộ danh tiếng của ông ta. Có điều, Viên Thuật không có khả năng dùng người, tài năng không cao, mà đức độ lại mỏng.
Tôn Kiên vì ông ta đánh giặc, ông ta lại không cấp lương thực cho Tôn Kiên. Tôn Sách con Tôn Kiên cũng vì ông ta mà đánh thiên hạ, ông ta hứa khi thắng sẽ cho cai trị quận này quận nọ, rồi hai lần nuốt lời. Loại người như thế dù cho mười đời Tam công thì cũng chẳng làm nên trò trống, huống hồ chỉ mới có bốn đời Tam công.
Hữu danh vô thực?
Viên Thiệu thì khác hẳn, có tầm nhìn xa rộng. Trong cơn loạn lạc cuối Hán, khi những người như Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Kiên còn quẩn quanh trong việc cứu vãn một triều đại đã mục nát, Viên Thiệu đã sớm vạch ra “Long Trung sách” cho bản thân: Trước lấy Ký Châu làm vốn, sau định Hà Bắc, Ô Hoàn rồi ngoảnh về nam để tranh thiên hạ.
Để thực thi chiến lược đó, Viên Thiệu chuẩn bị sẵn lực lượng. Trần Thọ nói Thiệu “anh tuấn, uy vũ, biết nhún mình đãi kẻ sĩ, kẻ sĩ nhiều người nương dựa Thiệu”. Viên Thiệu sớm tụ họp được rất nhiều anh tài dưới trướng như Hà Ngung, Hứa Du, Trương Mạc, Chu Bí, Ngũ Quỳnh, Phùng Kỷ, Thư Thụ, Thẩm Phối, Trương Cáp, thậm chí là cả Tuân Úc, Quách Gia.
Sử sách từ Ngụy - Tấn về sau cực lực dè bỉu khối nhân tài đó, như Tuân Úc từng nói: “Thiệu cậy gia thế, ung dung với cái vỏ trí mưu, để thu lấy tiếng khen, nên số ít kẻ sĩ có tài năng khiếm khuyết hâm mộ hư danh quy thuận”.
“Anh hùng ký” cũng nói thêm rằng Thiệu “không qua lại bừa bãi cùng tân khách, nếu chẳng phải người nổi danh khắp hải nội, thì không chịu tương kiến”. Bằng vào những lời đó, Dịch Trung Thiên cho rằng Viên Thiệu giao kết với kẻ sĩ chỉ cầu danh không cầu thực, những kẻ theo về chỉ là bọn tạp nhạp, thực ra không phải như vậy.
Điều mà “Anh hùng ký” nói ứng vào thời kỳ Viên Thiệu từ quan ẩn cư ở Lạc Dương, cùng những người khác kết làm du hiệp, ngấm ngầm mưu đồ việc lớn. Bởi là việc đại sự bí mật, Viên Thiệu chẳng thể nào kết giao bừa bãi, những người kết làm bạn tim ruột chỉ có vài người như Hà Ngung, Hứa Du, Trương Mạc. Trương Mạc là người “cứu người khổ, giúp kẻ nguy nan, dốc hết gia sản không hề tiếc”.
Hứa Du “lăn lộn cứu người trong hoạn loạn chẳng hề chậm chân”. Hà Ngung thì mỗi năm đều “hai ba lần một mình tới Lạc Dương, đến chỗ Thiệu cùng bàn kế, cứu giúp những kẻ sĩ cùng quẫn thoát khỏi họa nạn”. Đó là thời kỳ mà nhà Hán đàn áp kẻ sĩ sau cái họa Đảng cố thời Hán Hoàn đế.
“Hán mạt danh sĩ lục” khen Hà Ngung sách lược mưu kế hơn người, kẻ bàn luận cho là không theo kịp. Sau khi Viên Thiệu chạy ra ngoài, Hà Ngung cùng với Chu Bí, Ngũ Quỳnh ở lại vận động phân bổ nhân sự cho Đổng Trác. Kết quả là đã giúp Viên Thiệu lập ra được liên quân Quan Đông.
Viên Thiệu không câu nệ vào một kiểu người nào, có tài là dùng: Dùng mưu của Phùng Kỷ để lấy Ký Châu, dùng sức Lữ Bố để phá Trương Yên, dùng trí của Điền Phong bắt Công Tôn Toản, dùng sách lược của Thẩm Phối, Quách Đồ đánh cho Tào Tháo suýt chết ở Quan Độ. Thư Thụ từng khuyên Hàn Phức diệt Viên Thiệu, nhưng Thiệu lại dùng Thụ làm tâm phúc, cho nắm giữ quân quyền.
Lữ Bố là kẻ phản phúc vô thường, Đinh Nguyên, Đổng Trác, Lưu Bị vì dùng Lữ Bố mà tan nhà nát cửa, Viên Thuật, Tào Tháo không ai dám dùng, chỉ riêng Viên Thiệu có thể dùng Lữ Bố mà không bị tổn thất gì cả. Sau khi Viên Thiệu qua đời, rất nhiều nhân tài từ cửa của Viên Thiệu bước ra, về sau đều có những đóng góp hết sức lớn cho sự phát triển của tập đoàn Tào Tháo.
Một Hạng Vũ… phiên bản lỗi
Viên Thiệu sở dĩ có thể vượt trước quần hùng, trở thành quân phiệt mạnh nhất là bởi có chiến lược, biết dùng người, nhưng hậu thế không dám thừa nhận. Thiếu Du thời Bắc Tống từng nói: “Vào lúc Thiệu và Đổng Trác bàn luận khác nhau, cắp ngang thanh đao mà cãi lời Trác, một mạch bước ra; rồi đến lúc khởi binh nơi Bột Hải, bèn có đất của bốn châu, liên kết trăm vạn bộ chúng, uy chấn Hà Sóc, danh vang thiên hạ, không thể nói không phải là hào kiệt một thời”.
Viên Thiệu đúng là hào kiệt của một thời, nhưng Thiếu Du không dám khẳng định, mà phải dùng phép phủ định hai lần. Sở dĩ có tâm lý như thế là bởi vì hình tượng của Viên Thiệu đã bị xác định sẵn. Mao Tôn Cương từng nhận xét rằng Tuân Úc rất thường xuyên đem Tào Tháo so sánh với Hán Cao Tổ, và ví trận Quan Độ như trận Sở - Hán tranh hùng.
Bởi vì Tào Tháo đã là Lưu Bang, Viên Thiệu tất nhiên được mô tả theo hình mẫu của Hạng Vũ. Hạng Vũ đánh đông dẹp bắc, xưng là Bá vương, rồi thất bại vì không nghe lời Phạm Tăng. Viên Thiệu chiếm giữ bốn châu, uy chấn Hà Sóc, rồi thất bại vì không nghe lời Điền Phong.
Không phải tự nhiên mà Trần Thọ nhận xét rằng “xưa Hạng Vũ làm trái mưu Phạm Tăng, nên vương nghiệp vùi lấp; Thiệu giết Điền Phong, còn hơn cả Vũ”. Có điều, Trần Thọ không ở vào địa vị thoải mái như Tư Mã Thiên, nên chỉ nói xấu Viên Thiệu mà vứt sạch những điểm tốt. Viên Thiệu do đó chỉ còn là một Hạng Vũ phiên bản lỗi.
Trận chiến Quan Độ ngay từ đầu đã bị người trong cuộc so sánh với trận quyết chiến Sở-Hán. Viên Thiệu vì thất bại nên ôm lấy toàn bộ mọi chỉ trích. Những mô tả về trận chiến đó đi theo mô hình “Tào Tháo làm gì cũng đúng, Viên Thiệu làm gì cũng sai”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.