Việt Nam chi 5 tỷ USD mua lượng khổng lồ ngô, đậu tương từ Mỹ, Argentina,... để làm gì?

K.Nguyên Thứ năm, ngày 20/01/2022 12:31 PM (GMT+7)
Năm 2021, trong tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi Việt Nam sản xuất khoảng trên 21 triệu tấn thì nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã trên 20 triệu tấn, chiếm trên 90%. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Argentina...
Bình luận 0

Việt Nam chi 5 tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương từ Mỹ, Argentina...

Năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương,... về chế biến thức ăn chăn nuôi, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Argentina.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. 

Có thể thấy, 2021 là năm đầu tiên nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục khi cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD (năm 2020 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 3,841 tỷ USD), là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này.

Các thị trường chủ yếu cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Brazil và EU. 

Đáng chú ý, Việt Nam mua một lượng khổng lồ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ, với kim ngạch tăng rất mạnh, tăng tới 61,7% so với năm 2020, đạt 817,64 triệu USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Việt Nam chi 5 tỷ USD mua lượng khổng lồ ngô, đậu tương từ Mỹ, Argentina,... để làm gì?  - Ảnh 1.

Năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương,... về chế biến thức ăn chăn nuôi, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Argentina. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng nhiều đến việc chăn nuôi của nông hộ. Ảnh: N.C

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tác động đến nông hộ

Đánh giá về xu hướng tăng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ông Phan Văn Lục, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho rằng, ngành chăn nuôi đang phát triển rất mạnh mẽ, từ hơn 10 năm nay tốc độ đều 2 con số. 

Hiện Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi và đứng đầu Đông Nam Á với 265 nhà máy, trong đó có 44 nhà máy sử dụng công nghệ cao. Công suất tối đa của các nhà máy này đạt 41 triệu tấn. 

Năm 2021, tổng sản lượng thức ăn sản xuất ra khoảng trên 21 triệu tấn, trong đó nhập nguyên liệu thức ăn trên 20 triệu tấn.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), năm 2021, năm 2021, Việt Nam cán mốc xuất khẩu trên 1 tỷ USD thức ăn chăn nuôi.

"Ngành đã có bước tiến và có cạnh tranh thì mới xuất khẩu được và công nghệ của chúng ta cũng đã tiếp cận khu vực và thế giới" - ông Trọng nói. 

Ông Trọng cũng nêu một nghịch lý trong năm 2021 đó là, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi giảm. Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong đó có chuỗi thức ăn chăn nuôi, ảnh hưởng rất lớn đến giá thành đầu vào, giá nguyên liệu tăng 16-36%.

Trong khi đó, do ứ đọng sản phẩm nên giá gia cầm, giá heo giảm sâu, người chăn nuôi rất khó khăn. 

Bước sang năm 2022, ông Lục dự đoán, chăn nuôi gia cần vẫn tiếp tục phát triển, đóng góp của nông hộ vẫn còn rất lớn, trong năm vừa rồi nhiều cơ sở sản xuất gia cầm đã biết gắn kết sản xuất và tiêu thụ để sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, ông Trọng cho rằng, vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng phải theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Chăn nuôi nông hộ nên tập trung vào giống bản địa, con lai và theo hướng an toàn sinh học. 

"Để có thể tránh rủi ro thì phải liên kết chuỗi, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm, các hộ phải liên kết ngang để doanh nghiệp có thể tiếp cận với giám đốc hợp tác xã, chi hội trưởng… chứ doanh nghiệp không ký với từng hộ" - ông Trọng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem