Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng Việt Nam từ hôm nay 11/7, qua tất cả cửa khẩu

Thiên Ngân Thứ hai, ngày 11/07/2022 16:02 PM (GMT+7)
Sau hơn 4 năm đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư quy định các điều kiện cụ thể để xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Và từ ngày 11/7, quả sầu riêng sẽ được xuất khẩu chính ngạch qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc.
Bình luận 0

Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng Việt Nam từ hôm nay

Ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và ông Du Kiến Hoa - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (nghị định thư). Nghị định thư kéo dài trong 3 năm.

Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng Việt Nam từ hôm nay 11/7, qua tất cả cửa khẩu - Ảnh 1.

Sầu riêng Ri6 Tây Nguyên được ưa chuộng hơn cả Musang King. Trong ảnh: Người dân Cư M'gar (Đắk Lắk) chăm sóc sầu riêng. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngoài Nghị định thư này, trong hôm nay (11/7), Bộ NNPTNT đã gửi tiếp công hàm thông tin toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để rà soát.

Sau khi rà soát và kiểm tra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ đăng các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện lên trang web để các doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin và xúc tiến các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.

“Cục Bảo vệ thực vật sẽ sớm tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp để nắm vững các quy định, điều kiện để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, ông Trung nói.

Cũng theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, hơn 4 năm qua, Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có nhiều cuộc thảo luận, đàm phán để xúc tiến xuất khẩu chính ngạch quả sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.

Với nghị định thư đã ký, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NNPTNT và GACC phê duyệt.

Thông tin đăng ký bao gồm: Tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NNPTNT phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.

Các lô hàng không có hồ sơ xuất khẩu, không có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ không được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước đạt khoảng 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông. 

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm qua thị trường này đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp nhiều khó khăn. 

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sầu riêng Việt Nam có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc ước tính tăng khoảng 26%/năm trong 10 năm gần đây.

Chỉ tính riêng năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 870.000 tấn sầu riêng của Thái Lan, mang lại doanh thu ít nhất 4,1 tỷ USD cho đất nước chùa vàng. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu hơn 8.000 tấn sầu riêng của Malaysia. 

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/7.

Thái Lan và Malaysia là những nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, với sản lượng hàng năm lần lượt đạt 600.000 và 300.000 tấn. Trong khi đó, về mặt tiếp nhận, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore là nơi nhập khẩu chủ yếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem