Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu phân bón

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 19/12/2018 19:11 PM (GMT+7)
Ước tính trong tháng 11/2018, nước ta nhập khẩu 339.000 tấn phân bón các loại với giá trị 94 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị phân bón nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt 3,73 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, giảm 13,6% về khối lượng và giảm 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Bình luận 0

Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 443.000 tấn với giá trị đạt 129 triệu USD, giảm 3,1% khối lượng nhưng lại tăng 10,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; phân SA ước đạt 919.000 tấn với giá trị nhập khẩu đạt 119 triệu USD, giảm 6,5% về khối lượng nhưng lại tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

img

Công nhân đóng gói sản phẩm phân bón tại Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Ảnh: T.L

Nguồn phân bón nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2018 chủ yếu từ Trung Quốc và Nga chiếm 47,1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.

Theo ghi nhận của PV, thời gian gần đây, giá các mặt hàng phân bón tại Việt Nam liên tục biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Tại một số địa phương đã diễn ra tình trạng khan hiếm, khiến nông dân phải mua phân bón giá cao hơn khoảng 10 - 15%.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương lý giải do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới và tỷ giá tăng thời gian vừa qua, nên giá phân bón trong nước đã tăng nhẹ ở một số mặt hàng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem khẳng định, nguyên nhân chính khiến giá phân bón thế giới tăng là do thị trường thế giới tăng, bằng chứng là, đạm ure mặc dù không áp thuế tự vệ nhưng cũng tăng hơn 2.000 đồng/kg.

Giá phân DAP của Công ty cổ phần DAP - Vinachem sản xuất ra phải điều chỉnh tăng giá thời gian vừa qua cũng bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu do giá thành sản xuất bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 12,8% so với 2017. Trong đó, giá lưu huỳnh bình quân tăng 21,1%, amoniac tăng 9%, vì vậy, công ty buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm DAP Đình Vũ tương ứng theo diễn biến của thị trường. 

Hiện, Công ty cổ phần DAP - Vinachem giao bán DAP tại cổng Nhà máy với mức giá bình quân 9.800 đồng/kg, nhưng giá đến tay nông dân tại một số nơi đã cán mức trên 11.500 đồng/kg.

Lý giải tình trạng giá bán tăng, song nguồn cung không hề khan hiếm, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, vì lượng hàng nhập khẩu cộng với sản xuất trong nước khá dồi dào, nên vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.

Dù vậy, ông Lê Văn Thông, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao thừa nhận, giá nguyên vật liệu tăng cao (urê, kali, DAP...) cũng làm khó cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ phân bón.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem