Việt Nam bị hạ bậc định mức tín nhiệm đồng nội tệ: 2 lời cảnh báo cho người dân

Thứ hai, ngày 22/08/2011 16:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng Mỹ S&P hạ mức tín dụng của đồng nội tệ Việt Nam xuống thấp hơn một bậc, phóng viên NTNN đã trao đổi với chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu- Ủy viên HĐQT Ngân hàng An Bình.
Bình luận 0

Thưa ông, ông bình luận gì về quyết định của S&P về hạ xếp hạng định mức tín dụng của đồng nội tệ Việt Nam?

- Tổng xếp hạng thì vẫn không thay đổi. Điều này chứng tỏ họ nhìn thấy nỗ lực phấn đấu của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đáng nói là chỉ số tín nhiệm đồng nội tệ bị giảm xuống. Nếu đặt trong mối tương quan, chỉ số lạm phát của Việt Nam đã trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái thì rõ ràng, giá trị đồng nội tệ đã tự thay đổi (không cần phải đánh giá).

img
Người dân sẽ ý thức rõ ràng hơn trong việc quyết định sử dụng tiền của mình vào mục đích gì (ảnh minh họa).

Còn nếu đặt trong mối tương quan với ngoại hối, rõ ràng, chỉ số giảm ảnh hưởng cho ngoại hối. Trong thời gian gần đây, tỷ giá liên ngân hàng tăng 10 đồng lên mức 20.680, biên độ kịch trần là 20.880, với tỷ giá này thì đồng nội tệ chắc chắn sẽ còn biến động nhiều.

img
Ông Nguyễn Trí Hiếu

Ông có cho rằng hạ mức như vậy là phản ánh đúng tình hình thực tế hay không?

- Phải nói rằng, phân tích của S&P là không thể không có lý. Họ đã thấy khoảng chênh lệch lớn giữa VND trong nước và VND so với USD là rất lớn. Giá trị của VND trong nước giảm mạnh vì lạm phát. Còn nếu so ra bên ngoài thì lại ổn định.

Điều này bắt buộc hoặc VND sẽ phải tự điều chỉnh giá trị của mình để phù hợp thực tế, hoặc Chính phủ phải đưa ra biện pháp điều chỉnh lạm phát.

E rằng, nỗ lực giảm lạm phát xuống dưới 10% trong tương lai, ngay ở năm tiếp theo là rất khó. Điều này không hề đơn giản như các nhà quản lý nói. Điều chỉnh lạm phát không phải là câu chuyện sáng - chiều. Do vậy, bắt buộc đồng tiền VN phải tự thay đổi.

Theo ông, nhận định này liệu có làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng?

Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P vừa đưa ra nhận định xếp hạng định mức tín dụng đồng nội tệ loại dài hạn của Việt Nam xuống mức “BB-“ từ mức “BB” hiện nay. S&P cho biết triển vọng tiêu cực đối với các xếp hạng của Việt Nam. Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro về bất ổn kinh tế và tài chính trong ngắn hạn.

- Nếu những người nào quan tâm và thường xuyên theo dõi thị trường tài chính quốc tế thì rõ ràng, khi đón nhận thông tin S&P hạ giá thấp đồng nội tệ Việt Nam sẽ băn khoăn. Giới quan sát, những nhà đầu tư sẽ giảm bớt một phần nào niềm tin.

Đánh giá của S&P rõ ràng không phải là sự kiểm chứng thực tế đơn thuần mà họ còn nhìn nhận vào tiềm năng của đồng tiền Việt Nam. Phương pháp đánh giá của S&P mặc dù mang yếu tố chủ quan, nhưng nó mang tính báo động cho mọi người.

Đối với dân chúng, cảnh báo này cũng mang yếu tố tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là mọi người sẽ không đơn thuần “đưa tiền vào nhà băng” chờ lĩnh lãi cuối kỳ nữa. Tích cực là mọi người sẽ lựa chọn được biện pháp đầu tư hiệu quả nhất.

Cảnh báo cho biết, đồng nội tệ liên tục bị phá giá, tiếp tục mất giá trị buộc các nhà quản lý, cơ quan điều hành phải có một biện pháp tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ giá trị tiền đồng. Đấy là điều may mắn cần nhận ra sau khi S&P công bố.

Xin cảm ơn ông!

Nhận định được phòng nghiên cứu Vietstock đưa ra sau các đánh giá của S&P cho rằng: Cần đọc kỹ tuyên bố của S&P khi họ cho rằng những nhận định căn bản về định mức tín nhiệm (underlying credit fundamentals) của Việt Nam là không thay đổi. Về tín nhiệm nợ ngoại tệ sẽ đáng chú ý hơn, vì nó ảnh hưởng nhiều đến việc vay mượn của chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thị trường không nên quá lo ngại về động thái này của S&P.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem