Việt Nam có cần lo ngại về lạm phát đình trệ hay không?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 17/11/2021 18:30 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây đang dấy lên mối lo ngại về sự trở lại của lạm phát đình trệ khi tỷ lệ lạm phát đang leo thang ở các nền kinh tế phát triển, trong khi đó tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ suy giảm. Liệu lạm phát đình trệ có phải mối đe dọa của Việt Nam?
Bình luận 0

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này trong tháng 10/2021 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng theo năm cao kỷ lục kể từ tháng 11/1990.

Tại Anh, vượt trên các dự đoán của các chuyên gia kinh tế, giá tiêu dùng tháng 8/2021 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020 - đây là mức tăng hàng năm cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. 

Tương tự, tại Nhật Bản và Trung Quốc, giá sản xuất đang làm lung lay các dự báo. Đức - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới là cũng nằm trong số các quốc gia có xu hướng tương tự về lạm phát leo thang.

Lạm phát đình trệ: Có nguy cơ nhưng không lớn? - Ảnh 1.

Lạm phát leo thang trên toàn cầu. (Ảnh: Bloomberg)

Trong khi lạm phát đang leo thang trên toàn cầu, một số tổ chức quốc tế lại có những đánh giá kém tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đơn cử như IMF, tổ chức này đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2021 chỉ còn 5,9%, giảm 0,1 điểm % so với trước đó. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ còn 4,9%.

Lạm phát tăng vọt song hành cùng tăng trưởng GDP dự báo sẽ suy giảm làm dấy lên quan ngại về lạm phát đình trệ trở lại như từng xảy ra trong những năm 1970.

Liệu lạm phát đình trệ có phải mối đe dọa với Việt Nam?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, Việt Nam chưa cần quan ngại về vấn đề này.

Ông Độ lý giải, thế giới bị đứt gãy nguồn cung khiến cho giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, kéo theo lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, những cú sốc này thường là ngắn hạn, khi nền kinh tế hoạt động bình thường khả năng lạm phát năm sau của các nước phát triển sẽ thấp hơn năm nay. Như vậy, áp lực lạm phát từ bên ngoài đối với Việt Nam cũng giảm đi và lạm phát của Việt Nam năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó, Việt Nam chưa cần lo lắng đến câu chuyện lạm phát đình trệ.

Thực tế, trong 10 tháng đầu năm nay mặc dù giá nguyên liệu tăng song lạm phát của Việt Nam vẫn tăng thấp nhất kể từ năm 2016, đạt 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo lạm phát năm nay vào khoảng 2% và sẽ tăng lên 4% vào năm 2022.

Lạm phát đình trệ: Có nguy cơ nhưng không lớn? - Ảnh 2.

Dự báo lạm phát năm nay vào khoảng 2% và sẽ tăng lên 4 % vào năm 2022. (Ảnh: D.V)

Nêu quan điểm về hiện tượng lạm phát đình trệ đối với nền kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, lạm phát đình trệ cũng có nguy cơ xảy ra nếu Việt Nam vẫn tiếp tục có những chính sách chống dịch như đã thực hiện trong thời gian qua như phong tỏa, giãn cách xã hội,… từ đó khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại bị gián đoạn, chuỗi cung ứng đứt gãy.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, lạm phát đình trệ có thể xuất hiện, nhưng dù có xuất hiện cũng chỉ trong thời gian ngắn. Một khi lạm phát đình trệ xảy ra ở các nền kinh tế lớn, tác động lớn nhất sẽ đánh vào các doanh nghiệp nội địa phụ thuộc hoàn toàn vào đầu vào nhập khẩu.

"Cần thiết lúc này là làm sao khôi phục chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh bình thường mới", chuyên gia khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem