Theo TS Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam (Bộ NNPTNT), với những đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng riêng có, vùng ĐBSCL từ lâu đã được biết đến như là “vựa lúa” của Việt Nam. Gieo trồng lúa nước của người nông dân vùng ĐBSCL đang ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại.
|
Cân mua lúa tại huyện Tân Trụ (Long An). |
Đã khai thác triệt để đất trồng lúa
Ông Tuấn cho biết, trong 10 năm qua, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh và sử dụng nhiều giống lúa mới, năng suất lúa ở ĐBSCL đã tăng từ 4,2 lên 5,4 tấn/ha; sản lượng tăng 37,5%, từ 16 triệu tấn năm 2000 lên 22,4 triệu tấn năm 2011. Sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL hiện chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
“Diện tích đất trồng lúa tại ĐBSCL đã được khai thác gần như triệt để. Hiện chỉ còn Kiên Giang và Long An có khả năng tăng diện tích đất lúa bằng việc chuyển từ đất trồng tràm sang trồng lúa sau khi đã có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khả năng cao nhất sản lượng chỉ có thể lên được 24 triệu tấn/năm” - TS Tuấn cho biết. Dự báo đến năm 2020, năng suất lúa của ĐBSCL sẽ tăng thêm khoảng 0,6 tấn/ha/vụ, lên 6 tấn/ha/vụ.
Trong khi đó, theo GS-TS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam, chỉ số vòng quay của đất trồng lúa khu vực ĐBSCL hiện đã 2,6. Trong khi đó, chỉ số này trên thế giới cao nhất cũng chỉ khoảng 2,2 – 2,4. Nếu tiếp tục tăng hệ số vòng quay, tức tăng số mùa vụ sẽ dẫn tới tình trạng khoáng hóa trong đất khiến năng suất mùa vụ giảm theo.
Không thể tăng diện tích trồng lúa nên theo TS Tuấn, hướng phát triển cho ĐBSCL trong thời gian tới chỉ còn cách là tăng chất lượng, giảm hao hụt và áp dụng thâm canh khi có giá trị kinh tế. Chỉ cần giảm hao hụt 5% là chúng ta đã có thêm 1 triệu tấn lúa mỗi năm. Tỷ lệ hao hụt trong sản xuất lúa tại ĐBSCL hiện ở mức 25 – 30%.
Có thể tăng xuất khẩu
“Tình hình sản xuất lúa gạo trong nước gặp nhiều thuận lợi trong khi Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như lũ lụt, mất mùa. Năm nay VN có thể sẽ soán ngôi đầu bảng trong xuất khẩu gạo của Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới” - TS Hồ Cao Việt (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) phân tích.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Luật - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để tăng năng suất mùa vụ, cơ quan khuyến nông nên tập hợp các thương lái thành hệ thống, huấn luyện các nội dung và kỹ năng khuyến nông, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật... Từ đó, họ có thể chuyển giao cho nông dân dễ dàng hơn.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia ngành lúa gạo cũng nhận định, thị trường nhập khẩu gạo đến năm 2015 vẫn rất tốt cho xuất khẩu gạo của VN. Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết phức tạp, nhu cầu thế giới tăng cao và các nước sử dụng lúa gạo vẫn chưa có chuyển biến đáng kể về sản lượng lúa trong nước.
“Trong trường hợp diện tích đất trồng lúa không tăng nhưng với năng suất lúa tại ĐBSCL tăng trưởng bình quân 2%/năm như những năm qua thì đến 2015 sản lượng lúa cả nước có thể đạt 44 – 45 triệu tấn. Lúc đó, VN có thể xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, thậm chí 10 triệu tấn trong năm 2015 - 2016” - TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ nhận định.
Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.