Như Dân Việt đã thông tin, khoảng 19h40 đêm 9.2 (mùng 5 Tết), anh Võ Duy Nghiêm (SN 1993, định cư ở Canada) đi xe máy chở bạn gái là chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1993, quốc tịch Canada) đến khu du lịch Biển Rạng (Quảng Ngãi).
Anh Nghiêm được chuyển ra nước ngoài điều trị. IT
Khó truy tố tội Giết người?
Lúc này, từ phía sau có hai thanh niên đi xe máy ép sát xe anh Nghiêm, người ngồi sau hất axit vào mặt khiến anh Nghiêm bị bỏng nặng. Chưa dừng lại, 2 đối tượng tiếp tục dùng dao mang theo lao tới cắt 3 nhát vào khớp gối, gân chân anh Nghiêm.
Sau khi gây án cả 2 nhanh chóng lên xe tẩu thoát. Anh Nghiêm bị bỏng 80% cơ thể, axit ăn mòn giác mạc và đã được đưa ra nước ngoài điều trị.
Sáng qua (17.2), liên quan đến vụ việc Việt kiều bị tạt axit, cắt gân chân, lãnh đạo huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc này. Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương truy tìm các đối tượng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này khó có thể truy tố các đối tượng tội Giết người được, kể cả nạn nhân bị thương tích trên 85%.
Thực tế, từ trước tới nay, rất ít trường hợp những đối tượng gây án bằng axít bị truy tố tội Giết người.
Bởi vì pháp luật hiện hành quy định, chỉ khi nào đối tượng có hành vi dùng lượng axít lớn, nồng độ cao và tạt vào những vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, mặt; phạm tội quyết liệt, cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân mới có thể xử lý tội Giết người.
“Theo dõi vụ việc Việt kiều bị tạt axit, cắt gân chân này, tôi được biết, các đối tượng thực hiện hành vi với múc đích gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân chú không cố tình lấy đi tính mạng. Chính vì thế nên khó xử lý tội Giết người được”, luật sư Hòe nói.
Tuy nhiên, theo luật sư, hành vi của các đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015.
“Điều luật này có đưa tình tiết: Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân, tùy vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Như vậy mức án các đối tượng có thể phải đối mặt là rất nặng”, ông Hòe nhấn mạnh.
Xử lý sao nếu thủ phạm bỏ trốn ra nước ngoài?
Trước thông tin, đối tượng gây ra vụ việc cũng có thể là một Việt Kiều có quốc tịch Canada, vậy hướng xử lý sẽ như thế nào.
Về việc này, luật sư Hòe cho biết, trong trường hợp đối tượng bị cơ quan điều tra khởi tố bắt giam nhưng bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra sẽ gửi Lệnh truy nã này đến Văn phòng Interpol Việt Nam.
Đây là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
Sau đó, văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế ra thông báo truy nã quốc tế với bị can. Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương về thủ tục dẫn độ tội phạm.
Ngoài ra, thông qua con đường ngoại giao, chúng ta có thể thông báo, đề nghị quốc gia nơi đối tượng truy nã đang trốn phối hợp thực hiện việc bắt giữ để dẫn độ về nước xử lý.
Trong trường hợp đối tượng tạt axit, cắt gân chân Việt kiều nói trên, bỏ trốn sang quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ, thông qua con đường ngoại giao chúng ta có thể đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam xử lý.
“Do không có cơ sở pháp lý trực tiếp nên cơ quan chức năng hai nước sẽ đàm phán, thoả thuận chi tiết việc bắt giữ, dẫn độ đối tượng truy nã trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật mỗi nước và pháp luật quốc tế”, vị luật sư thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.